Triển khai đồng bộ các giải pháp khôi phục nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố

.

Năm mới 2021 đã sang với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã thực sự vượt lên chính mình, chủ động thực hiện mục tiêu kép gắn nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 với phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tác động của dịch bệnh, thiên tai bão lũ làm cho thành phố lần đầu có mức tăng trưởng âm. Trước thềm năm mới 2021, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng LÊ TRUNG CHINH đã chia sẻ với Báo Đà Nẵng về những giải pháp cùng sự quyết tâm trong thực hiện mục tiêu kép gắn phòng, chống Covid-19 với khôi phục đà tăng trưởng của thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh

 * Thưa Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, tổng quan về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trong phát triển kinh tế - xã hội đối với thành phố trong năm 2020 là gì?

- Thành phố Đà Nẵng là địa phương chịu tác động rất nặng nề của Covid-19 với hai đợt dịch bùng phát; tiếp đó là dồn dập bão lũ vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, Đà Nẵng đã khống chế, tiến đến đẩy lùi dịch bệnh. Ở đợt bùng phát Covid-19 lần 2, chỉ trong thời gian ngắn, thành phố đã hình thành 60 cơ sở cách ly với năng lực tiếp nhận gần 9.000 bệnh nhân được thiết lập, tổ chức cách ly hơn 11.600 trường hợp tiếp xúc gần, thực hiện xét nghiệm tổng cộng hơn 326.000 người, chiếm gần 1/3 dân số thành phố.

Ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, thành phố tập trung nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường. Thành phố đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn; tích cực thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, khuyến khích tiêu dùng nội địa…

Năm 2021, thành phố Đà Nẵng quyết tâm cao trong việc tiếp tục phòng, chống Covid-19 gắn với phục hồi phát triển kinh tế. TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng theo vệt ven biển phía bắc. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Năm 2021, thành phố Đà Nẵng quyết tâm cao trong việc tiếp tục phòng, chống Covid-19 gắn với phục hồi phát triển kinh tế. TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng theo vệt ven biển phía bắc. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt tỷ lệ cao. Ngay sau khi đợt dịch lần 1 được kiểm soát, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19-5-2020 về lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. Sau đợt dịch thứ 2, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 3-9-2020 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, kiểm soát Covid-19. UBND thành phố cũng đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội. Nhìn chung, đến nay, các hoạt động kinh tế-xã hội đang dần khôi phục và từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, để khôi phục đà tăng trưởng ổn định đòi hỏi phải có thời gian và sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương và sự chủ động của các doanh nghiệp.

Thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp sớm khôi phục nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố sau Covid-19; trước hết, tập trung các giải pháp phục hồi và phát triển các ngành dịch vụ phục vụ thị trường trong nước, xuất nhập khẩu, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm thấp nhất mức tăng trưởng âm những tháng cuối năm 2020; đẩy nhanh triển khai các công trình, dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố được trình tại kỳ họp lần thứ 16 HĐND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021, lãnh đạo Đà Nẵng đã thẳng thắn nhìn nhận một số chỉ tiêu về kinh tế mà thành phố chưa đạt được. Trong đó, năm 2020, lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,77%. Bài toán lấy lại đà tăng trưởng của thành phố Đà Nẵng từ năm 2021 cũng như những năm tới đang thực sự là trọng trách nặng nề đối với lãnh đạo thành phố. Sự tăng trưởng âm của thành phố Đà Nẵng trong năm qua là do ảnh hưởng của Covid-19 bởi vì cơ cấu kinh tế kinh tế của thành phố chúng ta gần 60% dựa vào dịch vụ và du lịch nên việc này cũng đúng với những gì mà các chuyên gia kinh tế đã dự báo.

Cảng Tiên Sa. Ảnh: P.V
Cảng Tiên Sa. Ảnh: P.V

* Những ưu tiên trong lãnh đạo điều hành cũng như xác định các động lực và phát huy các dư địa từ đầu tư phát triển để thành phố có sự phục hồi lẫn bứt phá đi lên là gì, thưa Chủ tịch UBND thành phố?

