Vì sao trong những năm qua, miền Trung luôn gánh chịu tác động, ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, nhất là bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất..., gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, kinh tế, đặc biệt là trong năm 2020?
Tính cực đoan của thiên tai tại miền Trung trong năm 2020 được hiển thị khi cơn bão số 5 gây mưa lũ lớn trong thời gian ngắn, cuốn trôi một số công trình giao thông tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. TRONG ẢNH: Một cây cầu treo tại huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) bị lũ cuốn trôi do bão số 5. Ảnh: P.V |
Tác động của biến đổi khí hậu mạnh hơn dự báo
Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung, có vĩ độ trải dài và thẳng hướng với miền Bắc và miền Trung của Philippines cũng như thẳng hướng với ổ bão tây bắc Thái Bình Dương, một trong 5 ổ bão lớn nhất thế giới. Vì vậy, Việt Nam, nhất là khu vực miền Trung, thường xuyên chịu tác động trực tiếp của các cơn bão hình thành từ ổ bão tây bắc Thái Bình Dương với trung bình hằng năm có 11-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó từ 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, TS. Nguyễn Ngọc Huy, Cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai của Tổ chức Oxfam cho rằng, do Việt Nam nằm gần ổ bão tây bắc Thái Bình Dương nên thường xuyên chịu tác động trực tiếp của các cơn bão. Đặc biệt, khu vực miền Trung ở vùng nhiệt đới gió mùa và tiếp giáp với vùng có nền nhiệt biển lớn nên “thuận lợi” cho nhiều bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ, nhất là vào giữa mùa bão, tức là từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Điều này giải thích việc có nhiều bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào miền Trung hơn so với hai đầu đất nước. Trước đây, bão và áp thấp nhiệt đới có quy luật đổ bộ từ phía bắc xuống phía nam và thường xuất hiện trong mùa hè và mùa thu, nhưng hiện nay, do biến đổi khí hậu nên quy luật nói trên thay đổi. Miền Trung cũng có lượng mưa nhiều do gió mùa đông bắc mang hơi ẩm và lạnh từ biển vào đất liền gây mưa. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên miền Trung chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão và mưa lớn liên tiếp...
Tại hội nghị khoa học cơ học thủy khí toàn quốc lần thứ 23 do Đại học Đà Nẵng, Hội Cơ học thủy khí Việt Nam phối hợp tổ chức trực tuyến vào ngày 7-11, TS. Đặng Thanh Mai, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: “Tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho các cơn bão, đợt mưa gia tăng cường độ, tần suất theo hướng cực đoan hơn. Nguyên nhân gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua tại miền Trung là do mưa lớn, mưa cực đoan xuất phát từ địa hình bị chia cắt bởi dãy núi cao và tác động của bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới trên cao. Qua thống kê, phân tích và nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong những năm qua, mưa lớn đang có xu hướng giảm ở Bắc Bộ nhưng lại gia tăng cường độ ở Trung Bộ và Tây Nguyên.
Số lượng, cường độ và địa điểm xuất hiện các đợt mưa lớn tại Trung Bộ có tính chất bất thường rất cao, gia tăng tính nguy hiểm của lũ, lụt... Mưa lớn kéo dài, cường độ lớn là nguyên nhân chủ yếu kích hoạt sạt lở đất... ”.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), về nguyên nhân khách quan, biến đổi khí hậu đã tác động đến nước ta nhanh và mạnh hơn so với dự báo trước đây. Đặc biệt, biến đổi khí hậu tác động tới thời tiết, thiên tai gây bão mạnh, mưa với cường độ lớn kéo dài, liên tiếp xảy ra lũ vượt mức lịch sử ở nhiều nơi tại miền Trung trong 2 tháng 10 và 11-2020...
