Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Bài 2: Cách mạng Tháng Tám thành công, Đà Nẵng chấm dứt thời kỳ 57 năm là đất "nhượng địa"

.

Tháng 7-1945, Mặt trận Việt Minh Đà Nẵng được thành lập gồm các đồng chí: Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Văn Quý, Nguyễn Thị Phi, Nguyễn Xuân Lâm, Lê Văn Tôn, Lê Văn Mậu; lấy tên là Mặt trận Việt Minh thành Thái Phiên.

Hình ảnh các đồng chí trong Ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1945 được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Người đứng giữa là ông Lê Văn Hiến.
Hình ảnh các đồng chí trong Ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền tại Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1945 được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Người đứng giữa là ông Lê Văn Hiến.

Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8-1945, không khí tổng khởi nghĩa lan rộng, khắp nơi háo hức rèn sắm vũ khí, rải truyền đơn, may cờ đỏ sao vàng; các cơ sở của ta ở khắp thành phố như hiệu thuốc, nhà máy in… cũng tích cực chuẩn bị.

Ngày 15-8-1945, khi Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện thì ở Đà Nẵng, nhờ có cơ sở trong Sở hiến binh Nhật nên ta nắm được thông tin từ sớm. Nhận định thời cơ đã đến, nếu chờ chỉ thị của cấp trên sẽ lỡ mất cơ hội nên Tỉnh ủy quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền.

Tại Hòa Vang, từ ngày 16 đến 18-8-1945 các tổng Thái Hòa, An Lưu, An Phước giành chính quyền. Đến ngày 22-8-1945 thì giành được chính quyền tại huyện lỵ Hòa Vang. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hòa Vang đã diễn ra nhanh gọn, không gây náo động đến quân Nhật ở Đà Nẵng.

Ở Đà Nẵng, ta xác định đây là nơi quân Nhật tập trung đông nên nếu để xảy ra đụng độ với Nhật sẽ rất dễ gây đổ máu. Vì thế, Ban khởi nghĩa Thành Thái Phiên chỉ đạo phải thận trọng trong khởi nghĩa ở nội đô, còn với khu Đông và khu Tây vẫn tiến hành khởi nghĩa từng phần và thành lập chính quyền cách mạng để cô lập chính quyền tay sai thân Nhật ở nội thành. Sáng sớm ngày 22-8-1945, hàng ngàn đồng bào vùng Mỹ Khê tham dự ngày hội khởi nghĩa.

Đây là xã giành chính quyền sớm nhất ở khu Đông - Đà Nẵng. Tiếp đó, các xã ở khu Đông, khu Tây thực hiện khởi nghĩa từng phần. Ở nội thành, 8 giờ sáng ngày 26-8-1945, tiếng còi tầm báo giờ làm việc buổi sáng của thành phố cất lên cũng là lệnh tổng khởi nghĩa toàn thành phố. Cán bộ Việt Minh tại các cơ sở tập hợp lực lượng, treo cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ… đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ bộ máy điều hành cũ, thiết lập ban điều hành mới của cách mạng. Đến 9 giờ sáng, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm lĩnh tất cả các công sở trong thành phố.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thành phố Đà Nẵng bước vào thời kỳ mới với tên gọi Thành Thái Phiên, cùng chung niềm vui tự do, độc lập với cả nước, chấm dứt thời kỳ 57 năm là đất “nhượng địa”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mau lẹ do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng; là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đảng có phương pháp, chiến lược, chiến thuật cách mạng phù hợp, linh hoạt; nhận thức được thời cơ, chủ động đón thời cơ và kiên quyết chớp thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công là do tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước; một lòng đi theo Đảng và được Đảng lãnh đạo qua các cuộc tổng diễn tập, đã quyết vùng lên giành độc lập cho dân tộc. Trải qua 15 năm đấu tranh cực kỳ gian khổ và anh dũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có biết bao đồng bào, chiến sĩ đã không hề tiếc máu xương, hy sinh oanh liệt vì mục tiêu độc lập dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi nhất định. Chủ nghĩa phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị đánh bại, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và của các lực lượng tiến bộ trên thế giới phát triển mạnh.

ĐẶNG NỞ
(Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng)

;
;
.
.
.
.
.