Đà Nẵng trong cuộc chiến chống Covid-19 - Bài cuối: Sâu đậm nghĩa đồng bào

.

Dịch bệnh ập đến và bùng phát trên diện rộng khiến Đà Nẵng đối mặt với nhiều khó khăn, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, đảo lộn. Song, trong khó khăn, cũng là lúc tình nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc trỗi dậy đẹp đẽ, nhân văn, lay động lòng người.  

Bệnh nhân 569, sản phụ sinh con trong thời gian điều trị Covid-19 vui mừng xuất viện chiều 22-8.  Ảnh: P.C
Bệnh nhân 569, sản phụ sinh con trong thời gian điều trị Covid-19 vui mừng xuất viện chiều 22-8. Ảnh: P.C

Tinh thần Việt Nam

Cuối tháng 7, hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm được người dân liên tục chở đến khu vực đầu tuyến đường Ngô Gia Tự (quận Hải Châu) để tiếp sức cho hơn 5.000 nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bên trong 3 bệnh viện đang được phong tỏa. Dưới cơn mưa tầm tã, những đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang ướt sũng trong bộ quân phục, khẩn trương vận chuyển những thùng hàng vào phía trong.

Ngay từ khi thành phố áp dụng các biện pháp mạnh để phòng, chống dịch vào cuối tháng 7, nhiều đoàn thiện nguyện, tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố kêu gọi mọi người cùng đóng góp trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm để hỗ trợ các nhân viên y tế, người dân khó khăn, ốm đau, bệnh tật, người lao động nghèo, sinh viên… đang căng mình vượt qua đại dịch.

Của ít lòng nhiều, vạn tấm lòng đều hướng về Đà Nẵng. Hàng ngàn suất ăn nghĩa tình được cung cấp, phục vụ miễn phí nơi tuyến đầu chống dịch. Khi dịch vụ vận tải buộc phải dừng lại, những “chuyến xe 0 đồng” đã ngay lập tức được thành lập, kịp thời vận chuyển những bệnh nhân cấp cứu, sản phụ đi xuyên đêm. Nơi khó khăn, thiếu thốn đủ bề ở vùng miền núi huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, những đồng bào dân tộc thiểu số đã gom góp từng trái bí, bó rau rừng, nải chuối trên nương để gửi yêu thương về miền xuôi… Giống như các y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội, mỗi công dân đều là những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch.

Chị Nguyễn Thị Nhung (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), chủ khu nhà trọ 15 phòng cho sinh viên, người lao động thuê đã chủ động giảm 70% tiền thuê trọ, tự tay đi mua từng thùng mì tôm, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn tặng từng phòng trọ khi dịch bùng phát. “Dãy phòng trọ này mình xây từ tiền vay ngân hàng, nay mỗi tháng vẫn phải trả hơn 20 triệu đồng tiền nợ. Nhưng giữa lúc khó khăn thế này, còn nhiều người khó khăn hơn nữa nên mình quyết định lấy khoản tiền tiết kiệm phòng lúc đau ốm ra bù vào để giảm tiền trọ, chia sẻ khó khăn với mọi người”, chị Nhung cho biết.

Bên cạnh đó, các trang thiết bị y tế từ khẩu trang, đồ bảo hộ cho đến hệ thống máy thở, phòng áp lực kháng khuẩn, cho đến hệ thống ECMO trị giá hàng tỷ đồng đã được các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức khẩn trương hỗ trợ Đà Nẵng. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, tính từ 27-7 đến hết ngày 28-8, Mặt trận các cấp đã tiếp nhận hơn 56 tỷ đồng, 278 máy đo thân nhiệt cầm tay; 7 máy đo thân nhiệt từ xa; 10 máy monitor màu theo dõi bệnh nhân; 25 máy bơm tiêm điện; 10 máy truyền dịch model HP 60, hàng ngàn khẩu trang, đồ bảo hộ và nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Từ nguồn hỗ trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã chi gần 2,8 tỷ đồng để mua hàng hóa, gạo hỗ trợ cho các bệnh viện, trung tâm y tế, khu cách ly và người dân gặp khó khăn; hỗ trợ 30 tỷ đồng cho Sở Y tế mua sinh phẩm chẩn đoán Covid-19.

Ngoài ra, để kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã thống nhất chi 30 tỷ đồng từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để mua gạo và hỗ trợ tiền mặt cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật, người bán hàng rong… với mức hỗ trợ 10kg gạo/1 khẩu/1 tháng.

Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, ngay từ thời điểm dịch bệnh quay trở lại Đà Nẵng, song song với các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh, Ban Chỉ đạo thành phố tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng. Hàng ngàn du khách đã được bố trí, hỗ trợ khám sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2 và rời khỏi Đà Nẵng trước, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Công nhân, người lao động các địa phương khác được hỗ trợ xe đưa đón về quê, đồng thời Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan làm việc với tất cả các nhà thầu, chủ đầu tư, chủ sử dụng lao động các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố đang dừng thi công để phòng, chống dịch… có trách nhiệm hỗ trợ điều kiện ăn ở; đưa người lao động về quê nếu có nhu cầu; không để tình trạng người lao động mắc kẹt lại các công trình, lán trại.