- Thời gian tới, thành phố ưu tiên số một là phải khống chế được dịch bệnh tiếp đó là phải tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư và có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển. Bởi vì doanh nghiệp phát triển thì sẽ giải quyết được việc làm và tạo ra sản phẩm cho xã hội.
Mặt khác, khi các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sẽ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo lại đà tăng trưởng cho thành phố Đà Nẵng. Ưu tiên số ba của thành phố là tập trung nguồn lực vào các công trình trọng điểm để góp phần tạo đà tăng trưởng và giải quyết việc làm. Tiếp đó là ưu tiên tập trung vào du lịch nội địa. Hiện tại thành phố đang dựa vào tới 60% nguồn thu từ dịch vụ, du lịch cho nên thành phố cần phải kích cầu du lịch. Tôi nghĩ rằng với tình hình khống chế dịch như hiện nay thì các hoạt động du lịch nội địa ở thời điểm này đến hết Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi được kích cầu sẽ thu hút rất nhiều khách và có khởi sắc trong thời gian tới.

Một trong những giải pháp quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế… là đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, sẽ tích cực kích cầu du lịch, khuyến khích tiêu dùng nội địa, thường xuyên nắm thông tin về tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chuẩn bị tái thiết lập các thị trường khách du lịch quốc tế phù hợp.

Đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động quảng bá về Đà Nẵng, đa dạng hóa các hình thức kết nối, xúc tiến đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh; chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón làn sóng chuyển hướng đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án quy mô lớn; rút ngắn thời gian xử lý thủ tục đầu tư; tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư tại chỗ; tập trung xúc tiến các dự án đầu tư trọng điểm đã được thu hút.

Vấn đề quan trọng bây giờ là thành phố phải làm sao để tăng tỷ lệ tăng trưởng lên, ít nhất là bằng và vượt so với chỉ tiêu đề ra, cụ thể tăng trưởng của năm 2021 này so với năm 2020 là 6%. Từ tác động của thiên tai, dịch họa, chúng ta nhìn thấy một bức tranh tổng thể của nền kinh tế là đừng quá lệ thuộc vào một ngành nào đó.

Thành phố đã xác định du lịch, dịch vụ là mũi nhọn thì chúng ta phải tiếp tục quan tâm, đồng thời thành phố cũng cần quan tâm tới các lĩnh vực khác như công nghiệp, logistics, nông nghiệp chất lượng cao… để khi nguồn thu bên này hụt thì có bên kia bù vào và tạo động lực phát triển. Động lực cho sự phát triển của thành phố là sớm giải phóng nguồn lực từ đất đai, do đó thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát những vướng mắc để hỗ trợ tháo gỡ trên cơ sở hài hòa các lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư lẫn nhân dân. Những vấn đề gì mà trong thẩm quyền HĐND thành phố có thể xem xét, giải quyết được thì HĐND sẽ xem xét, quyết định; UBND thành phố tổ chức thực hiện. Còn những gì thuộc thẩm quyền phải xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương thì thành phố chủ động kiến nghị, đề xuất Trung ương hỗ trợ.

Hiện nay, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thông qua đồ án Quy hoạch chung, thành phố Đà Nẵng có nhiều dự án trọng điểm, động lực để phát triển. Ngoài ra, thành phố cũng tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Năm 2021, thành phố cũng tiếp tục rà soát, tổng hợp các dự án đầu tư để xem xét đánh giá để điều chỉnh cho phù hợp. Dự án nào triển khai được thì phải làm, dự án nào không còn phù hợp thì phải bỏ để bổ sung, điều chỉnh. Bên cạnh đó, các dự án chiến lược, tạo động lực cũng sẽ được thành phố tiếp tục đầu tư triển khai. Một số dự án lớn khác sẽ chờ Quốc hội thông qua nguồn ngân sách cho đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, khi đó thành phố sẽ có cơ sở để tiếp tục triển khai.

Vận hành sản xuất tại Nhà máy  sản xuất thiết bị y tế ICT Vina tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.Ảnh: P.V
Vận hành sản xuất tại Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: P.V

* Theo nhận định của chuyên gia kinh tế và xu hướng phát triển của đất nước và thành phố Đà Nẵng, cần nhanh chóng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo động lực mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng lẫn năng suất lao động dựa trên chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Vậy thành phố đã có những chủ trương, kế hoạch, giải pháp như thế nào, tình hình triển khai hiện tại và dự kiến kết quả đem lại ra sao?

