5 năm qua, Thành ủy Đà Nẵng đã tập trung chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Những kết quả đạt được đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (giữa) trao bằng khen cho các tập thể thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu
Trong 5 năm (2016-2021) thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), việc phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nghị quyết được Ban Thường vụ Thành ủy quán triệt sâu sắc và ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo triển khai thực hiện. Qua đó, trách nhiệm, vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ là cấp ủy viên, người đứng đầu được thể hiện rõ nét hơn. Cụ thể, hằng tuần, hằng tháng, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy tăng cường đi cơ sở, trực tiếp tiếp công dân, lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị, nắm bắt diễn biến tư tưởng để giải quyết kịp thời các vướng mắc của người dân.
Nhiều cán bộ là Thành ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được phân công phụ trách, theo dõi đơn vị, địa bàn đã thực hiện nghiêm việc tham gia sinh hoạt với chi bộ khu dân cư và có báo cáo định kỳ kết quả buổi sinh hoạt; chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ cơ sở.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy được Ban Thường vụ Thành ủy phân công theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ quận Thanh Khê đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, thường xuyên liên hệ, đôn đốc chỉ đạo địa phương nơi bà từng là Bí thư Quận ủy triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, cũng như công tác phòng, chống Covid-19; đồng hành với Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê trong nhiều đợt sinh hoạt chính trị quan trọng như các hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm, hoặc các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác định kỳ...
Hai năm qua, các đồng chí được phân công làm Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ phát huy vai trò của mình, tiếp 740 lượt công dân; qua đó, chỉ đạo giải quyết 216 ý kiến kiến nghị, phản ánh của người dân; chuyển 11 đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. Bà Phan Thị Thúy Linh được điều động từ vị trí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội thành phố về làm Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ từ cuối năm 2020. Bà Linh luôn sâu sát cơ sở để chỉ đạo, điều hành các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống Covid-19, bà luôn có mặt tại các nơi dịch diễn biến phức tạp trên địa bàn quận Cẩm Lệ để chỉ đạo các lực lượng phòng, chống dịch hiệu quả.
Kịp thời uốn nắn, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm
5 năm qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tham mưu cấp ủy thành lập 986 đoàn kiểm tra, giám sát đối với 2.412 lượt tổ chức Đảng, 3.340 lượt đảng viên. Riêng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lập 56 đoàn kiểm tra, giám sát đối với 61 tổ chức Đảng và 33 đảng viên. Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, qua hoạt động kiểm tra, giám sát nhận thấy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy thực hiện nghiêm túc, quyết tâm và đầy trách nhiệm. Các cấp ủy đã nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình; có kế hoạch, lộ trình khắc phục những yếu kém, tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.
Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi cho biết, Ban Thường vụ Quận ủy đã gợi ý kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đối với 2 đảng ủy viên, 1 chi ủy cơ sở và 4 tập thể lãnh đạo. Nội dung kiểm điểm bảo đảm theo yêu cầu giải trình những vấn đề nổi cộm, trong đó tập trung đi sâu phân tích, kiểm điểm các vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bức xúc của địa phương, đơn vị, gắn liền với trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Sau khi kiểm điểm, các tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Viết Hùng cho biết, 5 năm qua, Ban Tổ chức Thành ủy đã phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành các văn bản gợi ý kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Từ năm 2017 đến 2019, Ban Thường vụ đã gợi ý kiểm điểm đối với 29 tập thể, 14 cá nhân. Thông qua đó, đã giúp các cấp ủy Đảng khắc phục nhiều hạn chế, khuyết điểm. Các tập thể, và cá nhân được gợi ý kiểm điểm đã nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ các cấp, thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót trong lãnh đạo, điều hành và đề ra giải pháp khắc phục.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) góp phần phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu thể hiện ngày càng rõ nét; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
NGỌC PHÚ