Tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực trong lứa tuổi thanh-thiếu niên trên địa bàn thành phố đang có chiều hướng gia tăng. Chỉ vì xích mích, va chạm nhỏ, một số thanh-thiếu niên sẵn sàng mang hung khí đi đánh nhau, chém người gây thương tích, thậm chí chống trả lực lượng làm nhiệm vụ khi bị phát hiện.
Cán bộ, chiến sĩ Công an quận Thanh Khê lấy lời khai các đối tượng dùng hung khí giải quyết mâu thuẫn. Ảnh: L.HÙNG |
Manh động, dùng hung khí nóng
Thời gian gần đây, công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ nhiều nhóm thanh - thiếu niên tụ tập đêm khuya, có chuẩn bị hung khí nóng, bom xăng để giải quyết mâu thuẫn. Qua nghiên cứu các đối tượng gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, các điều tra viên nhận thấy, những đối tượng này ngày càng nguy hiểm, manh động, liều lĩnh. Hầu hết đối tượng gây án không có nghề nghiệp ổn định, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ và có cả học sinh, sinh viên. Điều đáng nói, các đối tượng đều sử dụng hung khí nóng. Một số vụ diễn ra công khai nơi công cộng, gây hoang mang, lo lắng, bất an trong nhân dân...
Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, chiều 26-12-2020, Trần Văn Ph. (SN 1991, trú quận Thanh Khê) và Phạm Th. (trú 1996, trú quận Hải Châu) hẹn nhau trên tuyến đường Phạm Văn Nghị (quận Thanh Khê) giải quyết. Th. gọi 12 đàn em mang theo 6 dao phóng lợn, 11 mã tấu. Còn Ph. tập hợp trên 10 thanh - thiếu niên, mang theo nhiều đao kiếm, ba trắc, súng bi... Trong lúc hỗn chiến, Đinh Duy T. bị chém nhiều nhát, thương tích ở chân và bị bắn một phát đạn bi vào lưng… Vụ việc khác xảy ra tại Cung Thể thao Tiên Sơn (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) vào tối 19-2 khiến nhiều người bức xúc. Theo đó, khi thấy một thiếu niên giống với người mâu thuẫn với mình, nhóm 20 thanh - thiếu niên không ngần ngại dùng dao, mác chém tới tấp, khiến nạn nhân thương tích nặng, phải nhập viện điều trị.
Không chỉ lập nhóm, mang theo hung khí đi đánh nhau, nhiều trường hợp còn sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Điển hình, 23 giờ 30 ngày 8-3, lực lượng 911 Công an thành phố tuần tra trên tuyến đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) phát hiện 5 xe máy cùng khoảng 10 thanh niên cầm theo hung khí lưu thông về hướng cầu vượt ngã ba Huế.
Lực lượng 911 tiến hành truy đuổi, yêu cầu dừng xe nhưng cả nhóm không chấp hành mà tăng ga, tách nhóm bỏ chạy. Phát hiện một xe máy bịt kín biển số, người ngồi sau cầm dao phóng lợn (cán dài khoảng 2m), lực lượng 911 hô to và bắn liên tục hai phát súng chỉ thiên để thị uy nhưng cả hai vẫn bỏ chạy. Quá trình truy đuổi, thanh niên ngồi sau liên tục dùng dao chém cản lực lượng chức năng. Cuộc truy đuổi sang nhiều tuyến đường quận Sơn Trà và khi đến khu vực phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), cả hai bị cảnh sát 911 khống chế, bắt giữ. Được biết, hai thanh niên này đang là học sinh một trường THPT trên địa bàn thành phố. Do mâu thuẫn với một nhóm thanh niên khác nên rủ thêm 10 người đi 5 xe máy mang theo hung khí gồm 2 cây dao dạng phóng lợn có cán dài gần 2m, 1 cây kiếm tự chế, 2 cây đao cán dài để đi đánh nhau.
Điểm chung của các vụ việc trên cũng như rất nhiều vụ thanh - thiếu niên vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm vi phạm pháp luật gần như phụ huynh không hay biết gì về hành vi của con mình cho đến khi lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Những thanh - thiếu niên trên gây gổ, thách đố nhau và có lời qua tiếng lại khá lâu trên mạng xã hội trước khi hẹn gặp thanh toán lẫn nhau. Thế nhưng, khi lực lượng chức năng mời lên làm việc, hầu hết các phụ huynh đều tỏ ra hoàn toàn bất ngờ, không tin con mình lại có hành vi như vậy.
Chú trọng phát hiện, ngăn ngừa sớm
Qua các vụ việc trên cho thấy, nguyên nhân của các vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ chủ yếu là ý thức chấp hành, tôn trọng pháp luật của một bộ phân dân cư trong xã hội, đặc biệt là thanh - thiếu niên hiện nay đang bị xuống cấp. Nhiều vụ việc xảy ra do đối tượng thiếu hiểu biết pháp luật hoặc ích kỷ, hiếu thắng, thích giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Một số vụ án xuất phát từ mâu thuẫn tức thời, chủ yếu do đối tượng từ 16 đến dưới 30 tuổi thực hiện.
Đây là nhóm đối tượng dễ bị kích động, thiếu khả năng kiềm chế. Hơn nữa do điều kiện sống, môi trường giáo dục hạn chế dẫn tới định hướng hành vi kém, nên khi có mâu thuẫn dù nhỏ cũng dễ xảy ra bạo lực. Đây là lời cảnh báo sâu sắc đối với các bậc làm cha, làm mẹ trong việc quan tâm, giáo dục con em mình, không để các em sa ngã, vi phạm pháp luật. Một điều tra viên cho biết: “Một trong những nguyên nhân dễ khiến thanh - thiếu niên phạm tội là do thiếu sự quan tâm, chia sẻ, quản lý của gia đình. Đặc biệt là những gia đình ly hôn, thường xảy ra bạo lực. Bên cạnh đó, thế giới game bạo lực cũng là nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên trở nên lạnh lùng, vô cảm và có những hành vi bạo lực giống như trong game để giải quyết vấn đề bằng hung khí nóng”.
Cảnh báo về tình trạng này, đầu tháng 3-2021, tại lớp tập huấn nâng cao dành cho các phóng viên tổ chức tại Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia cao cấp về các vấn đề xã hội của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, bạo lực trong giới trẻ là vấn đề chung của xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đối với các gia đình không hạnh phúc, kinh tế khó khăn, hôn nhân đổ vỡ... nguy cơ trẻ em bị sa đà vào các mạng xã hội và trở thành “miếng mồi ngon” cho đối tượng xấu lợi dụng rất dễ xảy ra. Trách nhiệm này là của toàn xã hội, trong đó có vai trò của báo chí phải tuyên truyền giúp thanh - thiếu niên và phụ huynh có ứng xử đúng đắn với mạng xã hội.
Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 dành riêng Điều 29 nêu quy định cụ thể các vấn đề về “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”. Luật đã quy định rõ, tuy nhiên để luật cũng như các văn bản dưới luật đi vào đời sống thì cần có thời gian cũng như sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt, là mỗi một gia đình phải trở thành một thành trì vững chắc nhất, chống lại tác động xấu từ mặt trái của mạng xã hội ảnh hưởng đến con em mình.
THANH VÂN - LÊ HÙNG