Ngày 20-8, trên cơ sở báo cáo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và ý kiến đồng ý của Đảng đoàn HĐND thành phố, Thường trực Thành ủy đã thống nhất chủ trương tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thêm hai tháng (tháng 8 và tháng 9-2020). Cụ thể, Đà Nẵng hỗ trợ các đối tượng quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19; các đối tượng đặc thù của thành phố quy định tại Nghị quyết số 298/NQ-HĐND ngày 22-5 của HĐND thành phố về một số giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố…

Vĩ thanh: Chút ân tình gửi lại

Hơn 1 tháng bám sát các sự kiện, chạy theo những dòng tin, hồi hộp, cuồng quay với từng con số, ký hiệu, mã bệnh nhân, chúng tôi đã có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Đây không phải lần đầu Đà Nẵng đối mặt với dịch bệnh. Nhưng khác với đợt dịch ở lần 1, diễn ra vào đầu năm 2020, đợt dịch này, mọi diễn biến liên tục thay đổi hàng giờ buộc các biện pháp phải triển khai nhanh, đồng bộ và quyết liệt. Toàn thành phố cuốn theo guồng quay của những ca nhiễm, cách ly, xét nghiệm, phong tỏa… Lo lắng, có! Sợ hãi, có! Nhưng cũng rất đỗi vui mừng, tự hào khi câu chuyện về tình đoàn kết, xây thành lũy từ lòng dân, tận tụy từ chính quyền, sự kết nối cảm xúc giữa người với người được thể hiện, bộc lộ một cách cụ thể, ấm áp nhất.

Ngày 22-8, nữ bệnh nhân 569, sản phụ sinh con trong thời gian điều trị Covid-19 đã khỏi bệnh và xuất viện. Trước đó, người mẹ công nhân này đã không dám nói một lời, chỉ biết khóc nức nở khi bước vào phòng điều trị. Chị đã nghĩ đến kịch bản xấu nhất cho mình và nguyện cầu bằng mọi giá em bé phải bình an. Nhưng rồi, một tuần sau khi sinh, chị được ra viện khi có kết quả 4 lần âm tính với SARS-CoV-2. Em bé hoàn toàn khỏe mạnh, bình an, không lây nhiễm. Người mẹ trẻ lại khóc, nhưng đó là giọt nước mắt mừng vui, hạnh phúc vì đã cùng con vượt qua những ngày tháng khó khăn. Ngay sảnh bệnh viện, điều dưỡng trưởng Đào Thị Công, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang mắt rơm rớm nước, ửng đỏ, bịn rịn chia tay 2 mẹ con.

Dịch bệnh, ai cũng mang khẩu trang, găng tay kín mít, chị chỉ kịp áp má mình vào đôi bàn chân nhỏ xinh của cháu thay cho nụ hôn chia tay để cháu được đoàn viên, trở về trong vòng tay yêu thương của người thân. “Sự sống nảy sinh ở nơi chỉ có hiểm nguy và những nguy cơ luôn thường trực. Vì thế, ai cũng thương cháu, chỉ mong đến phiên trực để vào nhìn nó quẫy đạp, kêu khóc oe oe vì đói hoặc nhắc nhở, hỗ trợ mẹ cho cháu ăn, tắm, thay tã bảo đảm an toàn. Trẻ con có biết gì đâu. Thương lắm”, chị Công kể.

Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã có 28 ngày không về nhà. Tuy nhiên, trong chừng ấy thời gian, cảm xúc nhớ nhung thường nhật dường như đã nhường chỗ cho những nỗi lo về tình hình sức khỏe của hơn 80 bệnh nhân Covid-19. Cứ mỗi lần có bệnh nhân điều trị âm tính với SARS-CoV-2, ông lại vui mừng, chủ động thông báo cho tất cả mọi người. Niềm vui cứ thế trôi theo những dấu cộng, trừ ghi trên bảng xét nghiệm.

Thế nên, khi bệnh nhân 582, người vốn được các chuyên gia đánh giá là “phức tạp hơn bệnh nhân số 91 phi công người Anh rất nhiều”, được chữa khỏi Covid-19 trên nền bệnh tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cục bộ, ai cũng thở phào như trút bỏ được gánh nặng trên vai. Tất nhiên với họ, những tháng ngày phía trước, vẫn còn rất nhiều gánh nặng. Họ phải nỗ lực hết sức để vượt qua sự vất vả, căng thẳng, thay bằng nụ cười của chiến thắng. Nụ cười ấy là cảm xúc của cuộc chiến giữa lằn ranh sinh- tử, khi trách nhiệm và lòng trắc ẩn được cụ thể hóa bằng những hành động không quản ngày đêm.

"Chính phủ hoan nghênh Bộ Y tế, các địa phương đã hỗ trợ tích cực cho các trung tâm dịch, đặc biệt là Đà Nẵng, Quảng Nam thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm, tình đồng chí, nghĩa đồng bào sâu đậm. Hình ảnh bác sĩ từ Hải Phòng lên đường, tạm biệt gia đình, vợ con hết sức cảm động và nhiều tấm gương khác, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp máy thở, phương tiện, vật tư y tế, tiền bạc cho công cuộc này".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 ngày 7-8)

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.