Việc phân định thẩm quyền, phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung thực hiện phân cấp, phân quyền bước đầu mang lại hiệu quả, nhất là khi thành phố chuẩn bị thí điểm tổ chức chính quyền đô thị từ 1-7-2021.
Thời gian qua, việc thực hiện phân cấp, phân quyền ở các sở, ban, ngành, địa phương đã góp phần giảm tầng nấc trong quy trình xử lý công việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” quận Thanh Khê. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Bài 1: Phù hợp yêu cầu thực tiễn
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21-3-2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý Nhà nước giữa Chính phủ và UBND cấp tỉnh, ngày 5-8-2016, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 6663/KH-UBND về thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực giai đoạn 2016-2020.
Thành phố đã đề ra 4 mục tiêu, 5 nguyên tắc cơ bản để triển khai thực hiện việc phân cấp bảo đảm thông suốt từ thành phố đến các sở, ban, ngành, quận, huyện phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của địa bàn đô thị.
Giảm tầng nấc trong quy trình xử lý hành chính
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, qua 4 năm triển khai thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước (giai đoạn 2016-2020) trên một số lĩnh vực, trong đó tập trung 5 lĩnh vực trọng điểm (quản lý tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quản lý đầu tư công, quản lý đất đai, đô thị, ngân sách), các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động tham mưu thành phố thực hiện phân cấp quản lý trên nhiều lĩnh vực, bước đầu đã đạt được một số kết quả là giảm tầng nấc trong quy trình xử lý nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trong công tác quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức sau khi được phân cấp, giám đốc sở (hoặc người có chức vụ tương đương) được quy định cụ thể nhiệm vụ của các chi cục (hoặc đơn vị tương đương) trực thuộc trên cơ sở chức năng được giao hoặc hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương; được quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm cấp trưởng, cấp phó các chi cục (tương đương) theo tiêu chuẩn chức danh do UBND thành phố ban hành; quyết định thôi việc đối với cán bộ, công chức ngạch chuyên viên chính trở xuống (trừ chức danh thuộc thẩm quyền chủ tịch UBND thành phố) sau khi có ý kiến của Sở Nội vụ.
Đối với công tác quản lý tổ chức bộ máy, viên chức đơn vị sự nghiệp: giám đốc các sở, ngành trực tiếp bổ nhiệm cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc; tổ chức tuyển dụng và phê duyệt kết quả tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp tự chủ trực thuộc... Giám đốc sở, chủ tịch UBND các quận, huyện được giao chủ trì tổ chức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; chủ trì tham mưu UBND thành phố tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng 3 lên hạng 2; quyết định nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức. Riêng đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc; được tổ chức tuyển dụng viên chức khi đủ điều kiện thành lập hội đồng tuyển dụng....
Trong phân cấp quản lý đầu tư công, nếu như trước năm 2015, vốn đầu tư phân cấp cho các quận, huyện từ 5-8 tỷ đồng/năm, trong giai đoạn 2016-2020, theo Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố về phân bổ nguồn vốn đầu tư phân cấp cho các quận, huyện đã tăng lên 15-20 tỷ đồng, rồi tiếp tục tăng từ 40-50 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực phân cấp quản lý đô thị, quận, huyện được giao cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng, quản lý chất lượng công trình; quản lý cây xanh, cấp thoát nước; quản lý, bảo trì công trình hạ tầng đô thị và môi trường đô thị…
Ở lĩnh vực phân cấp quản lý đất đai, thành phố tập trung hai nội dung chính gồm: công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư được điều chuyển nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố sang UBND quận, huyện. Về phân cấp quản lý ngân sách, thành phố điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với quy định của luật thuế, phí, lệ phí theo quy định hiện hành.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, các nội dung phân cấp trên đã tạo được tính đồng bộ trong quản lý; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, vai trò thủ trưởng của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, chủ tịch UBND quận, huyện. Việc phân cấp quản lý đất đai đã tạo tính chủ động cho địa phương trong giải quyết hồ sơ của công dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý đất rẻo, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Phân cấp quản lý đầu tư công đưa công tác triển khai các dự án đầu tư công vào quy củ, chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện; tạo sự chủ động, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các quận, huyện quyết định đầu tư những công trình, dự án phù hợp với tình hình, đặc điểm địa phương.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Phát huy quyền tự chủ của địa phương
Thực tế cho thấy, những năm qua, công tác phân cấp của UBND thành phố đối với cấp quận, huyện phát huy được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng, nhờ đẩy mạnh việc phân cấp trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân, các quận, huyện đã kịp thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư đối với các dự án động lực, trọng điểm.
Huyện Hòa Vang đã nhận được sự quan tâm của thành phố trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thành phố đã giao cho huyện chủ động trong công tác rà soát, xây dựng, cân đối nguồn lực phù hợp với định mức trên từng lĩnh vực, góp phần nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, địa phương hoàn thành công nhận chuẩn Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cho 11/11 xã, 16 thôn là thôn kiểu mẫu nông thôn mới, 2 xã Hòa Châu, Hòa Tiến đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao năm 2020. “Riêng việc phân cấp nguồn thu trong giai đoạn ổn định ngân sách (2017-2020) đã giúp địa phương chủ động trong việc khai thác nguồn lực nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Mặt khác, việc phân cấp trên các lĩnh vực, nhất là trong đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho huyện Hòa Vang đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng”, ông Tôn chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu bày tỏ: “Phân cấp quản lý trong lĩnh vực đầu tư công và lĩnh vực ngân sách đã tạo sự chủ động cho các quận, huyện trong phân bổ vốn, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, giải ngân vốn, phát huy được hiệu quả nguồn vốn sau đầu tư, hạn chế phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản…”.
Còn theo ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng, kết quả việc phân cấp quản lý đô thị trên địa bàn quận, huyện đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân được rút ngắn, nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương. Việc phân cấp còn góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của công chức tại các phòng, ban của UBND các quận, huyện, các ban quản lý xây dựng chuyên ngành trong công tác quản lý đô thị.
Tại hội thảo phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, do UBND thành phố tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đánh giá, trong giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã thực hiện phân cấp mạnh mẽ 5 lĩnh vực trọng tâm, phục vụ người dân và tổ chức ngày càng tốt hơn. Trong đó, phải kể đến việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, đầu tư công, đất đai, đô thị và ngân sách.
TRỌNG HÙNG