Những năm tháng trên "Vành đai diệt Mỹ" Hòa Vang Quảng Đà

.

Ngày 18-7-1961, B5 được tách khỏi Tỉnh đội Quảng Nam về trực thuộc huyện Hòa Vang. Tháng 2-1962, Trung đội 3 mang phiên hiệu H16 được thành lập trên cơ sở tách ra từ Trung đội 5. Ngày 5-10-1967, H16 được đổi tên thành Đại đội 2, thuộc Khu 2 Hòa Vang… Những mốc son lịch sử đó đã hằn sâu trong trái tim, khối óc của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 chúng tôi.

Thành viên Đại đội 2, Khu 2 Hòa Vang thăm bia chiến tích Lê Thị Hồng Gấm trong ngày đơn vị đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 25-8-2018.  Ảnh: LÊ TRUNG NUÔI
Thành viên Đại đội 2, Khu 2 Hòa Vang thăm bia chiến tích Lê Thị Hồng Gấm trong ngày đơn vị đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 25-8-2018. Ảnh: LÊ TRUNG NUÔI

Gần 14 năm xuất hiện trên “vành đai diệt Mỹ” Hòa Vang, Đại đội 2 đã tổ chức chiến đấu hơn 300 trận đánh lớn nhỏ, là đơn vị đầu tiên bắt sống cố vấn Mỹ. Mỗi người lính được sống, chiến đấu trong đội hình “C2 Hòa Vang” luôn đầy ắp những kỷ niệm khó phai. Với tôi, đó là những ngày đầu nhập ngũ, được chứng kiến tình đồng đội thiêng liêng, ý chí kiên cường của người lính Q84.

Quê tôi ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), gần Túy Loan, là nơi kèm kẹp hà khắc của Mỹ ngụy. Năm 1965, 15 tuổi, tôi tham gia hoạt động hợp pháp tại địa phương. Bấy giờ, phong trào thanh thiếu niên hoạt động ở đây rất mạnh, cơ sở dần dần bị lộ. Địch điên cuồng đánh phá dữ dội. Nhận thấy nếu tiếp tục hoạt động hợp pháp thì sớm muộn gì chúng tôi cũng bị bắt nên các anh lãnh đạo ở địa phương cho một số thanh niên bí mật thoát ly. Làng tôi, đi đợt đó có 4 người: Phan Văn Võ, Phan Văn Toán, Nguyễn Hòe và tôi.

8 giờ ngày 12-10-1967, cơ sở báo 14 giờ chiều nay chúng tôi lên đường. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng nhận tin đi thoát ly, tôi không khỏi bồi hồi nhìn căn nhà từ trong ra ngoài, nhìn từ gốc chuối, bụi tre. Cha mẹ, các em tôi không hề biết có chuyện gì sắp xảy ra. Khi tôi bước chân ra khỏi nhà, mấy đứa em dặn: “Anh Hai đi Đà Nẵng mua bánh mì về ăn nghe!”. Bà nội tưởng tôi đi như mọi lần, miệng móm mém nhai trầu nhắc lại câu nói thường ngày: “Đi chơi đừng vào nơi súng đạn, lỡ có việc gì thì không ai lo hương khói cho ông bà, nghe con!”. Trước không khí như vậy, tôi có linh cảm mình ra đi có thể không trở về và im lặng bước đi mà không dám nhìn lại những người thân yêu nhất của mình.

15 giờ, chúng tôi tập trung tại Trường An Phước. 16 giờ, bà Trợ là cơ sở cách mạng dẫn chúng tôi lên thôn Nam Thành (Hòa Phong, Hòa Vang) bàn giao cho 4 gia đình cơ sở ở đây. Đúng lúc đó, một trung đội Mỹ kéo lên Nam Thành, may mắn là chúng chỉ đi ngoài đường chứ không vào nhà dân. Chiều hôm ấy, tôi ăn cơm với gia đình. Chị chủ nhà khoảng 45 tuổi nhìn tôi, buột miệng nói: “Còn nhỏ quá làm sao đi bộ đội được hả em?”. Lời nói chân tình của chị chợt đè nặng lên tâm trí tôi. Vì đến lúc ấy, tôi cũng chưa hình dung được đi bộ đội gian khổ như thế nào.

Tối hôm đó, cán bộ về nhận quân, biên chế tôi về đơn vị Q84 (mật danh của Đại đội 2) Huyện đội Hòa Vang. Tôi đi trong đêm cùng đoàn quân, 15 giờ ngày hôm sau mới đến nơi đóng quân là căn lán nhỏ lợp bằng tranh tre ở giữa cánh rừng. Ngay đêm đầu tiên trong môi trường quân đội, chỉ huy trung đội phân công sáng ngày mai, các đồng chí: Võ, Toán, Hòe và Nuôi đi công tác đồng bằng, do đồng chí Ba, tiểu đội trưởng chỉ huy. Lần đầu tiên xa nhà, chưa biết cuộc sống của bộ đội là như thế nào, tôi đã phải lên đường đi công tác. Tôi cũng không biết xuống đồng bằng nguy hiểm như thế nào, thời gian bao lâu. Chỉ huy trung đội nhắc, các đồng chí mai đi công tác, nếu tranh thủ viết thư về nhà thì đưa cho Chính trị viên phó Hoàng Minh Nghiêm kiểm duyệt trước khi gửi. Chuyến công tác không dài như tôi tưởng, chỉ hơn một ngày là xong nhiệm vụ.

