Ngày 8-10, công tác phòng, chống mưa lớn, lũ, sạt lở đất trên toàn địa bàn thành phố được các ngành, các cấp và từng địa phương thực hiện quyết liệt, kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hàng rào được dựng lên để người dân không đi vào khu vực ngập nước nguy hiểm ở xã Hòa Phong. Ảnh: XUÂN SƠN |
Bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản
Sáng 8-10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh kiểm tra tình hình lũ lụt và chỉ đạo ứng phó với lũ lên nhanh tại huyện Hòa Vang. Đến kiểm tra tại đoạn đường ĐH 409 bị ngập lũ (thuộc xã Hòa Tiến), Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh yêu cầu địa phương triển khai cấm đường và cử người chốt chặn, không cho người dân qua lại đoạn đường ngập lũ sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Tại đập dâng An Trạch, nhận thấy có nhiều cỏ, rác mắc lại ở thượng lưu, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng huy động thêm nhân lực khơi thông thoát lũ. Đồng thời, đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố huy động bộ đội hỗ trợ khơi thông thoát lũ tại đập dâng An Trạch và lưu ý thực hiện biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho bộ đội. Tại xã Hòa Khương và Hòa Phong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh yêu cầu địa phương cần thông tin, tuyên truyền cho người dân về việc không được chủ quan, quyết liệt ngăn chặn người dân dùng các ghe, xuồng nhỏ đi lại trong lũ, dễ xảy ra tai nạn.
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cùng UBND huyện Hòa Vang và các xã trên địa bàn huyện để chỉ đạo triển khai ứng phó mưa lũ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh yêu cầu UBND các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang tiến hành di dời các hộ dân ở các khu vực ngập úng, ngập lũ và có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Căng dây, lập rào chắn tại các đoạn đường bị ngập, nước chảy xiết và cử người túc trực để chốt chặn, không cho người và phương tiện đi qua để tránh tai nạn đáng tiếc. Thông báo cho người dân không thu hoạch hoa màu trong tình hình ngập lũ hiện tại để bảo đảm an toàn tính mạng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (trái) nghe lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng báo cáo phương án khơi thông thoát lũ tại đập dâng An Trạch. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
8/11 xã của huyện Hòa Vang bị ngập
Từ rạng sáng 8-10, mực nước sông Vu Gia dâng lên trên mức báo động 3 do mưa to liên tục 2 ngày qua tại thượng nguồn sông Vu Gia. Đến 4 giờ sáng cùng ngày, lũ về bắt đầu dâng cao và lên nhanh gây ngập một số tuyến đường dân sinh tại huyện Hòa Vang. Mực nước sông Vu Gia duy trì trên mức báo động 3 (cao hơn 9m) từ 4 giờ sáng đến 8 giờ sáng rồi xuống chậm.
Lũ sông Vu Gia kết hợp với mưa lớn trong những ngày qua đã làm nhiều thôn của 8/11 xã của huyện Hòa Vang bị ngập lũ, lụt, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông. Các xã đã rà soát, triển khai sơ tán 24 hộ dân và 73 nhân khẩu. Công an huyện Hòa Vang và các xã tổ chức rào chắn các tuyến đường bị ngập lũ... Trong 2 ngày qua, trên địa bàn xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) xuất hiện nhiều điểm sạt lở, cây ngã đổ gây trở ngại giao thông, trong đó đáng chú ý vị trí sạt lở ở tuyến đường ĐT601 qua địa bàn thôn Quan Nam 3, đất tràn cả vào nhà dân. Trong khi đó, ở tuyến đường ADB5 thôn Trường Định có 4 vị trí sạt lở với khoảng 36m3 đất.
Dù trời mưa tầm tã, UBND xã Hòa Liên đã huy động phương tiện, nhân lực đến hiện trường thu dọn bùn đất đổ dồn dưới lòng đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông. Ông Ngô Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết, trên cơ sở phương án phòng, chống lụt bão, UBND xã Hòa Liên đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, UBND xã Hòa Liên cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo để người dân hạn chế lưu thông đến những điểm sạt lở, những điểm có nguy cơ sạt lở cao, tránh nguy hiểm đến người và phương tiện.
