Trên địa bàn thành phố hiện có 3 khu chung cư đã xuống cấp, nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của hàng trăm hộ dân sinh sống bên trong. Thành phố đã có chủ trương xây mới để thay thế các khu chung cư này, tuy nhiên bao giờ việc này được thực hiện vẫn là câu hỏi mà các hộ dân sinh sống ở đây thấp thỏm mong chờ.
Một góc khu chung cư Hòa Minh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) bị xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh chụp tháng 6-2021) Ảnh: TRỌNG HUY |
Ngày 8-12-2016, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 83/NQ-HĐND về rà soát, đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với chung cư, nhà tập thể xuống cấp. Đến nay, tiến độ xử lý đối với chung cư, nhà tập thể xuống cấp là một trong số các nội dung các ngành, địa phương chưa hoàn thành.
Sống trong lo lắng
Ông Phan Văn Ngọc, tổ trưởng tổ dân phố 47 phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), sống tại căn hộ F.206 rộng 28m2 thuộc khu chung cư Hòa Minh cùng với gia đình đến nay gần 20 năm. Lúc ông Ngọc chuyển về sinh sống tại căn hộ này vào năm 2002, khu chung cư này vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng. “Hồi đó cứ nghĩ về đây rồi sẽ ổn định cuộc sống lâu dài. Ai ngờ tuổi thọ chung cư thấp quá, chỉ được 20 năm”, ông Ngọc nói.
Khoảng 5 năm trở lại đây, khu chung cư nơi ông Ngọc ở bắt đầu xuống cấp, bong tróc, bung sụt nền nhà. Hệ thống nước hư hỏng, chảy thấm vào tường gây bung vôi, vữa. Hệ thống nhà vệ sinh hư hỏng, nước tầng trên tràn xuống tầng dưới diễn ra thường xuyên. Các trụ bê-tông bể lòi cả cốt sắt bên trong. “Nhiều hôm đang nằm ngủ, cả mảng vữa trên trần rơi xuống. Nếu không có màn che, chắc trúng mặt. Cả căn phòng, không có mảng tường nào là chưa bị thấm”, ông Ngọc nói. Hàng trăm hộ dân sinh sống trong 8 block thuộc khu chung cư Hòa Minh đang ngày đêm thấp thỏm lo âu, sống trong sợ hãi vì mùa mưa bão năm 2021 đang đến.
Đó cũng là tâm trạng chung của hàng trăm hộ dân sinh sống trong khu chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường (phường Hòa Cường Bắc) và khu chung cư Thuận Phước (phường Thuận Phước) quận Hải Châu. Đây là hai khu chung cư cùng tuổi với chung cư Hòa Minh đã xuống cấp nghiêm trọng.
Theo Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng (Sở Xây dựng), các khu chung cư Thuận Phước, Hòa Minh và Lâm đặc sản Hòa Cường được đưa vào sử dụng năm 2001 với tổng số 648 căn hộ. Các khu chung cư này có nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, không bảo đảm an toàn sử dụng. Tại Công văn số 8123/UBND-SXD ngày 13-10-2017, UBND thành phố cho phép sửa chữa để tiếp tục khai thác sử dụng 3 khu chung cư này đến hết năm 2021. Sau năm 2021 sẽ tổ chức kiểm định chất lượng công trình, đề xuất xử lý theo đúng quy định pháp luật về nhà ở.
Quận không đủ năng lực
Đại diện Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng cho biết, đối với 3 khu chung cư đang xuống cấp kể trên, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương cho phép đầu tư xây dựng chung cư mới thay thế (tại Công văn số 10041/UBND-QLĐTh ngày 28-12-2018 và Thông báo số 37/TB-UBND ngày 2-4-2018).
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong, trước mắt, thành phố thống nhất triển khai xây dựng 1 khu chung cư thay thế khu chung cư Lâm đặc sản Hòa Cường, dự kiến vị trí mới tại lô đất số 10 đường Trịnh Công Sơn (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) và giao cho quận Hải Châu triển khai các bước liên quan.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho rằng, với năng lực của quận khó có thể triển khai hiệu quả việc đầu tư xây dựng một khu chung cư mới thay thế. Ông Thạnh cho biết, vị trí đất dự kiến xây dựng khu chung cư mới là phù hợp trong điều kiện quận Hải Châu đang thiếu những khu đất có diện tích bảo đảm. “Hiện quận đang trình lên thành phố phương án chuyển việc triển khai công tác đầu tư xây dựng khu chung cư mới thay thế chung cư cũ cho một ban quản lý dự án thuộc thành phố để phù hợp với năng lực và chuyên môn”, ông Thạnh nói.
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng Trần Quang Triết, trong thời gian chờ triển khai việc kiểm định để đầu tư xây dựng các khu chung cư mới thay thế theo chủ trương của UBND thành phố, Trung tâm thường xuyên kiểm tra, sửa chữa những hư hỏng tại các căn hộ cũng như những khu vực sử dụng chung để bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Sau khi việc xây dựng mới các khu chung cư sẽ ưu tiên bố trí lại các hộ đang ở tại các khu chung cư này.
Hiện nay, thành phố đang thực hiện giải tỏa, di dời 25 khu tập thể xuống cấp với 172 hộ dân đã có kết quả kiểm định chất lượng (trong đó có 8 khu tập thể mức độ nguy hiểm cấp D; 16 khu tập thể nguy hiểm cấp C và 1 khu tập thể nguy hiểm cấp B). Đến nay, đã di dời 51 hộ dân (cấp D 34 hộ, cấp C 17 hộ), còn lại 121 hộ chưa di dời (cấp D 17 hộ, cấp C 94 hộ và cấp B 10 hộ). Đã di dời hoàn thành 4 khu tập thể gồm số 10 Trần Bình Trọng, số 30 Bạch Đằng, số 52 Trần Quốc Toản và số 111 Ông Ích Khiêm. |
Việc di dời, giải tỏa nhà tập thể còn kéo dài Báo cáo số 3154/UBND-TH ngày 24-5-2021 của UBND thành phố cho biết, việc thực hiện giải tỏa, di dời nhà ở tập thể xuống cấp vẫn còn vướng mắc, thực hiện kéo dài. Những năm qua, thành phố triển khai di dời, giải tỏa đối với 25 khu nhà tập thể xuống cấp có 271 hộ gia đình đang sinh sống. Cụ thể, có 8 khu nhà tập thể có chất lượng công trình đang trong tình trạng mức độ nguy hiểm cấp D; 16 khu tập thể có mức độ nguy hiểm cấp C và 1 khu tập thể mức độ nguy hiểm cấp B. Hiện mới giải tỏa được 51/172 hộ, còn lại 121 hộ chưa di dời. Trong đó, nhiều hộ gia đình sinh sống tại khu tập thể số 50-52 đường Lê Lai, số 5 đường Nguyễn Thái Học còn khiếu nại, kiến nghị vướng mắc đối với chủ trương di dời, giải tỏa nhà tập thể cũ xuống cấp của UBND thành phố. Nội dung khiếu nại, kiến nghị là được mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; đề nghị bố trí đất tái định cư thay vì hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ thuê nhà chung cư. UBND thành phố giao Thanh tra thành phố và các cơ quan liên quan tiếp tục tham mưu, đề xuất giải quyết. (TRIỆU TÙNG) |
TRỌNG HUY