Đi và nhớ

.

Một lần, chúng tôi về Duy Xuyên, trước khi gặp thăm hỏi những người du kích anh hùng năm xưa, nhà văn Nguyễn Khắc Phục có một yêu cầu: Làm sao đến thắp một nén hương cho Phan Thị Sỹ.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (bên phải) và ông Phan Công bên bàn thờ Phan Thị Sỹ. Ảnh: H.D.L
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (bên phải) và ông Phan Công bên bàn thờ Phan Thị Sỹ. Ảnh: H.D.L

Các anh cựu du kích xã Duy Hòa chỉ đường vào nhà Sỹ, dặn thêm: Cái nhà nhỏ, mặt nhìn ra cánh đồng lúa xanh!

Nguyễn Khắc Phục và tôi băng qua một cánh đồng, vừa đi đến khúc đường cong vào cổng nhà thì gặp một người từ trong nhà đạp xe đi ra. Định hỏi nhà Sỹ thì anh ta đưa chân xuống đất, ghìm xe lại, xuống xe, một tay vịn chiếc xe đạp trành trành, không phanh, một tay giở nón lá, nhỏ nhẹ hỏi: Các anh vào nhà ai? Dạ, vào thắp hương cho Sỹ. Nguyễn Khắc Phục nói. Anh ta lúng túng: Tôi là cha của Sỹ đây! Hôm nay kỵ cơm cho con gái, tôi đi mua chút gì về thắp hương cho con. Các anh vào nhà, tôi đạp xe ra quán rồi về ngay!

Nhà báo đi tìm tư liệu, nhà văn đưa sáng tạo nghệ thuật vào nhân vật. Đi nhiều thì gặp nhiều chuyện bất ngờ. Chuyến đi thăm lại các chiến sĩ năm xưa, vào buổi sáng không thể nào quên ấy, gặp một sự bất ngờ làm nhà văn Nguyễn Khắc Phục và tôi lặng người, có cảm giác như Sỹ đang đứng đâu đó dõi theo hai chúng tôi. Tôi thấy mắt Phục rưng rưng. Tôi cũng xúc động. Lẽ nào, Sỹ báo cho Phục và chúng tôi, hãy trở lại Khu Tây vào ngày hôm nay - ngày hai mươi bốn tháng Tư âm lịch - ngày gia đình kỵ cơm cho con gái!

Bước vào nhà, nhà vắng tanh! Nhìn lên bàn thờ, Nguyễn Khắc Phục nhận ra ngay tấm hình cô du kích ôm cây đại liên. Bấy giờ Phan Thị Sỹ mới tròn tuổi bẻ gãy sừng trâu đã mang cây M.60 lấy được của Mỹ trong một trận kịch chiến. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục gặp Phan Thị Sỹ lần đầu vào một buổi sáng ngồi nói chuyện với anh chị em du kích Duy Hòa.

 Năm 1972,  phóng viên ảnh Thanh Tụng từ Hà Nội vào Thông tấn xã Giải phóng Khu 5, bấy giờ đóng ở Nước Oa, Trà My, được phân công về Quảng Đà. Anh Phục nói, đây là bức ảnh nhà báo Thanh Tụng đã chụp trước trận du kích Duy Hòa đánh tiêu diệt đại đội thám báo 161, trên đường Cái Mới.

Cha của Phan Thị Sỹ là ông Phan Công, sinh năm 1929, ghi trong giấy khai sinh năm 1933. Anh Hai của Sỹ là Phan Văn Đoàn, du kích, hy sinh. Phan Thị Sỹ sinh năm 1956, là người con thứ ba. Em kề Sỹ là Phan Văn Bốn, làm liên lạc cho xã đội Duy Hòa, hy sinh trong một trận xáp lá cà với lính Mỹ trên đường Cái Mới.

