Trời vừa tảng sáng, tiếng bánh xe đẩy trên nền bê-tông dưới sân chung cư rin rít, có thể hình dung người đẩy xe di chuyển rất chậm, vì sợ nồi nước nhưn sánh ra ngoài. Đó là công việc mỗi ngày của gia đình người bán mì Quảng ở đầu đường dẫn vào khu chung cư C2 phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà).
Các lực lượng chức năng cung ứng thực phẩm cho người dân khu vực cách ly y tế tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. |
Chừng 10 giờ sáng, cũng tiếng xe đẩy ấy quay về nhà, âm thanh rộn rã vì nồi nước đã hết, những cái tô dù được xếp cẩn thận để mang về nhà rửa vẫn phát ra tiếng khi va vào nhau.
Song, những thanh âm quen thuộc từng đánh thức nhiều người dậy sớm ấy đã biến mất giữa khu dân cư như chưa từng tồn tại. Phố vắng tanh. Chúng tôi đang trải qua 2 tuần “khu dân cư cách ly khu dân cư” được thực hiện một cách triệt để, khép mình với bên ngoài để cắt đứt chuỗi lây nhiễm Covid-19.
Trong vùng phong tỏa cứng
Đêm 30-7, quận Sơn Trà thực hiện vùng cách ly y tế đối với phường Nại Hiên Đông. Bốn ngày sau vùng cách ly y tế được thiết lập diện rộng với 4 phường: Thọ Quang, An Hải Bắc, Mân Thái và một phần Phước Mỹ. Với điểm nóng là cảng cá Thọ Quang, trước tình hình Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đây là một quyết định kịp thời của lãnh đạo thành phố nhằm không để ca nhiễm lây lan ra cộng đồng. Khi thiết lập vùng cách ly y tế, chính quyền yêu cầu người dân phải chấp hành các quy định phòng, chống dịch một cách nghiêm túc nhất, chặt chẽ nhất, “nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố”.
Khi các chợ, siêu thị trong khu vực đồng loạt đóng cửa không nhận khách hàng, việc bảo đảm an sinh cho người dân, nhất là nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền.
Ngay ngày thứ 2 trong khu phong tỏa, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Tổ trưởng tổ dân phố 38 (phường Nại Hiên Đông) gõ cửa từng nhà, đưa danh sách một số mặt hàng thực phẩm để các gia đình đăng ký. Rau củ, thịt cá có đủ, giá một số món còn rẻ hơn chợ. Những ngày này, các chị em ở gần nhà, thậm chí cách tầng nhắn tin: “Chị ơi em có rau muống, dưa leo”, “em có cá ngừ, xíu em đưa sang cho chị”... Internet đã giúp mọi người kết nối nhanh chóng. Giãn cách nhưng lòng chẳng cách ngăn.
Đúng ngày cuối tháng, chị tổ phó liên hệ với 3 nơi làm mì Quảng, bánh mì và đậu khuôn, chúng tôi được đổi món. Một nhà hảo tâm ủng hộ 5 triệu đồng, cả tổ thống nhất mua dưa hấu và cam cho nhà có trẻ con. Lần đầu tiên, hơn 100 hộ dân chúng tôi trong hai ngày liền ăn những món giống nhau. Ai cũng cười sau lớp khẩu trang che kín khi gặp nhau ở nơi nhận thực phẩm. Hơn 500 ngày đất nước có dịch, thành phố biển hai lần thực hiện giãn cách, đã có nhiều nơi cách ly “cứng” khi có ca F0 trong khu phố, chúng tôi động viên nhau những ngày này sẽ qua nhanh thôi. Cậu em ở tổ 90 cùng phường nhắn: “Chị em xúm tay lo thực phẩm cho cả chung cư gần 300 người. Không ai thiếu cái gì. Nhà nhiều chia sẻ nhà ít hơn. Không ai bị bỏ lại phía sau cả”.