Sơ tán người dân đến nơi an toàn
Ông Nguyễn Hà Nam, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, ở các xã vẫn còn tình trạng người dân đi lại ở nơi ngập lũ, tập trung đánh bắt cá ở rải rác các xã. Huyện yêu cầu các xã tuyên truyền, có biện pháp ngăn chặn nhằm bảo đảm an toàn. Các xã tiếp tục sơ tán người dân ở các khu vực ngập úng, ngập lũ đến nơi bảo đảm an toàn...
Tại các quận nội thành, mưa to gây ngập nước cục bộ một số tuyến đường trung tâm thành phố. Tại quận Ngũ Hành Sơn, ngập úng cục bộ tại khu vực dân cư Mân Quang (phường Hòa Quý). Tại quận Sơn Trà, ngập úng cục bộ tại khu vực dân cư tổ 13, 14, Bàu Gia Phước (phường Phước Mỹ) và ngập úng khu dân cư dọc tuyến cống thoát nước mưa Thọ Quang - Biển Đông (phường Thọ Quang).
Tại quận Liên Chiểu, ngập cục bộ tại khu vực Hồng Phước (phường Hòa Khánh Bắc) và tổ 27, 36, 37 phường Hòa Khánh Nam. Tại quận Cẩm Lệ, ngập cục bộ tại khu vực Bình Hòa (phường Khuê Trung); dọc mương Khe Cạn và các tổ 8, 10, 12, 14, 15, 16 thuộc phường Hòa An; khu vực phía đông năm nút giao thông Hòa Cầm (phường Hòa Thọ Đông); tổ 15, phường Hòa Thọ Tây; đường Phạm Hùng, Trần Văn Trà, khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Khu Liên hợp Thể thao thuộc phường Hòa Xuân… Ngoài ra, quận Cẩm Lệ có 9,5ha hoa màu bị ngập úng. Trên địa bàn thành phố có 71 cây xanh bị ngã đổ. Ở khu vực bán đảo Sơn Trà, dù tình trạng sạt lở đất quy mô lớn chưa xảy ra.
Ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho hay, trước tình trạng cây cối ngã đổ do ảnh hưởng mưa lũ, trong hai ngày qua, Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã cử cán bộ, nhân viên ra phát dọn để không ảnh hưởng đến việc lưu thông, đi lại. “Tình hình mưa bão đang diễn biến phức tạp, nguy cơ cây cối ngã đổ, sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, người dân và du khách không nên đến bán đảo Sơn Trà trong thời điểm này”, ông Thắng khuyến cáo.
Ngày 9-10, học sinh toàn thành phố nghỉ học Chiều 8-10, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản gửi các phòng GD&ĐT, các trường, trung tâm trực thuộc sở; các trường đại học tư thục về việc tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học do mưa lớn. Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thông báo cho toàn thể học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học ngày 9-10. Các trường rà soát, kiểm tra và có biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống ngã đổ cây xanh trong trường học; kiểm tra, chằng chống tường rào, cổng ngõ, trần nhà, mái nhà; che chắn phòng học, phòng làm việc và các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng do mưa to, gió lớn. Trong trường hợp diễn biến tình hình thời tiết còn phức tạp, kéo dài, Sở GD&ĐT sẽ có thông báo khẩn tiếp theo cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học để bảo đảm an toàn. NGỌC PHÚ |
Thủ tướng chỉ đạo ứng phó mưa, lũ lớn tại miền Trung Sáng ngày 8-10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1372/CĐ-TTg về tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung. Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình tập trung rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích. Chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét... Cùng ngày 8-10, UBND thành phố ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về công tác phòng, chống mưa lớn; lũ, lũ lớn; sạt lở đất. Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất; khẩn trương triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân (chú ý các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét), lưu ý đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung biện pháp phòng chống Covid-19 theo quy định. Tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản. Cấm nhân dân và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và nước lũ; kiên quyết không cho người, phương tiện qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. TRIỆU TÙNG |
Tính đến chiều 8-10, đợt mưa lũ ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã làm 3 người chết, 7 người mất tích, 1 người bị thương , trong đó, tỉnh Quảng Trị có 1 người chết, 5 người mất tích; tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 người mất tích và 1 người bị thương; tỉnh Quảng Ngãi có 1 người chết; tỉnh Gia Lai có 1 người chết và 1 người mất tích. Chính quyền các địa phương đã tổ chức các lực lượng để tìm thi thể nạn nhân và thăm hỏi, động viên gia đình có người chết, mất tích và chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả. |
HOÀNG HIỆP - NGỌC ĐOAN