 Năm 1971, ông Phan Công bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Hòa bình, ông về thì các con hy sinh hết. Riêng con gái không có tấm ảnh để thờ. Biết chuyện đau lòng này, các chiến sĩ du kích xã Duy Hòa còn sống sau chiến tranh bỗng nhớ một kỷ niệm với các nhà báo và hỏi thăm nhờ các anh giúp tìm ảnh của Phan Thị Sỹ.  Từ Hà Nội, anh Thanh Tụng đã lục trong bộ ảnh tư liệu trong chiến tranh của mình và chuyển tấm ảnh vô cùng quý giá vào cho du kích Xuyên Hòa, đưa cho ông Phan Công.

Thời kỳ Nguyễn Đình Long làm Xã đội trưởng, Nguyễn Tiến Dũng làm Chính trị viên, thì Phan Thị Sỹ làm Xã đội phó, kiêm Trung đội trưởng Trung đội nữ (trung đội nữ có Lê Thị Năm, Huỳnh Thị Luật, Trần Thị Sáu…).

Có một sự kiện các anh chị du kích hôm gặp lại chúng tôi không thể nào quên: Sau khi nhận được tin lính Mỹ tàn sát 17 bà con Lệ Bắc - Xuyên Lộc (sau này là xã Duy Châu), huyện tổ chức cuộc mít-tinh nhằm lên án hành động dã man của giặc. Buổi phát động diễn ra trên bãi cát gần chợ La Tháp - cái chợ tạm mới dời ra tránh bom, xung quanh là bói, trên nền con sông Bà Rén khô khốc chạy qua xã Duy Châu.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Dương phát biểu lên án hành động dã man của giặc Mỹ. Sau khi giao nhiệm vụ cho Đoàn Sáu, Huyện đội phó, nguyên là Xã đội trưởng Duy Hòa, trực tiếp chỉ đạo du kích Khu Tây chống địch lấn chiếm, Bí thư Huyện ủy trao một tá khăn tang cho Xã đội trưởng Nguyễn Đình Sáu.

Nhận lệnh của Bí thư Huyện ủy và Đoàn Sáu, Chính trị viên Xã đội Nguyễn Tiến Dũng cùng tất cả du kích, kể cả y tá như Phan Thị Trị có mặt trên bãi cát Lệ Bắc dự mít-tinh tham gia trận đánh đều xin ‘‘bịt khăn tang cầm súng ra trận trả thù cho bà con Lệ Bắc bị giặc Mỹ tàn sát’’.

Mấy chị cựu trung đội nữ còn sống sót kể lại cho chúng tôi về trận đánh ngày nào vẫn còn xúc động và hào hứng.

Hôm ấy có hai phóng viên quay phim ở Khu 5 về là Nguyễn Trung Thiện (sau này làm Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng) và anh Nguyễn Ngọc Châu (sau là phóng viên Đài VTV Đà Nẵng).

Trước lúc trận đánh diễn ra, ai đó đưa cái nia, bảo:  Trị ơi, mi cầm cái nia che ánh sáng cho anh Ngọc Châu thay phim.

Vùng cao Quảng Nam.  Ảnh: HUY ĐẰNG
Vùng cao Quảng Nam. Ảnh: HUY ĐẰNG

Vào những ngày tháng 6 năm 1971, trên đất Khu Tây Duy Xuyên luôn bị khống chế bởi bom đạn của Lữ đoàn 196, thuộc sư đoàn American, chúng chốt một tiểu đoàn trên dãy núi Dương Thông - dưới chân phía bắc căn cứ Hòn Tàu - án ngữ phía đông - nam của huyện Duy Xuyên. Đây là thời kỳ, ban ngày thì “tàu gáo đậu nóc nhà’’, “tàu rà bắn rốc-két’’, ban đêm thì Mỹ phục, Mỹ lết, sáng ra thì xe cày...

