Tối 19-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ tưởng các ngành, cơ quan liên quan. Dự tại đầu cầu các địa phương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng dự họp tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu rõ tình hình và công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương kể trên.
Trong đó tập trung phân tích nguyên nhân sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhưng số người lây nhiễm trong cộng đồng và số ca tử vong do Covid-19 tại các địa phương này vẫn chưa giảm.
Trên cơ sở đó, bàn cụ thể, chi tiết và có biện pháp mạnh mẽ khắc phục bằng được hạn chế, nhanh chóng khống chế dịch bệnh. Đặc biệt, các địa phương có đề xuất, kiến nghị, yêu cầu gì để Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, đáp ứng trong điều kiện và quy định cho phép.
Hội nghị đánh giá, hiện nay dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Về nguyên nhân số ca nhiễm mới vẫn cao một phần do biến thể Delta nguy hiểm, lây nhiễm nhanh và mạnh, trong khi mật độ dân cư tại các địa phương nói trên cao, dễ bị lây nhiễm và một phần do chưa thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; chưa phát hiện sớm nguồn lây trong cộng đồng nên nguồn bệnh vẫn ngoài cộng đồng làm lây lan virus.
Đối với nguyên nhân các ca tử vong cao, một phần do số ca mắc Covid-19 cao nên số ca tử vong cũng cao, tương đương với tỷ lệ ca tử vong/ca mắc trên thế giới; trong khi hệ thống y tế năng lực có hạn nên có một số thời điểm quá tải cục bộ; việc điều chuyển bệnh nhân chưa tốt; có bệnh nhân không tiếp cận được dịch vụ y tế kịp thời...
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, với phương châm “xã, phường là pháo đài”, “khu phố là chiến hào”; tiếp tục thành lập thêm các trạm y tế lưu động với đầy đủ nhân lực, thiết bị, vật tư y tế thiết yếu, cơ bản ban đầu; mở rộng, tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế hiện có; thành lập thêm các cơ sở y tế dã chiến; thành lập các tổ công tác, tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu tới từng ngõ, xóm, thậm chí tới tận gia đình cho người dân trong vùng giãn cách…
Các địa phương cũng đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tăng cường lực lượng, nhất là lực lượng y tế cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận; mở rộng đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-NĐ của Chính phủ; cung cấp thêm trang thiết bị y tế và vaccine để tiêm cho người dân vùng nguy cơ cao…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các ý kiến, nhận định, phân tích, đánh giá, đề xuất của các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đồng thời giao trách nhiệm từng lĩnh vực, công việc cụ thể cho các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, các địa phương tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội ít nhất trong 2 tuần tới, với mức độ phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế. Các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội phải xác định phạm vi kiểm soát là từ xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp, với phương châm “mỗi xã, phường, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ”.
Các khu vực giãn cách xã hội tổ chức đồng bộ từ y tế, hậu cần, an sinh xã hội, an ninh trật tự ngay tại cơ sở, với tinh thần không được để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng mọi yêu cầu y tế cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Trên cơ sở đó lập các tổ công tác, trạm cung ứng, y tế lưu động. Tổ chức khám, chữa bệnh ngay từ đầu, ngay tại cơ sở để phân loại, đáp ứng phù hợp; tổ chức hậu cần, cấp phát lương thực, thực phẩm ngay tại phường, xã, ngõ, xóm, tổ dân phố, thậm chí tới từng hộ dân; tổ chức vận động nhân dân “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt là đối với những người dân, lao động không tự ý ra khỏi vùng dịch về quê, vì sức khỏe chính mình và vì cộng đồng...
Trong công tác xét nghiệm, bóc tách F0, điều trị bệnh nhân Covid-19, Thủ tướng yêu cầu: Thần tốc xét nghiệm để xác định nguồn lây, tách ra khỏi cộng đồng; phân loại bệnh nhân để áp dụng và phân luồng điều trị tại gia đình hoặc tập trung; tăng cường nhân lực, phương tiện cho các cơ sở y tế để cứu chữa bệnh nhân Covid-19 giảm tối đa ca tử vong.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương xác định các điểm xanh, vùng xanh để bảo vệ chặt và mở rộng dần; xem xét khả năng di dời, giãn dân khỏi vùng dịch, chống lây nhiễm; tổ chức tập huấn cho đội ngũ các chuyên khoa khác thêm chuyên môn hồi sức cấp cứu, chữa trị bệnh Covid-19; nghiên cứu phối hợp phương pháp điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 bằng cả y học hiện đại và y học cổ truyền; tổ chức hợp tác công-tư để cùng phòng, chống dịch; xem xét mở rộng đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân khu vực phải giãn cách xã hội; tuyên truyền kịp thời, đầy đủ và phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch, đồng thời đấu tranh thông tin xấu độc…
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi cả nước đồng lòng, chung sức cùng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để chống dịch. Ngoài các lực lượng công an, quân đội, y tế, cả hệ thống chính trị và các lực lượng cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên…tại chỗ và chi viện từ Trung ương, các tỉnh, thành phố cùng vào cuộc tích cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để phối hợp thực hiện. Trong đó công tác chỉ đạo, điều phối các nguồn lực chi viện, hỗ trợ và nguồn lực tại chỗ phải được tập trung, thống nhất; các lực lượng phối hợp hoạt động trơn tru, hệ thống vận hành hiệu quả; trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh thì tiếp tục bàn, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, vì mục tiêu cao nhất là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Theo TTXVN