Chuyện ở Nhà hy vọng

.

“Tôi và mọi người thống nhất lựa chọn tên là Nhà hy vọng, chứ không phải là nhà tình thương hay nhà miễn phí. Bởi chúng tôi mong rằng, việc mình đang làm không đơn thuần giúp họ có được nơi ở, mà hơn hết, đây sẽ là điểm tựa, là động lực cho những hoàn cảnh ngặt nghèo. Chúng tôi tin rằng, dù cuộc sống hiện tại có khó khăn đến nhường nào, thì tất cả chúng ta luôn ấp ủ những niềm tin, hy vọng về tương lai tốt đẹp đang chờ phía trước”, anh Tôn Thất Tuấn Anh (SN 1989, trú quận Hải Châu, làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin) chia sẻ về Nhà hy vọng - nơi hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho người lao động ngoại tỉnh khó khăn.

Anh Tôn Thất Tuấn Anh (bìa trái) cùng bạn bè trò chuyện với vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh, chị Trần Thị Dung (ngồi giữa) trong phòng trọ mới.  Ảnh: TRUNG NGHĨA
Anh Tôn Thất Tuấn Anh (bìa trái) cùng bạn bè trò chuyện với vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh, chị Trần Thị Dung (ngồi giữa) trong phòng trọ mới. Ảnh: TRUNG NGHĨA

1. Một buổi chiều đầu tháng tư, khi cái nắng vẫn còn oi ả, dãy nhà trọ nằm sâu trong kiệt 119 Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đã tíu tít người ra vào. Hôm ấy, Tuấn Anh và bạn bè đón những chủ nhân đặc biệt dọn đến Nhà hy vọng.

Câu chuyện về Nhà hy vọng khởi nguồn từ những ngày giáp Tết 2021. Trong khi mọi người tất tả về quê ăn Tết, lại có những hoàn cảnh vì khó khăn, đành chọn cách ở lại thành phố tiếp tục mưu sinh. Đó là cụ già neo đơn gần 80 tuổi, hằng ngày đi nhặt ve chai; là người mẹ đơn thân tàn tật đi xe lăn bán vé số dạo nuôi con hay đôi vợ chồng khuyết tật vất vả mưu sinh vì cậu con trai bé bỏng ở quê.

Và như một lẽ tự nhiên, trong câu chuyện của Tuấn Anh và bạn bè ngày cận Tết, ai nấy đều chung tâm nguyện đóng góp, gửi tặng chút quà Tết đến những hoàn cảnh xa quê.

Sau lần trao quà ấy, “tham vọng” của họ dần lớn hơn, không dừng lại ở những phần quà ăn xong là hết. Ý tưởng lớn gặp nhau, họ đồng lòng bắt tay hiện thực hóa ý tưởng về một dãy nhà trọ miễn phí, dài hạn cho người lao động ngoại tỉnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Qua tìm kiếm, Tuấn Anh tìm thuê được dãy trọ có 6 phòng liền kề, kiên cố tại phường Hòa Khánh Nam. Có chỗ ở, Tuấn Anh và mọi người cùng nhau tìm những trường hợp khó khăn và mời đến ở.

Từ thông tin đăng tải trên mạng xã hội và bạn bè, người quen kết nối, hàng chục hoàn cảnh khó khăn gọi đến. Nhưng dãy trọ chỉ đủ chỗ cho 12 người, Tuấn Anh và mọi người lại cất công đi xác minh từng hoàn cảnh; cân nhắc, lựa chọn những trường hợp cần kíp. Đó là cụ già neo đơn, là người tàn tật bán hàng rong, là mẹ đơn thân khuyết tật…

Mỗi tháng, để có 8 triệu đồng trả tiền thuê trọ, Tuấn Anh và nhóm bạn 10 người tự nguyện trích tiền lương, mỗi người một ít. “Trước mắt, chúng tôi sẽ hỗ trợ tiền thuê trọ hằng tháng và duy trì trong 1 năm. Tiền điện, nước sẽ do mọi người tự chi trả, để ai cũng có một phần trách nhiệm trong việc tiết kiệm điện, nước”, Tuấn Anh nói.

