Mạng xã hội - Một nguồn đề tài cho người làm báo

.

Thực tế hiện nay, thông tin trên mạng xã hội có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Trong ngồn ngộn thông tin ấy, bằng khả năng phát hiện, chắt lọc vấn đề, kiểm chứng thông tin, không khó để người làm báo tìm thấy những đề tài hay, hấp dẫn để khai thác thành bài viết.

Phóng viên Báo Đà Nẵng (bìa trái) đang khai thác thông tin cho đề tài “Khôi phục nghề dệt thổ cẩm Cơ tu” được phát hiện từ các hình ảnh, thông tin đăng trên trang Facebook “Phụ nữ Hòa Bắc”. Ảnh: L.P
Phóng viên Báo Đà Nẵng (bìa trái) đang khai thác thông tin cho đề tài “Khôi phục nghề dệt thổ cẩm Cơ tu” được phát hiện từ các hình ảnh, thông tin đăng trên trang Facebook “Phụ nữ Hòa Bắc”. Ảnh: L.P

1. Tận dụng ưu thế sức lan tỏa rộng của mạng xã hội, nhiều tổ chức, đơn vị, hội, nhóm, cá nhân lập ra các fanpage (trang), group (nhóm) hoặc tài khoản cá nhân để đăng tải, chia sẻ các thông tin của tổ chức, đơn vị mình. Tại thành phố Đà Nẵng, hầu hết các quận, huyện, phường, xã, tổ chức, đơn vị đều sử dụng Facebook, điển hình các trang: Ngũ Hành Sơn tươi đẹp, Liên Chiểu yêu thương, Quận Đoàn Hải Châu, Phường Nại Hiên Đông, Phường Thuận Phước, Phụ nữ Nam Dương, Phụ nữ Hòa Minh… Trên những trang này, quản trị viên thường xuyên đăng tải thông tin hoạt động của địa phương, tổ chức, đơn vị mình. Đó có thể là những mô hình mới, cách làm sáng tạo, độc đáo của địa phương, tổ chức hội, đoàn thể; các hoạt động trợ giúp, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn; những cá nhân, tổ chức với những việc làm nhân ái, thiện nguyện, hay thông tin văn bản mới,…

Theo chia sẻ của hầu hết quản trị viên các trang, mục đích duy nhất của việc đăng tải lên mạng xã hội là để lan tỏa thông tin nhanh chóng, rộng khắp đến đông đảo người dùng nói chung và thành viên, hội viên, người dân của địa phương mình nói riêng. Còn với người làm báo, các trang, nhóm trên mạng xã hội là “mảnh đất” đề tài màu mỡ, là nguồn tin đa dạng, hấp dẫn để khai thác thành bài viết. Ngay với chính bản thân tôi, không ít lần, những đề tài, nhân vật mà tôi vô tình “bắt gặp” trên mạng xã hội lại trở thành những đề tài hấp dẫn giúp tôi có những bài viết hay, lan tỏa các giá trị nhân văn, mang năng lượng sống tích cực đến độc giả.

2. Mới đây, trong một lần lướt Facebook, tôi đọc được thông tin trên trang “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” với nội dung tìm những hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ chỗ ở miễn phí, kèm số điện thoại liên hệ. Tôi ghi lại thông tin vào cuốn sổ cá nhân; đồng thời liên hệ với người đăng bài. Sau khi nắm được thông tin sơ bộ, tôi có cuộc hẹn với nhân vật để đi tìm hiểu, ghi nhận thực tế. Không lâu sau đó, tôi có bài viết “Chuyện ở Nhà hy vọng” đăng trên trang “Phóng sự - Ghi chép” của Báo Đà Nẵng. Bài viết nói về chàng thanh niên trẻ Tôn Thất Tuấn Anh (sinh năm 1989, trú quận Hải Châu) và nhóm bạn của mình góp tiền, thuê một dãy nhà trọ khang trang và mời những người lao động ngoại tỉnh nghèo, người vô gia cư về sinh sống. Sau bài viết của tôi, khá nhiều đồng nghiệp ở các báo bạn nhắn tin hỏi thăm số điện thoại, địa chỉ của nhân vật để viết tiếp câu chuyện nhân ái, nghĩa tình ấy. Trong một lần trò chuyện cùng Tuấn Anh, anh hồ hởi chia sẻ: “Nhờ bài viết của em mà hoạt động của nhóm anh được khá nhiều mạnh thường quân biết đến và ngỏ ý góp sức. Anh không ngờ việc làm nhỏ bé của mình lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy”.

Cuối năm 2020, tôi đọc được thông tin về một giáo viên về hưu, ngày đêm miệt mài “gieo chữ” cho những học trò nghèo trên trang “Phụ nữ Đà Nẵng - Lắng nghe và chia sẻ”. Từ thông tin có được, tôi liên hệ với Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Bình Hiên tìm đến cô giáo ấy và có bài “Lớp học miễn phí cho trò nghèo”, viết về cô Đào Thị Nhung (64 tuổi), Tổ trưởng tổ dân phố 25 có hơn 2 năm miệt mài dạy miễn phí những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Điều đặc biệt tôi nhìn thấy ở cô Nhung, đó là dù sức khỏe yếu, gia cảnh không mấy khá giả, lại đang chăm sóc người mẹ ngoài 80 tuổi và chị gái mắc bệnh ung thư, nhưng ở cô luôn toát ra nguồn năng lượng tích cực, lạc quan. Tôi luôn nhớ câu nói của cô Nhung, đại ý rằng: Nếu khóc cũng hết một ngày, mà cười cũng hết một ngày, thì tại sao chúng ta không tươi cười và làm những điều có ích để một ngày trôi qua thêm ý nghĩa”.

Tác giả (bìa phải) trò chuyện cùng nhân vật trong một lần tác nghiệp. Ảnh: L.P
Tác giả (bìa phải) trò chuyện cùng nhân vật trong một lần tác nghiệp. Ảnh: L.P

3. Qua mạng xã hội, nhiều tổ chức, đơn vị cũng chia sẻ những thông tin, hoạt động về các mô hình hay, cách làm mới của tổ chức, đơn vị mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đơn cử, trong đợt dịch xuất hiện tại thành phố Đà Nẵng từ đầu tháng 5-2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các quận, huyện, phường, xã thường xuyên đăng tải hình ảnh hoạt động góp phần trong công tác phòng, chống Covid-19: “Tiếng loa thanh niên”, “Tiếng loa di động”, “Shiper áo xanh đi chợ giúp dân”, “Mỗi hội viên một cử chỉ đẹp”, “Mỗi tổ chức hội một hành động ý nghĩa”… Từ những thông tin này, người làm báo dễ dàng tìm kiếm được đề tài để khai thác thành bài viết.

Tuy nhiên, có một thực tế không phải mọi thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội đều chính xác. Vì nhiều lý do, người dùng mạng xã hội sẵn sàng cắt ghép, tạo dựng, bịa đặt những câu chuyện, hình ảnh sai sự thật. Do đó, để trở thành một người dùng mạng xã hội thông thái và khai thác thông tin từ mạng xã hội một cách thông minh, người dùng mạng xã hội nói chung, người làm báo nói riêng cần luyện tập cho mình sự nhạy bén, tinh tế trong phát hiện và chắt lọc thông tin. Bên cạnh đó, người làm báo cần có sự nhìn nhận, đánh giá khi tiếp nhận thông tin; xác minh, kiểm chứng từ nhiều nguồn để có thông tin chính xác nhằm tạo nên những chất liệu để viết những bài báo có chất lượng, được độc giả đón nhận tích cực.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.