Chung tay vì an sinh xã hội

.

Năm 2019, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các địa phương đã vận động được gần 100 tỷ đồng để hỗ trợ trên 10.000 lượt người khó khăn, góp phần đáng kể cho công tác an sinh xã hội thành phố.

Những ngày cận Tết Canh Tý 2020, Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố trở nên nhộn nhịp khi liên tục có các tổ chức, cá nhân đến thăm và tặng quà. Lần đầu tiên đặt chân đến thăm trung tâm với món quà là 40 chiếc bánh chưng do chính tay anh chị em trong công ty nấu và 4 thùng sữa bột, sữa chua, chị Lê Thị Nga - đại diện nhóm anh em Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Ánh Nga cứ xuýt xoa: “Không ngờ những người vô gia cư, lang thang lại được đưa về sống trong một nơi khang trang, sạch sẽ và đẹp như thế này”. Và điều làm chị Nga cũng như những người đi cùng ngạc nhiên là trong vòng 1 giờ đồng hồ tại đây đã có thêm hai đoàn từ thiện nữa đến thăm trung tâm.

Chị Nga tâm sự: “Thật cảm động là cả hai đoàn còn rất trẻ và đều là những người làm nghề tự do như hớt tóc và bán hàng ở chợ. Nhìn cách họ trao quà, ân cần hỏi thăm những cụ già và chơi đùa với mấy em nhỏ bại liệt mà cảm thấy ấm lòng”.

Còn chị Hệ Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố, dù đã quá quen với việc đón tiếp những tổ chức, cá nhân đến thăm, tặng quà tại trung tâm nhưng lần này chị cũng bày tỏ sự ngạc nhiên: “Nếu như trước đây đến thăm trung tâm chủ yếu là các tổ chức, cơ quan, thì gần đây có nhiều cá nhân, nhóm bạn trẻ. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của những người sống ở trung tâm tốt lên rất nhiều”.

Thật ra, không chỉ riêng trong những ngày Tết mới có nhiều hoạt động thiện nguyện như vậy. Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố cho biết, trung bình mỗi năm Hội tiếp nhận từ các nguồn từ thiện, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khoảng 4 tỷ đồng. Đây là con số rất quý giá, quan trọng hơn là tấm lòng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp dành cho nạn nhân da cam/dioxin.

Họ đến với Hội bằng sự yêu thương, chính vì vậy, họ luôn quan tâm tìm hiểu thật kỹ những nạn nhân da cam cần gì, gặp khó khăn gì để chung tay giải quyết. Nếu trước đây quà chủ yếu bằng hiện vật, thì nay còn tiến xa hơn khi có thể giúp nạn nhân da cam học nghề hoặc bao tiêu sản phẩm đầu ra do nạn nhân da cam sản xuất. Bà A., ở phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) có con trai là nạn nhân chất độc da cam rất xúc động về trường hợp của gia đình mình.

Bà A. tâm sự: “Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con nhưng lại bị dị tật ở chân, việc đi lại rất khó khăn và con cũng mặc cảm giao tiếp. Hai năm trước có đoàn từ thiện đến tìm hiểu, rồi đưa con tôi đi phẫu thuật, sau đó còn tặng một chiếc xe lăn. Chưa hết, mới đây họ quay lại đề nghị giúp con tôi đi học nghề sửa vi tính, thật là không biết nói gì về sự giúp đỡ này. Dù kết quả việc học thế nào đi nữa nhưng sự đồng cảm chia sẻ một cách tận tình như vậy đủ khiến gia đình tôi rất xúc động và biết ơn”.

Sự lan tỏa, nhân rộng những tấm lòng hướng về những số phận không may mắn đã góp phần đáng kể để thành phố thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian qua. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2019, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các địa phương vận động gần 100 tỷ đồng; nhờ vậy đã có hơn 10.000 lượt hộ gia đình, người khó khăn được giúp đỡ.

Mặc dù vậy, theo Sở LĐ-TB&XH thành phố, đây cũng là con số thống kê chưa đầy đủ và nói chính xác hơn là không thể đầy đủ được; bởi lẽ có rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân miệt mài, âm thầm chia sẻ khó khăn với những số phận không may mắn. Tinh thần “lá lành đùm lá rách” tại thành phố đang được nhân lên, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân và các địa phương chung tay.

Tại buổi gặp mặt các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài nước cùng các địa phương đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội thành phố được tổ chức vào cuối năm 2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định: “Trong bối cảnh ngân sách thành phố không thể đảm nhận tất cả các vấn đề an sinh xã hội thì sự chung tay của những tấm lòng nhân ái hướng đến những hộ gia đình khó khăn, những số phận kém may mắn rất đáng trân trọng. Sự chung tay này đã góp phần tích cực, tác động mạnh mẽ đến đời sống các đối tượng xã hội, giúp thực hiện tốt mục tiêu chương trình “Thành phố 4 an”. Điều đáng trân quý là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các địa phương đã chung tay với Đà Nẵng bằng cả tấm lòng và tinh thần trách nhiệm cao để những người bất hạnh, yếu thế trong xã hội được giúp đỡ thực sự chứ không phải là vấn đề hình thức”.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.