2. Gặp lại bà Trần Thị Mạnh (77 tuổi) sau hơn nửa tháng sống tại Nhà hy vọng, thế nhưng trong lời kể, bà vẫn chưa tin đây là sự thật. Bởi vốn quen với những ngày “màn trời, chiếu đất”, sao ngờ được có lúc bà lại được ngủ trong căn phòng ấm cúng, rộng rãi thế này. Mà đó là lại căn phòng do những người hoàn toàn xa lạ thuê, để rồi cho bà ở miễn phí suốt một năm trời.

Xòe hai bàn tay chằng chịt vết chai sần, bà Mạnh bắt đầu kể về đời mình, như cái cách những bà già quê hay kể lể mỗi khi có người nghe. Bà quê ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chồng mất sớm, một tay bà chật vật nuôi ba con. Hai đứa con gái lớn lấy chồng nhưng túng thiếu quanh năm. Thằng con út còn đang học nghề.

Ở cái xứ thuần nông, không làm ruộng thì không thể làm gì khác, bà Mạnh đành chọn cách rời quê. Bởi với sức của bà giờ đây, chuyện cuốc cày, gặt hái bà không kham nổi. Hai năm trước, bà bắt xe đò vào Đà Nẵng. Với người già, chuyện phải rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn vốn không ai đành lòng.

Nhưng ra phố, ít ra bà còn đi nhặt ve chai, kiếm được chút tiền. Chứ ở quê, đã không giúp được gì, lắm lúc trở thành gánh nặng cho con cháu.

Vào Đà Nẵng, không người thân thích, bà Mạnh lần tìm đến khu vực chung cư Phước Lý (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) kiếm chỗ tá túc. Thoạt nghe, cứ ngỡ bà ở chung cư, nhưng không, là bà ở cạnh chung cư, trong một túp lều xập xệ dựng tạm bằng mấy tấm tôn mục, giăng bạt xanh, đỏ chằng chịt xung quanh.

“Ban đầu nhìn vô, không ai nghĩ đó là nơi ở của một cụ bà. Tôi cứ tưởng người ta dựng tạm để che chắn thứ gì đó không mấy giá trị”, Tuấn Anh chua xót nói. Có lẽ, chính vì cảnh sống lay lắt mấy năm qua, nên khi hay tin mình được hỗ trợ chỗ ở miễn phí, bà Mạnh háo hức chuyển đến sớm nhất.

Trong căn phòng rộng chừng 15m2, gia tài của bà Mạnh vỏn vẹn vài bộ quần áo cũ, cái ly nước, chiếc ghế nhựa bể một chân, chiếc nón lá trơ khung. Ở một góc tường có thêm mấy cái bao tời lớn - đồ nghề của người nhặt ve chai dạo như bà.

“Bà vui lắm các con. Bà không nghĩ có lúc bà được ngủ trong căn phòng thế này. Đây là nhà của bà, là nhà đó, chứ không phải trọ đâu. Bà sẽ ráng giữ cho sạch sẽ, ngăn nắp và luôn mới thế này”, bà Mạnh nhấn giọng.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (là mẹ đơn thân, tàn tật), thành viên của Nhà hy vọng, tươi cười hạnh phúc khi đón nhận đồ dùng sinh hoạt từ tay anh Tôn Thất Tuấn Anh (bìa phải) trao tặng. Ảnh: HUY HOÀNG
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (là mẹ đơn thân, tàn tật), thành viên của Nhà hy vọng, tươi cười hạnh phúc khi đón nhận đồ dùng sinh hoạt từ tay anh Tôn Thất Tuấn Anh (bìa phải) trao tặng. Ảnh: HUY HOÀNG

3. Kế phòng bà Mạnh là phòng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh (50 tuổi, quê Bình Định) và chị Trần Thị Dung (33 tuổi, quê Quảng Nam). Cả hai anh chị đều khuyết tật bẩm sinh. Đôi chân teo tóp, không thể đi, đứng như bình thường. Để di chuyển chỉ có thể dùng tay lếch tới hoặc dựa vào xe lăn.

Hơn 7 năm trước, hai anh chị gặp nhau và nên duyên khi rời quê đến Đà Nẵng mưu sinh. Hằng ngày, trên chiếc xe điện 3 bánh, anh Minh, chị Dung đeo cái rổ nhỏ đựng hàng hóa trước ngực, thêm xấp vé số rong ruổi khắp các tuyến đường, len lỏi quán cà phê, quán nhậu...