Thiên tai ngày càng bất thường, có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc. Cạnh đó, về đặc điểm tự nhiên, do địa hình đồi núi có độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt, kết hợp với mưa vượt mức lịch sử nên lũ tập trung nhanh, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Lòng dẫn của nhiều tuyến sông bị bồi lấp, gặp thủy triều cao nên khả năng thoát lũ chậm, kéo dài thời gian ngập lũ... Về nguyên nhân chủ quan, nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi còn hạn chế nên chưa đề ra giải pháp cũng như đầu tư thích đáng cho việc phòng chống thiên tai. Thiết chế hạ tầng nói chung và công trình phòng, chống thiên tai nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu ứng phó với thiên tai trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong các chương trình, đề án, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà dân còn chưa được quan tâm đúng mức nên không bảo đảm an toàn hoặc làm gia tăng rủi ro thiên tai...
Nguyên nhân từ con người
Trước tình hình lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất xảy ra liên tiếp ở miền Trung trong tháng 10 và 11-2020 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dư luận trong cả nước, nhất là trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã chỉ ra nguyên nhân từ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện “cóc” gây ra, bởi hiện ở miền Trung- Tây Nguyên có hơn 30 hồ thủy điện lớn, có hơn 170 hồ thủy điện vừa và nhỏ (các hồ thủy điện loại nhỏ không có dung tích phòng lũ).
Trên diễn đàn Quốc hội vào ngày 3-11-2020 (kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV), đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, diễn biến bất thường của lũ lụt và thiệt hại nặng nề của miền Trung trong thời gian qua bên cạnh do biến đổi khí hậu, còn có nguyên nhân là diện tích rừng tự nhiên giảm sút nghiêm trọng. Nhìn lại đợt lũ lụt ở miền Trung vừa qua càng thấm thía cái giá phải trả cho tình trạng mất rừng. Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng và cùng với nhu cầu mưu sinh của người dân, phát triển cơ sở hạ tầng, đã làm hàng chục ngàn héc-ta rừng đầu nguồn biến mất. Mặc dù chỉ tiêu về độ che phủ rừng hằng năm đều tăng nhưng điều này không nói lên được gì khi vai trò giữ đất, giữ nước, phòng chống thiên tai của rừng giảm do diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày càng giảm. Ngoài yếu tố về địa chất, phần lớn lũ dữ, sạt lở đất đều xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, diện tích rừng tự nhiên thấp. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, thiên tai ở miền Trung thời gian qua có liên quan đến diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị thu hẹp, đòi hỏi việc trồng rừng tái sinh cần được triển khai ngay bởi đây là giải pháp cấp bách. PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nêu vấn đề: “Bão thì năm nào cũng có nhưng tại sao bão năm nay lại cứ nặng nề hơn năm trước, mức nước lụt trên tường nhà mỗi đợt bão về lại ngày càng cao hơn? Đây là hậu quả của việc chúng ta đã tấn công vào “mẹ” trái đất, tấn công vào những ngọn núi, con sông, cánh rừng vốn như những vòng tay bao bọc cho con người hàng ngàn năm nay. Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những dự án khởi công ngay lõi rừng hay thủy điện “cóc” vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động, thậm chí còn được cấp giấy phép mới. Nếu vậy sẽ lại còn những trận lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa phải ghi nhận”.
Tại hội thảo khoa học về nhà an toàn cho vùng bão, lũ do Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức ngày 11-12, TS. Vũ Bá Thao, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, bên cạnh nguyên nhân về điều kiện tự nhiên, như địa hình (đồi núi có mái dốc lớn), địa chất, lượng nước mưa lớn..., việc phát sinh lũ quét, sạt lở đất trong thời gian qua ở miền Trung còn do đất rừng tự nhiên, thảm phủ thực vật suy giảm; hoạt động xây dựng và khai thác khoáng sản bóc khối lượng lớn đất đá làm mất ổn định mái dốc, tăng nguy cơ sạt trượt. Cạnh đó, còn có nguyên nhân từ các hoạt động dân sinh như: chặt phá rừng và cháy rừng; các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng; sự gia tăng dân số và tập quán sinh hoạt của người dân...
HOÀNG HIỆP - THẢO NHI