Nhu cầu cơ bản được đáp ứng là điều kiện để bà con đồng lòng không ra khỏi nhà. Đây chính là lúc hệ thống chính trị ở gần dân nhất thể hiện trách nhiệm, vai trò trước nhân dân. Ở tổ 81, bạn tôi nhắn: “Tổ trưởng tự rào chắn hai đầu đường đi vào tổ, giữ yên cho từng ngôi nhà vì xung quanh đều có ca nhiễm”. Thêm vào đó, suốt 10 ngày qua, ngày nào cũng phát hiện ca bệnh trong khu phong tỏa. Những thanh niên, cán bộ trong khu dân cư xung phong ra trực chốt, từ 6 giờ sáng đến 21 giờ. Chúng tôi gọi sự phong tỏa trong phong tỏa này là “thiết lập vùng xanh” cho chính mình.
Anh Nguyễn Thanh Trí, nhân viên UBND phường Nại Hiên Đông, tổ trưởng tổ phòng, chống dịch khu vực Vũng Thùng nhiều ngày nay chỉ ghé về nhà để kịp thay bộ áo quần rồi đi tiếp. Hai đứa con anh giao hẳn cho vợ. Anh Trí chia sẻ: Khu vực tổ mình phụ trách có 3 điểm phong tỏa cứng suốt một tháng qua (hiện đã có 1 điểm dỡ phong tỏa), mỗi điểm có 2 chốt trực từ 6 giờ sáng đến 23 giờ, sau giờ đó bàn giao ca trực cho Công an, dân quân. Lúc nào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng gửi danh sách có ca F0 ở khu vực là cùng kỹ thuật viên y tế xuống lấy mẫu, bất kể lúc đó 2-3 giờ sáng. Rồi ngày nào cũng khảo sát xem bà con có thiếu lương thực không thì hỗ trợ. “Chỉ mong dịch qua mau để cuộc sống trở lại bình thường. Chứ hôm nào mình ghé qua nhà là con hỏi: hôm nay ba ở nhà không”, anh Trí nói.
Cứ khoảng 3-4 ngày, chúng tôi xếp hàng đi xét nghiệm, kể cả những đứa trẻ con. Ai cũng hiểu ở trong khu phong tỏa là vậy. Đây là một giải pháp tìm ca, truy vết, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.
Cùng với kế hoạch “đi chợ” giúp dân, đối với những trường hợp khó khăn, phường cũng đã có kế hoạch để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Những chuyến hàng cứu trợ từ các nhà hảo tâm, từ sự phân bổ của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố liên tục được chuyển về. Đặc biệt là 7 chuyến xe chở hơn 30 tấn lương thực, thực phẩm của chính quyền và người dân huyện Đại Lộc, Quảng Nam chuyển về 5 phường cách ly của quận Sơn Trà sau vài ngày phát động, khiến những người ở tâm dịch như chúng tôi rưng rưng.
Chị Dương Thị Hà, nhân viên Bảo tàng Đà Nẵng viết trên trang cá nhân: “Thấy dòng chữ trên băng rôn treo ở chiếc xe tải: “Quảng Nam đồng lòng chung sức cùng nhân dân thành phố Đà Nẵng phòng, chống dịch Covid-19”, mình hình dung đằng sau những chuyến xe ấy là những người nông dân chân chất, mộc mạc hái từng mớ rau cắt từng quả bí, quả bầu để gửi ra cho bà con Đà Nẵng. Mình hiểu được niềm vui, sự hồn hậu và sẵn lòng của họ, đúng kiểu “có chi cho nấy”. Rồi những bó rau, cân gạo ấy cũng phải qua một hành trình, qua bao chốt, bao lần sắp xếp rồi nhờ các cô chú, anh chị tình nguyện viên để đến được với người dân trong các khu phong tỏa. Đường dài, vất vả, nhưng tấm lòng thì thật trọn vẹn, thật đáng trân quý”.
