ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN Ở ĐÀ NẴNG

Bài cuối: Trao quyền gắn với kiểm soát

.

Thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24-6-2020 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước phù hợp với khả năng tự cân đối về ngân sách, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thành phố Đà Nẵng đã chủ động xây dựng Đề án phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Mục tiêu là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu.

Để việc phân cấp, phân quyền đạt hiệu quả cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương. TRONG ẢNH: Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính thành phố. 						  		   Ảnh: TRỌNG HUY
Để việc phân cấp, phân quyền đạt hiệu quả cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương. TRONG ẢNH: Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY

Tháo “nút thắt” để nâng cao hiệu quả hoạt động

Theo dự thảo Đề án phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thành phố sẽ đẩy mạnh phân cấp trên một số lĩnh vực trọng điểm. Cụ thể, đối với phân cấp quản lý đô thị sẽ tiến hành phân cấp UBND quận, huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.

Về phân cấp quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ban, ngành giám sát công tác tổ chức, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) các quận, huyện hoặc các đơn vị có chức năng thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại UBND các quận, huyện. Về phân cấp quản lý đầu tư, thành phố sẽ rà soát, hoàn thiện quy định về phân cấp đầu tư; đồng thời ban hành quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn.

Trong đó, tập trung điều chỉnh, bổ sung các bước về chủ trương đầu tư, thẩm quyền quyết định đầu tư, quy mô vốn đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xây dựng cơ bản. Đối với lĩnh vực tài chính ngân sách, công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách đối với quận, phường nơi không tổ chức HĐND khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị thực hiện theo quy trình mà UBND thành phố đã rà soát và báo cáo các cơ quan Trung ương...

Ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, việc triển khai mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng gắn với phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn là để phù hợp với tính chất, đặc điểm trong quản lý đô thị mà không làm giảm vai trò của cơ quan dân cử. Đề án phân cấp quản lý Nhà nước được thành phố xây dựng theo hướng tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các sở, ban, ngành, địa phương theo từng ngành, từng lĩnh vực trên nguyên tắc giao quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo đề nghị của các địa phương, thành phố cần tập trung đẩy mạnh việc phân quyền, phân cấp bảo đảm tính hợp lý, khoa học giữa thành phố với các sở, ban, ngành; giữa thành phố, các sở, ban, ngành với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với kiểm soát quyền lực.

Ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, việc phân cấp cần gắn liền với việc phân bổ lại chỉ tiêu biên chế cho UBND các quận, huyện nhằm tránh tạo áp lực cho các cơ quan chuyên môn ở cấp này. “Hiện nay, nguồn vốn thành phố bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện để thực hiện nhiệm vụ, nhất là đầu tư xây dựng nông thôn mới chưa được quy định cụ thể về trình tự và thẩm quyền phê duyệt. Đây chính là “nút thắt” cần tháo bỏ trong phát triển đô thị ở nông thôn”, ông Tôn nói.

Đẩy mạnh phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tạ Tự Bình nhìn nhận, việc phân cấp quản lý Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là chủ trương lớn và tất yếu của quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Để đạt mục tiêu của phân cấp quản lý thì khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải tuân thủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Còn theo Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong, đơn vị đang tiếp tục đề xuất các nội dung phân cấp mới và nghiên cứu điều chỉnh nội dung phân cấp hiện có. Ngoài ra, chính quyền địa phương các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy cần quan tâm, nâng cao năng lực, trình độ của nhân sự các phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện...

Ông Trần Phước Sơn, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, cho rằng việc phân cấp, phân quyền phải chú trọng tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các ngành, địa phương, người đứng đầu cấp ủy. Theo ông Sơn, để kiểm soát quyền lực, thời gian qua, 100% cấp ủy từ quận xuống cơ sở thường xuyên rà soát, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm các quy chế công tác.

Quận cũng chú trọng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ, thẩm quyền của tổ chức và cá nhân trong sinh hoạt Đảng, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy và mối quan hệ với hệ thống chính quyền, đoàn thể các cấp; đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở.

Ông Trần Chí Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố khóa IX đề xuất, cần tăng quyền và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương. “Qua giám sát cho thấy, vẫn còn nhiều việc một số cơ quan, đơn vị đẩy lên cho UBND thành phố giải quyết, gây quá tải cho UBND thành phố”, ông Cường nói.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, sẽ áp dụng chế độ thủ trưởng trong hệ thống công quyền. Khi đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có toàn quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của mình. Vì vậy, để giám sát chặt chẽ cũng như kiểm soát quyền lực, vai trò của các đại biểu dân cử sẽ phải “hoạt động” nhiều hơn; thậm chí phải luân phiên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri.

Tại hội thảo phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị do UBND thành phố tổ chức vào cuối tháng 3-2021, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho rằng, các giải pháp thực hiện phân cấp phải bám sát nguyên tắc Luật Tổ chức chính quyền địa phương và việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị để rà soát, điều chỉnh các quy định phân cấp hiện hành.

Đồng thời, cần đổi mới cơ chế giám sát, hậu kiểm đi liền với phân cấp thẩm quyền quản lý Nhà nước. Từng sở, ban, ngành tăng cường cơ chế kiểm tra, hậu kiểm, giám sát việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện theo quy định. Trên từng lĩnh vực phân cấp phải ban hành cơ chế, quy chế giám sát, kiểm tra, hậu kiểm định kỳ và kiểm tra đột xuất; đồng thời, chủ động giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được phân cấp tại cơ quan, địa phương”.

Có thể khẳng định, qua 4 năm triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước trên địa bàn thành phố từng bước được nâng cao, cơ chế vận hành có nhiều thay đổi tích cực, khoa học và linh hoạt hơn so với trước đây. Việc phân cấp, phân quyền đã tạo sự chủ động, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ cụ thể ở địa phương.

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện phân cấp, phân quyền đã tích lũy được kinh nghiệm rất tốt để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn trong công tác quản lý Nhà nước, nhất là khi Đà Nẵng bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1-7-2021.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.