Dịp cuối năm, những vạt đất trống trên một số tuyến đường trên phố bỗng trở thành những khu vườn ngập tràn sắc xuân báo hiệu một cái Tết đang đến gần. Đó là công sức của những người dân đã thức khuya dậy sớm để hy vọng một mùa bội thu.
Ông Phạm Quang Thanh tỉ mẩn chăm sóc hoa cúc để chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Ảnh: Đ.H.L |
Dù trời mưa lạnh nhưng ông Phạm Quang Thanh (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) vẫn dầm mình trong sương sớm tỉ mẩn ngồi lặt bớt lá úa và cột lại các nhành cây cúc vào gọn gàng trong chậu. Cũng như nhiều hộ nông dân phường Hòa Cường Bắc khác, ông Thanh cố gắng trồng khoảng 800 chậu hoa cúc trên lô đất trống ở tuyến đường 30 Tháng 4. Ông Thanh cho biết: “Do thời tiết năm nay khắc nghiệt nên tôi trồng ít hơn năm ngoái. Mưa nhiều khiến cây rụng lá và chậm phát triển. Để hoa nở kịp Tết, tôi phải thắp điện chiếu sáng cho cây vào ban đêm. Dù vậy, mình cũng phải canh vì để điện nhiều quá thì cây vượt ánh sáng cho ra bông sớm”. Tuy nhiên, ông Thanh cũng lo sợ mùa hoa này sẽ bị thất thu vì nền kinh tế bị ảnh hưởng Covid-19 nên ít người chơi hoa, đặc biệt các tỉnh có nhiều thương lái mua sỉ như Quảng Bình, Quảng Trị lại bị ảnh hưởng lũ lụt nặng nề. “Mấy năm trước, tôi bán sỉ tại vườn 450.000 - 500.000 đồng/chậu. Người ta mua 10 triệu đồng mà chỉ đặt cọc 1 triệu đồng, gần đến 25, 26 tháng Chạp mà không thấy họ đến mua là lo lắm”, ông Thanh chia sẻ.
Anh Nguyễn Quang Sơn (phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu) làm vườn cạnh đó cũng cho hay, năm nay anh trồng 1.000 chậu hoa, trong đó có 800 chậu hoa cúc, 200 chậu hoa vạn thọ. Anh chọn giống vạn thọ Hà Lan hứa hẹn sẽ cho bông to. “Giống này chỉ trồng 65 ngày, còn hoa vạn thọ của nước mình kéo dài 150 ngày. Tuy nhiên, muốn làm giống hoa mới thì phải thử nghiệm trước 2-3 năm rồi sau đó mới dám áp dụng trồng đại trà được. Năm nay, mưa nhiều, cây phát triển chậm hơn. Mình chỉ sợ cây lớn hay nhỏ thôi chứ bông vẫn to như bình thường. Mình vẫn có thể điều tiết cho hoa nở đúng Tết được. Không phải mùa hoa thì dành thời gian đúc chậu, chủ yếu lấy công làm lời!”, anh Sơn trăn trở.
Anh Nguyễn Quang Sơn chăm sóc những chậu hoa cúc trong vườn trên đường 30 Tháng 4. Ảnh: Đ.H.L |
Theo bà Trần Thị Năm, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Bắc, hiện trên địa bàn phường có khoảng hơn 20 hộ trồng hoa Tết trên các lô đất trống, trong đó tập trung chủ yếu ở tuyến đường 30 Tháng 4. Với những lô đất trống được thành phố giao cho phường quản lý, phường sẽ giao lại cho các hộ nông dân sản xuất hoa mà không thu bất kỳ lệ phí nào. Trung bình mỗi hộ trồng khoảng 800 chậu hoa cúc, thu nhập bình quân 10-15 triệu đồng/vụ. “So với mọi năm, năm nay các hộ trồng ít hơn do một phần thời tiết, một phần kinh tế giảm sút bởi Covid-19. Người dân cũng không dám vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội vì sợ khó trả. Ngoài các hộ trên, Hội Nông dân phường còn có khoảng 40 hộ thuê đất ở các khu vực khác để trồng hoa Tết như hộ bà Trần Thị Thu Thủy và hộ các ông Nguyễn Quang Sâm, Nguyễn Quang Xí, Nguyễn Thành Chiến... Phường cũng phối hợp với Phòng Kinh tế quận Hải Châu hỗ trợ các hộ dân thực hiện các dự án trồng hoa mới ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) đầu tư nhà kho lạnh để sản xuất hoa ly, hoa phong lan.
So với các năm trước đây, phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) hiện cũng không còn đất để các hộ nông dân trồng hoa, đặc biệt là sau khi thành phố thu hồi đất ở đường Lê Thanh Nghị để làm Công viên Thanh Niên. Hội Nông dân phường chỉ có 3 hộ đi thuê đất ở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) trồng hoa. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn duy trì thế mạnh về trồng và kinh doanh cây cảnh, bon sai. Cứ đến dịp Tết, các hộ nông dân phường Hòa Cường Nam vẫn tham gia trưng bày bán cây cảnh và bon sai ở khu công viên Tượng đài 2-9.
Trong khi đó, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) còn nhiều lô đất trống để tận dụng trồng hoa Tết. Ông Hồ Đắc Lành, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân cho hay, hiện phường có khoảng 40 hộ trồng hoa Tết trên các lô đất trống với tổng diện tích gần 7ha. Tuy diện tích trồng hoa năm nay giảm hơn so với năm ngoái do thời tiết bất lợi nhưng các hộ vẫn cố gắng duy trì việc sản xuất. “Vụ hoa năm nay, cây phát triển không tốt bằng năm ngoái, chỉ đạt khoảng 80%. Điều người dân lo lắng nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm vì sợ tình hình kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng đến túi tiền chi tiêu sắm sửa cho ngày Tết”, ông Lành chia sẻ.
Hiện trên địa bàn Đà Nẵng có khoảng 150 hộ dân trồng hoa Tết trên các thửa đất này, trong đó chủ yếu là phường Hòa Cường Bắc (Hải Châu), phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) trồng cúc chậu. Với chủ trương cho người dân tận dụng các lô đất trống để trồng hoa Tết, nhiều hộ nông dân có công ăn việc làm, đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ các lô đất trống. Bên cạnh đó, hoa trồng trong chậu dễ vận chuyển nên dễ trao trả lại mặt bằng khi thành phố cần. Ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng |
ĐOÀN HẠO LƯỢNG