Tháng 3-2021, trong một lần lướt Facebook, chị Dung tình cờ đọc được thông tin hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho hoàn cảnh khó khăn. Nửa tin nửa ngờ, chị bấm số gọi thử. Hôm sau, một thanh niên tìm đến xác minh hoàn cảnh và hẹn sẽ gọi lại.

Thời gian trôi qua, chị Dung nghĩ bụng, có lẽ chuyện sẽ dừng lại ở đó nên không hy vọng gì nhiều. “Nào ngờ, đúng ngày 1-4, có điện thoại gọi tới bảo hai vợ chồng tôi đến nhận phòng trọ. Tôi ngỡ ngàng nói với chồng. Ổng còn bảo, hôm nay ngày Cá tháng Tư, chắc họ trêu bà đó”, chị Dung cười tươi, kể lại.

Trong căn phòng mới, niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt đầy sương gió của vợ chồng anh chị. Vậy là từ nay, mỗi tháng, họ không còn lo gánh nặng tiền thuê trọ, lại tiết kiệm được một khoản để gửi thêm về quê.

“Gần 20 năm sống trọ, có lẽ đây là phòng trọ xịn nhất mà tui từng ở. Đây là món quà quý giá, là chỗ dựa, là động lực để vợ chồng tui tiếp tục cố gắng”, anh Minh nói bằng chất giọng rặt xứ “nẫu”. Chị Dung ngồi bên tiếp lời: “Từ sau dịch tới nay, buôn bán ế ẩm, tháng nào cố gắng lắm cũng chỉ vừa đủ trả tiền trọ, điện, nước, ăn uống. Giờ ở đây, không phải lo tiền trả trọ, chúng tôi nhẹ nhõm phần nào”.

4. Nhà ông Đinh Quang Trung, Bí thư Chi bộ Chơn Tâm 1B7 nằm sát vách với dãy trọ miễn phí. Vừa rót trà mời khách, ông Trung vừa nói: “Mấy hôm trước, các cháu thanh niên đến báo với khu dân cư, trình bày về việc thuê dãy trọ để hỗ trợ miễn phí cho người khó khăn. Đây là việc tốt. Về mặt chủ trương tôi ủng hộ hoàn toàn”.

Theo ông Trung, về lâu về dài, để bảo đảm an ninh trật tự tại khu dân cư, tất cả những người sống tại đây cần tuân thủ các quy định theo pháp luật, trước hết là đăng ký tạm trú. Hiểu rõ điều này, ngay từ khi mọi người đến nhận phòng, anh Nguyễn Trần Quân (thành viên trong nhóm) đã chuẩn bị giấy tờ kê khai nhân khẩu, đơn đăng ký tạm trú để mọi người đăng ký.

Đại úy Nguyễn Phú An, Công an khu vực Chơn Tâm 1B7 cho biết, vừa qua, chủ trọ đã đến làm việc với Công an phường để được hướng dẫn thực hiện khai báo, đăng ký tạm trú cho những người sống tại dãy trọ. Theo ông An, sau khi tiếp nhận danh sách đăng ký từ chủ trọ, Công an phường sẽ hoàn thiện hồ sơ, tiến hành cấp tạm trú cho mọi người.

Việc khai báo, đăng ký tạm trú vừa bảo đảm công tác quản lý an ninh trật tự, quản lý con người của địa phương, vừa tạo điều kiện để mọi người được thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của địa phương khi có.

Không chỉ tuân thủ quy định tại địa phương, những cư dân sống tại Nhà hy vọng còn ký bản “cam kết” với những điều khoản như: không bia rượu, cờ bạc tại phòng trọ; không gây sự, sống hòa thuận, yêu thương, gắn kết với hàng xóm; không làm những công việc Nhà nước không cho phép. Và đặc biệt là đi ngủ trước 10 giờ tối để bảo đảm sức khỏe làm việc cho ngày hôm sau.

Dù đây chỉ là hoạt động thiện nguyện tự phát của một nhóm bạn trẻ, nhưng có thể thấy, việc tổ chức thực hiện rất bài bản, nghiêm túc. Nói như ông Trung, đây là cách thiện nguyện của những thanh niên thời đại mới, vừa giàu lòng nhân ái vừa không ồn ào rềnh rang. “Có khi sắp tới, khu dân cư cũng được thơm lây từ các cháu”, nhấp ngụm trà, ông Trung cười khề khà, nói.

HUY HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.