Người dân trong khu phong tỏa cứng được xét nghiệm thường xuyên để sàng lọc phát hiện người mắc bệnh. Ảnh: HOÀNG NHUNG |
Sống chậm mỗi ngày
Ở trong khu phong tỏa cứng, những người làm báo chúng tôi những ngày đầu vẫn được làm nhiệm vụ, được đi, quan sát, thu vào ống kính, thu vào tâm can những hình ảnh, những con người, những câu chuyện mà không dễ gì có dịp được trải nghiệm. Chị Nguyễn Diệu Quỳnh, phóng viên VTV8 cười lạc quan: “Sống ở đây, không phải lo âu, căng thẳng đâu, cũng có vui, có ấm lòng và có hy vọng nữa...”. Quỳnh bảo, bắp cải, su su, bầu bí là của bà con ngoài đó gửi vào cho trong này đó.
Mấy từ “ngoài đó” với “trong này” nghe thấy thương chi lạ.
Hôm trước, trò chuyện cùng chị Thu Sang ở khu Thành Vinh 6 (phường Thọ Quang), vợ một người lính Hải quân thuộc Lữ đoàn công binh 83 đang công tác tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), chị bảo mình đã chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho con, còn mình thì ăn tạm tạm gì cũng được, vì xung quanh ai cũng khó khăn. Tôi càng thấm hơn ý chí và nghị lực của người mẹ hai con, xa chồng biền biệt. Thượng tá Mai Xuân Hưởng, một người lính Hải quân thuộc Vùng 3 Hải quân cũng hơn 3 tháng rồi chưa về nhà, dù nhà cách đơn vị chưa đầy 3 cây số, nhắn với tôi: “Anh thấy chính quyền lo cho dân tốt lắm. Bộ đội vừa trực sẵn sàng chiến đấu vừa sát cánh cùng chính quyền và nhân dân đẩy lùi Covid-19, lâu rồi chưa về nhà nhưng rất yên tâm”.
Chị Cúc, một hộ dân làm bún ở chợ Nại Hiên Đông gửi 2 tấn bún tặng các khu dân cư trong phường. Hôm cầm cái hộp xuống trước chung cư lấy bún, tôi ứa nước mắt, vì có những ngày những điều tưởng như giản đơn lại trở nên đặc biệt đến vậy. Nghĩ và thương bà con ở một vài nơi còn khó khăn do thực phẩm chưa đến kịp, thương những người vì mưu sinh mà “mắc kẹt” trong dịch đang chìa tay ra cần giúp đỡ ở một số nơi trong thành phố.
Những ngày này, các chị, các em suốt ngày hỏi có thiếu chi không, nhớ cẩn thận nghe. Cẩn thận là ở yên trong nhà, mọi việc đã có phường, có thành phố sắp xếp. Cách ly, thành phố hỗ trợ hơn 127.000 người, mỗi người 40.000 đồng/ngày. Chính quyền đã đặt vấn đề an sinh lên hàng đầu trong thời điểm này. Số tiền ấy giúp người dân trang trải và tạo tâm lý an tâm khi ở nhà. Nhiều người từ chối nhận tiền vì thấy mình đã có. Nhóm phóng viên làm báo chúng tôi quyết định góp số tiền ấy để mua thực phẩm hỗ trợ những gia đình khó khăn. Dù biết không nhiều, nhưng đó cũng là một cách cùng chính quyền địa phương chống dịch. Mà chính sự góp sức của mỗi người sẽ nhân lên sức mạnh đồng lòng, vượt qua khó khăn và thử thách hiện nay.
Những dòng chảy thiện nguyện từ chính người dân, từ khắp nơi đưa hàng vào khu phong tỏa; những cán bộ, công chức trong khu phong tỏa sẵn sàng tham gia hỗ trợ các khu dân cư chống dịch, đang kết nối người với người, nhà với nhà, trong yêu thương và đùm bọc, mong dịch bệnh qua mau.
Dẫu biết rằng chặng đường phía trước trong cuộc chiến với Covid-19 còn rất nhiều gian nan. Song với sự kiên quyết trong các giải pháp phòng, chống dịch, cùng với sự đồng lòng của toàn dân và sự quan tâm, chăm lo hỗ trợ người yếu thế của chính quyền, tin rằng, những ngày phong tỏa này sớm kết thúc, cuộc sống sẽ sớm trở lại nhịp bình thường.
HOÀNG NHUNG