- Đúng vậy, thành phố rất quyết tâm thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình phát triển và tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 3 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn Đà Nẵng xác định ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển trong thời gian đến theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị liên quan mật thiết và dựa trên nền tảng công nghệ chuyển đổi số đó là công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; là công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Thêm vào đó, một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.

Ngoài chủ trương, chính sách trên, thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng và tự tin triển khai thành công chuyển đổi số, với một số thuận lợi chính. Một là, Đà Nẵng đã triển khai hiệu quả, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu theo Nghị quyết 17 của Chính phủ về chính phủ điện tử, đồng thời đã có các ứng dụng theo hướng Chính quyền số như: Ứng dụng Cổng dịch vụ công đã bắt đầu sử dụng dữ liệu thanh thành phần hồ sơ thủ tục hành chính phải nộp; các cơ sở dữ liệu nền (công dân, doanh nghiệp, CBCCVC, đất đai...) và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Kho dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở, Danang  Smart City. Hai là, đã triển khai thành phố thông minh và có kết quả bước đầu thông qua được đánh giá và trao Giải thưởng Thành phố thông minh 2020 và 2 giải chuyên đề: Hạ tầng thông minh, Dịch vụ thông minh. Ba là, nền công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đã hình thành bao gồm: Khu Công viên phần mềm số 1, Khu CNTT tập trung số 1, Khu Công viên phần mềm số 2 đang xây dựng; số lượng doanh nghiệp công nghệ số lớn với 2,1 doanh nghiệp/1.000 dân, công nghệ ICT hiện đã đóng góp 7,5% GRDP thành phố. Bốn là, người dân và doanh nghiệp Đà Nẵng có kỹ năng ứng dụng CNTT tốt như: đã có 130.000 tài khoản điện tử trên hệ thống của chính quyền, 100% doanh nghiệp kết nối Internet băng rộng, 100% gia đình sử dụng Internet, đặc biệt là mật độ máy điện thoại thông minh là 173 máy/100 dân. Năm là, thành phố Đà Nẵng đã triển khai khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được 5 năm và có kết quả khá tốt qua giải thưởng Thành phố sáng tạo, khởi nghiệp Việt Nam năm 2020. Chuyển đổi số sẽ sinh ra dữ liệu số và dữ liệu số là tài nguyên, nguyên liệu đầu vào tạo ra sản phẩm mới; làm động lực chính khởi nghiệp sáng tạo dựa trên dữ liệu, các công nghệ phân tích như: trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo...

Thành phố cũng xác định đầu tư phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, làm nền tảng phát triển bền vững, xây dựng “thành phố đáng sống”. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, năng lực kiểm soát, phòng chống dịch bệnh; nghiên cứu xây dựng Bệnh viện nhiệt đới; đầu tư mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cơ sở 2. Ưu tiên nguồn lực, hợp tác quốc tế về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao lành mạnh; đẩy mạnh đầu tư phát triển văn hóa, văn học - nghệ thuật. Nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội trên địa bàn, nhất là các Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”.

* Nhân dịp năm mới 2021, Chủ tịch UBND thành phố có thể chia sẻ những tâm sự về sự khởi đầu của năm mới, giai đoạn mới?

- Kế thừa những thành quả của thế hệ lãnh đạo đi trước, cá nhân tôi và tập thể lãnh đạo UBND thành phố xác định quan điểm là luôn luôn quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ những khó khăn cùng với chính quyền để tháo gỡ các vướng mắc. Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa lợi ích Nhà nước với nhân dân và doanh nghiệp. Chúng tôi luôn rộng cửa chào đón các doanh nghiệp đến để đầu tư vào thành phố. Chúng tôi luôn luôn ý thức được trách nhiệm của mình để tiếp tục kế thừa phát huy những kết quả đã đạt được, cũng như cùng tập thể lãnh đạo bàn giải pháp khôi phục phát triển kinh tế, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

* Xin cảm ơn Chủ tịch UBND thành phố.

TRIỆU VĂN TÙNG (thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích