ĐNO - Do ảnh hưởng của bão số 5 (Côn Sơn), trên địa bàn thành phố đã có mưa to và gió mạnh. Các địa phương đang khẩn trương triển khai và hoàn thành nhiều công việc chuẩn bị ứng phó với bão Côn Sơn.
Ngư dân quận Sơn Trà khẩn trương cẩu thuyền lên tuyến đường Hoàng Sa trú bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Sơn Trà, dựa trên diễn biến của bão và những chỉ đạo của cấp trên, quận đã truyền đạt các nội dung chỉ đạo ứng phó với bão Côn Sơn thông qua hệ thống tin nhắn mạng Zalo đến khu dân cư, tổ dân phố, đơn vị cơ sở để triển khai thực hiện.
Theo đó, đã thông báo, hướng dẫn tàu cá khẩn trương tìm nơi tránh, trú bão an toàn. Đối với những tàu, thuyền neo đậu ở khu vực bãi Ngang (phường Thọ Quang), những tàu cá có chiều dài hơn 12m thì di chuyển vào khu vực âu thuyền Thọ Quang để trú bão, 480 chiếc ghe nhỏ và thúng máy đã được huy động để cẩu lên bờ bảo đảm an toàn.
Người dân trên địa bàn quận đã chủ động chằng chống nhà cửa. Các phường đã chủ động rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán nhân dân. Các phường cũng đã thành lập các tổ cơ động, tổ phản ứng nhanh phối hợp với lực lượng công an, quân đội để giúp các hộ neo đơn, hộ thuộc diện F1, đã đi cách ly y tế tập trung. Đồng thời, cho phép mở các cửa hàng vật tư để người dân mua dây thép, bao tải về phục vụ chằng chống nhà cửa.
Còn tại huyện Hòa Vang, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Hà Nam thông tin, để ứng phó với bão, huyện đã tập trung chỉ đạo công tác thu hoạch 100 ha lúa chín, dự kiến hoàn thành thu hoạch trong ngày 11-9; còn lại 100 ha lúa chưa chín do gieo sạ muộn sẽ chờ thu hoạch sau bão.
Các loại rau, màu và cây trồng ngắn ngày cũng đã cơ bản hoàn thành thu hoạch trong những ngày qua. Các xã thông báo cho các hộ trồng trọt tháo dỡ hoặc gia cố hệ thống nhà màng, nhà lưới để tránh hư hỏng, thiệt hại do gió bão.
Các loại thủy sản nuôi trồng ở lồng bè cũng đã thu hoạch xong. Riêng đối với diện tích 30 ha nuôi trồng thủy sản trên cạn ở xã Hòa Khương, Hòa Sơn, Hòa Phong, địa phương đã thông báo cho các hộ dân có biện pháp gia cố bờ, quây lưới vây để chống trôi. Các địa phương trên địa bàn huyện cũng đã tạo điều kiện cho nhân dân được đi mua các loại vật liệu, vật tư phục vụ gia cố, chằng chống nhà cửa.
Huyện cũng đã lên phương án sơ tán 2.968 hộ dân (9.928 nhân khẩu), chủ yếu là sơ tán tại chỗ tại các nhà dân lân cận và tùy thuộc vào diễn biến của bão để quyết định sơ tán. Riêng 146 hộ (533 nhân khẩu) ở các xã Hòa Sơn, Hòa Bắc, Hòa Liên và Hòa Phú có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, địa phương sẽ triển khai sơ tán khi trời mưa kéo dài để bảo đảm an toàn.
Huyện cũng chỉ đạo các địa phương triển khai chốt chặn tại một số khu vực để ngăn chặn tình trạng người dân đi bắt cá, ếch khi mưa nhiều, nước lớn dễ dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Đặc biệt là lực lượng chức năng của xã Hòa Bắc lên rừng để đưa khoảng 90 người làm rừng (người ở địa phương khác) về trú ẩn ở nơi kiên cố, không cho ở các lán trại tạm trong rừng, đề phòng sự cố gió bão, mưa lớn, lũ quét gây ảnh hưởng.
Theo UBND quận Cẩm Lệ, quận đã thành lập 2 tổ xung kích (15 người/tổ) thường xuyên đi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lụt và hỗ trợ nhân dân ứng phó. Mỗi phường trên địa bàn quận cũng thành lập từ 8-10 tổ/phường để giúp dân chằng chống nhà cửa, đặc biệt là tập trung giúp đỡ các hộ thuộc đối tượng F1, F0 đã cách ly y tế.
Quận cũng đã chuẩn bị xong các địa điểm sơ tán người dân để trú, tránh bão an toàn. Hiện quận có 15 khu phong tỏa nhưng đều là các khu dân cư có nhà cửa kiên cố nên không phải sơ tán dân ở các khu vực này. Quận cũng đã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức sơ tán dân bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19.
Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy cho rằng, quận cũng như các phường đã thành lập các tổ xung kích phòng, chống bão và đi về các khu dân cư để giúp dân chằng chống nhà cửa cũng như hỗ trợ sơ tán, di dời dân.
Bên cạnh 10 tàu cá đã neo đậu tại khu vực âu thuyền Thọ Quang an toàn, hơn 300 ghe, thuyền thúng nhỏ đánh cá của ngư dân cũng đã được đưa lên bờ trú bão, trong đó có 50 chiếc được các lực lượng chức năng hỗ trợ kéo lên bờ.
Phường Hòa Hiệp Bắc cũng đã sẵn sàng thực hiện phương án phòng chống sạt lở núi và sơ tán người dân ở vùng thấp ở hạ lưu sông Cu Đê trong trường hợp mưa lớn, xuất hiện lũ.
Quận Ngũ Hành Sơn cũng đã lên phương án sơ tán 245 hộ ở khu nhà liền kề thu nhập thấp Tân Trà, Đông Trà và khu vực Đồng Nò. Theo đó, sẽ sơ tán đến 4 trường học, tăng 2 trường so với năm ngoái để giãn cách các hộ dân nhằm bảo đảm công tác phòng, chống Covid-19.
* Để giảm thiệt hại khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền, Đồn Biên phòng Hải Vân phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương trên địa bàn quận Liên Chiểu chủ động triển khai nhiều biện pháp giúp nhân dân phòng, chống bão số 5.
Trung tá Hoàng Hữu Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hải Vân cho biết, nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai cũng như bảo đảm phòng, chống Covid -19, đơn vị triển khai lực lượng tham gia hỗ trợ ngư dân quận Liên Chiểu đưa các phương tiện đánh bắt vào bờ để tránh bão; phối hợp thông tin liên lạc yêu cầu các tàu thuyền đang trong vùng nguy hiểm trở về hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống trước khi bão đổ bộ, cập nhật tình hình diễn biến của bão để thông báo cho nhân dân chủ động phòng tránh. Đồng thời chuẩn bị phương tiện, lực lượng ứng phó với các tình huống trong bão và sẵn sàng thực hiện di dời dân, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu. (TRỌNG HÙNG)
Nông dân huyện Hòa Vang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa chín còn lại trước khi bão cập bờ. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Lực lượng chức năng chằng, buộc các hệ thống cửa kính ở khu cách ly y tế Trường tiểu học số 1 Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Ảnh: PV |
Lực lượng xung kích của quận Liên Chiểu hỗ trợ ngư dân đưa các ghe, thuyền thúng lên bờ trú bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đến cuối giờ chiều 10-9, các tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn quận Liên Chiểu đã được di chuyển đến nơi tránh bão an toàn. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Người dân phường Hòa Hiệp Bắc chằng chống lại mái tôn trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
HOÀNG HIỆP