Bàn tay tài hoa của người thợ yêu nghề

.

Anh Lê Bá Minh, Trưởng bộ phận kỹ thuật, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam là một tấm gương điển hình về lao động sáng tạo trong đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của thành phố trong nhiều năm qua.

Anh Lê Bá Minh bên chiếc máy do anh và các cộng sự chế tạo.Ảnh: NGỌC CHÂN
Anh Lê Bá Minh bên chiếc máy do anh và các cộng sự chế tạo.Ảnh: NGỌC CHÂN

Gắn bó với bộ phận kỹ thuật Công ty TNHH Daiwa Việt Nam hơn 10 năm, những đam mê với công việc bảo dưỡng thiết bị, tìm tòi cải tiến kỹ thuật máy móc hình như chưa bao giờ tắt ở người thợ yêu nghề này. Anh Minh đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm thiết bị lớn nhỏ có giá trị áp dụng rất hiệu quả vào dây chuyền sản xuất của công ty.

Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nổi bật của anh phải kể đến là “Thiết kế, chế tạo máy khoan linh kiện Mainshaft tự động”. Điểm nổi bật của sáng kiến này là chế tạo được cơ cấu cấp phôi và định vị phôi tự động mà trên thế giới chưa có mô hình cho linh kiện tương tự để đưa vào sản xuất guồng cước, giúp tiết kiệm nhân công thao tác máy. Sáng kiến của anh ngay lập tức được ban lãnh đạo công ty xem xét, đánh giá cao và cho áp dụng ngay vào sản xuất thực tế.

Xuất phát từ thực tế tại công ty có nhiều linh kiện quan trọng đang gia công bằng phương pháp tiên tiến, sử dụng máy móc hiện đại, trong đó có nhiều linh kiện phức tạp, thời gian gia công một sản phẩm (hay còn gọi là ST) rất dài, dẫn đến năng suất thấp. Vì vậy, cần phải có máy gia công cắt gọt hỗ trợ khi nhu cầu sản lượng lên cao. Đối với mô hình máy có sẵn chỉ dùng động cơ thủy lực nên khó khăn trong việc hiệu chỉnh tốc độ cắt; anh Minh đã mày mò nghiên cứu, cải tiến, đưa vào sử dụng động cơ servo và cơ cấu vitme đã khắc phục được hoàn toàn nhược điểm của máy cũ.

Sáng kiến của anh có tên “Thiết kế, chế tạo máy phay – cắt linh kiện pinion tự động”. Với cải tiến này, kết cấu của máy cũng đã đơn giản, ít cồng kềnh và hiệu quả hơn. Sản phẩm chế tạo thành công, đưa vào vận hành góp phần giảm chi phí đầu tư máy ngoại nhập, tăng năng suất, servo và vitme dễ dàng điều chỉnh, độ chính xác cao, đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Đặc biệt, “Thiết kế, chế tạo máy phay – cắt linh kiện pinion tự động” đã tiết kiệm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp 264 triệu đồng; ngoài ra, còn có khả năng áp dụng cho các doanh nghiệp khác để gia công những chi tiết dạng trụ tròn và có mặt vát. Năm 2017, anh Minh có sản phẩm được triển lãm trong chương trình “Tự hào Trí tuệ Lao động Việt Nam” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức và được vinh danh là người thợ có bàn tay tài hoa, tình yêu nghề và trí tuệ.

Nói về những trăn trở, nỗ lực nghiên cứu để máy móc vận hành tốt, tạo sản phẩm chất lượng ra thị trường, người thợ tài hoa này phấn khởi chia sẻ: lúc nghiên cứu, cải tiến chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ được giải thưởng này kia; chỉ nghĩ làm thế nào cho máy móc vận hành tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao nhất để đưa ra thị trường, đảm bảo uy tín cho công ty. Có như vậy, không chỉ riêng cá nhân tôi mà hàng ngàn người lao động của công ty cũng sẽ có việc làm, thu nhập ổn định.

Với suy nghĩ tốt đẹp đó, từ một người thợ trực tiếp tại phân xưởng, anh Lê Bá Minh giờ đây trong vai trò quản lý, là Trưởng bộ phận kỹ thuật Công ty TNHH Daiwa Việt Nam. Tuy làm quản lý nhưng anh vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê với máy móc và truyền đạt kinh nghiệm quý, niềm đam mê không ngừng sáng tạo cho những người thợ trẻ khác qua những hoạt động và chương trình đào tạo kỹ thuật tại doanh nghiệp. “Đối với chúng tôi, mỗi ngày, mỗi giờ ngoài việc quản lý, vận hành kỹ thuật để cho ra những sản phẩm chất lượng thì việc làm thế nào để nâng cao năng suất lao động cho người lao động, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm chi phí sản xuất cho công ty luôn được đề cao”, anh Minh nói.

NGỌC CHÂN
 

;
;
.
.
.
.
.