Hiện nay, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Tại Việt Nam, hệ thống chính trị các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đều chung tay vào cuộc để phòng chống dịch bệnh. Thế nhưng, mới đây, tại một khách sạn trên địa bàn thành phố, Công an thành phố phát hiện có 16 du khách là người Trung Quốc đến lưu trú nhưng không khai báo tạm trú với cơ quan chức năng theo quy định của Luật Cư trú.
Điều đáng nói, trong số 16 du khách đang lưu trú tại đây có 2 người mới nhập cảnh vào Đà Nẵng vào tối mồng 3 Tết Nguyên đán (ngày 27-1). Ngay sau đó, các ngành y tế, cơ quan chức năng liên quan đã thực hiện cách ly tại chỗ và theo dõi đúng quy trình phòng Covid-19. Việc đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam là một thủ tục bắt buộc, bất kỳ người cho thuê nhà nào cũng phải tiến hành thực hiện theo quy định. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi người nước ngoài đến tạm trú, chủ cơ sở lưu trú phải hoàn thành khai báo tạm trú (đối với vùng sâu, vùng xa thời hạn là 24 giờ).
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao một đơn vị kinh doanh khách sạn, lưu trú lại không nắm rõ và làm đúng theo quy định của Luật Cư trú? Từ vụ việc này cho thấy vai trò của cơ quan chức năng ở địa phương chưa tốt và phải chăng công tác quản lý lưu trú con người lâu nay còn lỏng lẻo? Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện có sai phạm, khách sạn này đã bị xử phạt 3 triệu đồng về hành vi không khai báo lưu trú. Theo đánh giá của những người làm chuyên môn thì mức phạt này còn quá thấp, không đủ sức răn đe.
Trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và đặc biệt đối với những người nước ngoài đến từ vùng dịch, nguy cơ lây nhiễm cao, việc theo dõi cách ly là quy định bắt buộc của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và các địa phương. Vậy mà khách sạn này vẫn “thản nhiên” tiếp nhận khách mà không báo cáo với cơ quan chức năng. Chúng ta không thể vì lợi ích của cá nhân mà vô trách nhiệm người dân địa phương, với sức khỏe của chính bản thân mình hay của toàn cộng đồng, xã hội…
Nếu chẳng may, 2 trong số 16 vị khách lưu trú kia đến từ vùng dịch và mang theo mầm bệnh thì đúng là hiểm họa khôn lường, bởi không biết họ đã đi đến những đâu, gặp gỡ những ai… và lúc đó công tác phòng chống dịch sẽ vất vả như thế nào?
Hiện nay, ngành Du lịch thành phố đang bị ảnh hưởng không nhỏ từ Covid-19 và chính quyền thành phố đang nỗ lực không ngừng để phòng chống dịch cũng như tìm kiếm các giải pháp để phục hồi, thu hút khách đến. Mới đây (sáng 12-2), trong buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch thành phố, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã lưu ý các ngành liên quan cần phải tăng cường quản lý hơn nữa các khách sạn, cơ sở lưu trú, đặc biệt là đánh giá lại những khách sạn có thái độ, hành động không đúng đắn trong thời gian vừa qua.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, tính đến ngày 8-2-2020, thành phố Đà Nẵng có 27.399 người nước ngoài, trong đó có 10.777 người Hàn Quốc, 3.452 người Trung Quốc, 1.694 người Mỹ, 1.468 người Đài Loan (Trung Quốc), 1.815 người Nhật… lưu trú, làm việc. Hiện toàn thành phố có 943 khách sạn với hơn 40.000 phòng, không kể condotel và apartment… Có thể thấy, sức chứa của các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng là rất lớn và số lượng người nước ngoài tại Đà Nẵng vẫn rất đông. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần nhanh chóng siết chặt công tác quản lý việc lưu trú của người nước ngoài để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua.
Với một thành phố mà khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 64,35% trong cơ cấu nền kinh tế, thì việc quản lý tốt môi trường du lịch để thu hút khách là điều hết sức cần thiết. Chỉ một việc làm như không đăng ký tạm trú cho du khách trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới như hiện nay, nếu không phải là một mà nhiều đơn vị cũng có một vài khách ở “chui” như thế thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro cho cộng đồng, xã hội. Các ngành chức năng liên quan, đặc biệt là ngành du lịch thành phố, cần siết chặt công tác quản lý để tránh những rủi ro xảy ra…
CAO MINH