Thành phố đang thực hiện nhiều phương án tổ chức giao thông, trong đó có phương án mang tính cục bộ, cưỡng bức đối với một số tuyến đường. Tuy nhiên, khi triển khai phương án tổ chức giao thông vẫn chưa đi liền với việc duy trì tuần tra kiểm soát nên chưa phát huy hiệu quả bảo đảm an toàn giao thông, chưa tạo được sự chuyển biến về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Nút giao thông phía tây cầu Rồng đã giảm ùn tắc, nhưng xuất hiện tình trạng vi phạm Luật Giao thông gây mất an toàn giao thông nên cần xử lý vi phạm để phát huy hiệu quả phương án tổ chức giao thông. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Sau gần một tháng thi công, ngày 21-1 vừa qua, công trình cải tạo nút giao thông phía tây cầu Rồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc thi công cải tạo gắn với phương án tổ chức giao thông để đem lại hiệu quả tối ưu giải tỏa ùn tắc lẫn bảo đảm an toàn giao thông.
Đối với việc cải tạo và tổ chức phương án nút giao thông phía tây cầu Rồng hiện nay, Kỹ sư Mai Thiệu Quang, Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cho rằng, tình hình phương tiện ô-tô, trong đó có cả ô-tô thân dài qua nút đã được cải thiện đáng kể nhờ việc cung cấp thêm không gian trong nút. Trước đây, chỉ cần 2-3 ô-tô khách 60 chỗ có thân dài chạy sát nhau là đã gây tắc toàn nút.
Hiện nay, nút giao thông kẻ lại phân làn phía đường Trần Phú (đoạn sát nút) thành 5 làn và ô kẻ mặt đường bố trí xe máy đứng trước đã phát huy tác dụng cắt ngắn dòng chờ và thoát xe qua nút nhanh hơn. Ghi nhận tại nút giao thông phía tây cầu Rồng cho thấy, việc cải tạo hạ tầng và tổ chức phương án giao thông đã phát huy hiệu quả. Tình trạng ùn tắc giao thông vào các khung giờ cao điểm giảm hẳn.
Tuy nhiên, khi hoạt động tuần tra kiểm soát thưa dần, thì các vi phạm khi tham gia giao thông lại xuất hiện như: việc lấn làn, dừng đỗ sai làn, chuyển hướng phương tiện giao thông không đúng quy định; vì vậy làm giảm hiệu quả về bảo đảm an toàn giao thông.
Theo Kỹ sư Mai Thiệu Quang, việc làm quan trọng nhất hiện nay tại nút giao thông phía tây cầu Rồng là lực lượng chức năng cần thực hiện việc xử phạt nghiêm minh các vi phạm sau thời gian tuyên truyền, để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Về kết cấu hạ tầng cần bổ sung, điều chỉnh, cần mở rộng đường phía Trần Phú để thêm đoạn chuyển tiếp 2 và lắp thêm giá long môn phục vụ hướng dẫn phân luồng từ xa cho dòng xe trên đường Trần Phú vào nút. Việc này rất cần thiết để phát huy hiệu quả phân làn từ xa.
Đối với đoạn trên đường Nguyễn Văn Linh giao với Trưng Nữ Vương, với thói quen của người đi xe máy vẫn đứng chờ đèn đỏ trên làn rẽ trái liên tục đã có kẻ vạch mắt võng vàng, cần bổ sung thêm hàng cọc tiêu nhựa phân chia các làn được dừng chờ với làn rẽ trái liên tục. Đồng thời, tiếp tục thí điểm thêm ô “Xe máy đứng trước” trên đoạn này để có thể giải quyết được nhiều xe hơn cho cùng một pha đèn xanh, như đã thấy rõ ở hai ô thí điểm trên nhánh Trần Phú và đường 2 Tháng 9.
Giải pháp hỗ trợ khác cần thực hiện để buộc các ô-tô chạy đúng quỹ đạo thiết kế, không băng ngang vạch liền phát sinh giao cắt làm giảm hiệu quả tổ chức giao thông mới cũng như cần Cảnh sát giao thông đứng đặt camera trên đảo an toàn để thực hiện phạt nóng và phạt nguội một thời gian để các lái xe phải tuân thủ đúng hiệu lệnh. Thậm chí, đăng thông tin xử phạt hành chính trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội sẽ có tác dụng răn đe, tuyên truyền ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông.
Việc tổ chức giao thông một chiều đoạn nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thiện Thuật giải quyết xung đột giao thông, nhưng từ ngày 21-1 đến nay, tình trạng vi phạm giao thông với lỗi đi vào đường một chiều liên tục diễn ra. Việc tổ chức giao thông 1 chiều ở đoạn đường này chỉ dừng lại ở việc treo băng-rôn mà chưa duy trì thường xuyên việc tuần tra, kiểm soát; hướng dẫn người tham gia giao thông để chấp hành phương án tổ chức giao thông.
Quan sát trong nhiều ngày qua, tình trạng xe gắn máy đi vào đường ngược chiều theo hướng Trưng Nữ Vương (đoạn Nguyễn Thiện Thuật) đến nút giao phía tây cầu Rồng diễn ra thường xuyên như chưa từng có phương án tổ chức giao thông một chiều tại đây.
Trước đó, năm 2019, hàng loạt các phương án tổ chức giao thông được Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương để triển khai nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Trong đó, việc tổ chức giao thông trên trục đường Ngũ Hành Sơn - Ngô Quyền và cấm dừng đỗ trên một số đoạn tuyến đường gom, nhưng việc tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm vẫn không được thực hiện thường xuyên. Tình trạng vi phạm đậu đỗ xe ở các đoạn đường cấm vẫn diễn ra hằng ngày như: khu vực Trung tâm thương mại Vincom, khu chung cư An Trung...
Tương tự, các phương án đậu đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ ở khu vực khu phố du lịch An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) như: đường Hoàng Kế Viêm, Ngô Thì Sỹ, Châu Thị Vĩnh Tế... cũng thường xuyên có phương tiện ô-tô vi phạm, nhưng thiếu sự kiểm tra, xử lý.
Qua ghi nhận tại các khu vực, địa bàn tổ chức phương án giao thông đều có hiệu quả, nhưng thiếu tính bền vững. Khi có sự tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thì trật tự an toàn giao thông được bảo đảm. Ngược lại nếu thiếu kiểm tra xử lý thì các lỗi vi phạm, từ việc thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông lại diễn ra.
Do vậy, cần phải duy trì việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm để bảo đảm an toàn giao thông tại nút giao và các khu vực cấm đậu đỗ xe; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
TRIỆU TÙNG