8 giờ ngày 14-10-1967, chúng tôi đang trên đường trở về đơn vị thì một quả pháo của địch từ biển bắn vu vơ vào trúng giữa đội hình. Sau tiếng nổ lớn, cả một vùng khói bụi, cây cối đổ ngổn ngang. Theo phản xạ, tôi nằm rạp xuống. Trong khói bụi mịt mù, tôi nhìn sang bên cạnh thấy anh Ba đang nằm co quắt. Một mảnh đạn đã thổi bay toàn bộ da vùng bụng của anh. Quan sát xung quanh không còn thấy ai, tôi cởi chiếc áo trên mình quấn vào bụng anh Ba. Tôi ngỡ ngàng, mặc dù đau đớn như vậy nhưng anh vẫn động viên tôi: “Em cứ bình tĩnh, anh không sao đâu”. Ngồi bên cạnh anh, nắm bàn tay tái nhợt của người tiểu đội trưởng, tôi bắt đầu hình dung về sự hy sinh của người lính mà tôi có thể gặp phải.

Anh Ba thở hổn hển, thì thào nói với tôi: “Em móc cái ví trong túi quần anh”. Tôi không hiểu nhưng vẫn làm theo lời anh. Thấy tôi cầm ví trên tay, anh Ba khó nhọc nói: “Em xé lá thư người yêu của anh giúp anh!”. Lúc đó, tôi chưa biết yêu là gì nhưng khi xé lá thư tình của người tiểu đội trưởng, tôi đau đến thắt lòng. Không biết người yêu của anh ở nơi chân trời nào đó có biết cảnh này không? Trong ví của anh, còn có một tấm ảnh cô gái vùng sông nước với nụ cười duyên dáng. Mặt sau tấm ảnh, dòng chữ “Đợi chờ anh” được viết nắn nót, còn nguyên màu mực. Anh bảo tôi xé tấm ảnh, bỏ vào miệng anh. Hơi thở của anh Ba yếu dần, tôi biết chắc anh sẽ không qua khỏi… Lúc này, giọng nói của anh đã đứt quãng: “Còn 1 chỉ vàng, em gửi Chính trị viên đại đội Mai Xuân Ấn, nhờ anh ấy chuyển về cho mẹ anh”. Rừng mùa đông hoang vu, lạnh lẽo. Hai anh em tôi bên nhau, nghe những con ve sầu rên rỉ. Vết thương ở bụng, tôi không thể cõng anh về, đành ngồi bên anh thầm mong có người đến giúp sức.

Khoảng 11 giờ, anh gắng nói với tôi: “Em theo đường mòn, chạy về báo đại đội đưa anh về”. Tôi bảo anh: “Từ đây về đại đội đi mấy tiếng đồng hồ, em không thể bỏ anh nằm một mình ở đây được”. “Em đi nhanh thì khoảng 15 giờ đến đơn vị, nhớ cầm theo nắm cơm của anh mà ăn. Anh không ăn được đâu, cho anh một hớp nước”. Tôi đưa anh đến chỗ bằng phẳng, gài lá ngụy trang che kín chỗ anh nằm. Khi tôi đi, anh còn dặn cầm theo quả lựu đạn cho yên tâm. Lúc này, tôi chưa được huấn luyện nên chưa biết sử dụng lựu đạn, nhưng vẫn cầm đi cho yên lòng.

Tôi theo đường mòn, chạy từ đồi này qua con suối kia. Mắt luôn nhìn phía trước, đề phòng cọp, beo, rắn rết tấn công, biệt kích địch mai phục. Tôi đi một lúc thì một loạt pháo từ biển bắn phía sau lưng, nhưng tôi đã ra khỏi phạm vi nguy hiểm. Đến đơn vị, tôi báo cáo chỉ huy đại đội trường hợp bị thương của anh Ba. Đơn vị lập tức cử một tiểu đội cùng tôi trở lại nơi anh Ba đang nằm. Chúng tôi đưa anh về đơn vị. Gặp lại đồng đội, 2 tiếng đồng hồ sau, Tiểu đội trưởng Ba hy sinh. Anh em trong đại đội có mặt đông đủ, cúi đầu tiễn đưa người đồng chí nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất Hòa Vang. Về sau, suốt cuộc đời binh nghiệp, trước những hiểm nguy, tôi luôn nhớ lời anh: “Bình tĩnh nghe em!”.

Ngày 29-3-1975, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, Đại đội 2 (Khu 2 - Hòa Vang) cũng hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Đơn vị giải tán, quân số được thuyên chuyển về các đơn vị khác hoặc chuyển ngành. Từ bấy đến nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng chúng tôi không thể nào quên một thời cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập đại đội, xin gửi nén tâm nhang về bên đồng đội đã hy sinh. Các anh hãy yên lòng! Chúng tôi vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ Đại đội 2 trong sự nghiệp hôm nay.

Anh hùng LLVTND
LÊ TRUNG NUÔI

;
;
.
.
.
.
.