Tình hình căng như chảo lửa, nên được tin có các nhà báo của Khu, của tỉnh  về, các anh Đảng ủy xã vừa mừng, vừa lo. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Phước gọi Chính trị viên Xã đội Nguyễn Tiến Dũng vào giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các nhà báo. Lên đường Cái Mới đánh Mỹ giữa trưa không ngán mà nghe giao nhiệm vụ bảo vệ các nhà báo thì lo quá. Sau khi trao đổi với xã đội trưởng Nguyễn Đình Sáu, Chính trị viên Nguyễn Tiến Dũng chọn 3 chiến sĩ trong đại đội du kích, trang bị mỗi chiến sĩ ngoài lựu đạn còn có một cây caran M2 lấy được của Mỹ, mỗi cây có 4 băng đạn, mỗi băng có 20 viên đạn, đi theo anh.

Hôm ấy, dậy sớm chống càn, qua 8 giờ sáng, không có động tĩnh gì, tưởng yên. Bất ngờ, lúc đó khoảng 9 giờ 30, bỗng thấy mấy chiếc trực thăng bay vào đầu xóm Châu Phú, anh em vừa đưa các anh nhà báo đến chỗ mương nước đầu bách, chòm nhà ông Chức, ông Hội, thì thấy máy bay quần xuống xóm nhà bà Dị, cạnh nhà bà Dị có chiếc cầu bắc qua suối, gọi là cầu bà Dị.

Thấy máy bay quần thấp dần, sợ chúng phát hiện, các anh ép sát vào bụi tre. Một chiếc tàu gáo trực chỉ về phía bụi tre. Thấy Nguyễn Khắc Phục còn đứng nhìn, tên Mỹ ôm cây đại liên chĩa xuống. Nguyễn Tiến Dũng hô to: Mấy anh vào hầm ngay!

Thế là, tất cả tuôn vào cái hầm chống phi pháo bên bụi tre. Trong hầm có Nguyễn Khắc Phục, Thanh Tụng, Tám Tụy, cùng hai du kích Võ Văn Trà và Trần Thị Sáu. Nguyễn Tiến Dũng vừa chui vào hầm thì chiếc tàu gáo hạ thấp xuống (loại trực thăng này trông như cái gáo múc nước trong ảng ở vùng quê) nện một loạt rốc-két vào bụi tre, khói trắng bốc lên. Từ trên cao, ba chiếc cá lẹp (trực thăng chiến đấu) quần thấp dần, hằm hằm nện rốc-két. Chiếc tàu gáo hạ thấp trông như một con dều muốn chụp gà, chọn tư thế đậu trên nóc hầm. Một tên Mỹ mặt đỏ như mặt khỉ, chồm đầu ra gọi... Anh em hiểu bọn chúng gọi đầu hàng.

Lúc bấy giờ, rất nhiều nơi trên đất Quảng Đà - vùng đất bị Mỹ cày xới, phát hoang, không còn nhà, không còn cây, trống trơ, tàu gáo, tàu rọ, cá lẹp cùng phối hợp tấn công bắt sống cán bộ, du kích. Cứ sáng ra, chúng bay đến bất ngờ, phát hiện anh em ta, mở rọ phía sau máy bay, hạ xuống, đậu trên nóc hầm, gặp du kích chống cự thì ném lựu đạn xuống, bay lên cao, thấy im thì vọt xuống đất, xúc bất cứ ai bắt được bỏ vào rọ chở về đồi Dương Thông.

Nguyễn Tiến Dũng ra lệnh cho Trà và Sáu ôm súng đứng ở cửa hầm phía sau, khi nào anh lệnh thì nổ súng, dặn các anh nhà báo bình tĩnh và cũng đừng ham chụp ảnh bọn Mỹ, rất nguy hiểm. Dũng ôm cây caran lên đạn, ra cửa hầm chính, ép cây caran lên thành hầm lấy thế. Chiếc tàu gáo đang kè thấp xuống, vừa đạp càn trên nóc hầm, tên Mỹ miệng kêu, tay vẫy bảo ra thì Dũng liền nhấn cò, kéo hết một băng caran lên đầu chiếc tàu gáo. Nghe tiếng súng khét cháy bên tai, Trà và Sáu liền bắn đuổi theo ba chiếc cá lẹp đang quần nện rốc-két xuống tới tấp khu vực bụi tre và hầm.

Bị trúng đạn, chiếc gáo lồng lộn lên, quay mòng, chuối ra phía ngoài Hòa Bắc. Ba chiếc cá lẹp quần một vòng nữa, nện rốc-két rồi bỏ trận địa, bay ra cứu hai tên phi công trên chiếc gáo bị trúng đạn. Vừa thấy ba chiếc cá lẹp bay ra, đội du kích liền đưa mấy anh nhà báo vào Châu Phong, đến nơi thì đã 11 giờ trưa, gửi mấy anh nhà báo cho người  dân Châu Phong lo cơm nước… thì thấy một tốp trực thăng bay vào. Chúng đổ quân xuống Hội Quán. Trận đánh tiếp theo ngay sau đó, Võ Văn Trà hy sinh, Trần Thị Sáu bị thương...

Địch đóng một cái chốt trên Gò Ôm - cao điểm trên đường Cái Mới - Kiểm Lâm - An Hòa, nhận lệnh, Xã đội phó Phan Thị Sỹ trực tiếp chỉ huy một tổ du kích, chiến đấu giữ chốt suốt 15 ngày, đánh lui nhiều đợt phản công của địch. Hôm đó, bị pháo địch bắn sập công sự, súng bị gãy, một số chiến sĩ du kích hy sinh, địch tràn lên chốt, ba chiến sĩ còn lại dùng lựu đạn tiêu diệt địch, cướp súng, kéo xác địch che chắn công sự, tiếp tục chiến đấu giữ vững trận địa. Phan Thị Sỹ đã hy sinh vô cùng anh dũng trên chiến hào chống quân thù lấn chiếm vùng giải phóng.

Vào những năm tháng ác liệt, các nhà báo ở Khu về, ai cũng muốn được đến những vùng ác liệt nhất, không Điện Bàn thì Khu Tây Duy Xuyên. Nguyễn Khắc Phục luôn muốn đến với anh chị em du kích vùng khói lửa ác liệt Xuyên Phú, Xuyên Hòa của Khu Tây. Hấp dẫn nhất là theo du kích đến với Gia Hòa, Mỹ Lược, Phú Lạc, Gò Om, nổng Bà Tình, vườn Thầy Năm (Vườn Thầy Năm là tên một vỡ kịch đầu tay Nguyễn Khắc Phục viết về đất và người Khu Tây Duy Xuyên). Từ hơi thở dữ dội của đất và dân bám trụ, ngoài viết kịch, viết kịch bản phim, Nguyễn Khắc Phục viết được nhiều bài thơ có hồn như bài Nhân dân tin yêu, Mặt ngôi nhà nhìn về hướng ấy...

Các nhà báo về với Quảng Đà ác liệt, với Điện Bàn cày trắng, với Hòa Hải anh hùng, với Khu Tây đánh Mỹ, làm sao quên những chiến sĩ du kích năm nào như Lê Khả, Trần Việt Hoa, Nguyễn Tiến Dũng...; nhớ chị Hai Phiên, chị Ba Chủng, chị Tám Chum, nhớ cả bà mẹ Bốn Chồn. Nhiều nhà báo thuộc cả bài thơ ứng khẩu của mẹ Bốn Chồn:

Dân ta như hòn đá trên non,

Trời xô không chuyển, ngọn gió lòn không xê

Nó xúc bên ni, nó đổ bên tê

Quần vung áo rũ ta về nhà ta

Khổ không cam phận khổ

Vẫn nhớ một câu hò khoan hố khoan!

Hồ Duy Lệ

;
;
.
.
.
.
.