Hiện nay, bên cạnh việc ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch bệnh, thành phố còn chủ động triển khai công tác ứng phó với thiên tai, đặc biệt là các tình huống mưa, bão lớn khi mùa mưa lũ năm 2021 đang đến gần.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân kéo thuyền thúng giúp ngư dân ở quận Liên Chiểu trước bão số 6. (Ảnh chụp chiều ngày 23-9). Ảnh: HỒNG QUANG |
Triển khai các kịch bản
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN & PTDS) thành phố, vào đầu tháng 8-2021, đơn vị đã hoàn thành xây dựng và đề xuất UBND thành phố ban hành phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố trong năm 2021. Với việc có phương án này, khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo các đơn vị, địa phương có thể triển khai, chỉ đạo ứng phó kịp thời.
Phương án này được lập chi tiết các biện pháp triển khai công tác truyền thông, tổ chức ứng phó và ứng cứu, sơ tán nhân dân, khắc phục hậu quả đối với 5 loại hình thiên tai ứng với các kịch bản bão và bão mạnh, bão rất mạnh và siêu bão; lũ trên sông Cẩm Lệ ở ngang mức BĐ3, cao hơn BĐ3 khoảng 1m, cao hơn 1,5m và cao hơn 2m; lũ quét ở lưu vực sông Cu Đê gồm các xã Hòa Bắc, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và lũ quét trên sông Túy Loan gồm các xã Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Phú, Hòa Nhơn và Hòa Phong (huyện Hòa Vang); vỡ các hồ chứa nước; sóng thần do động đất ở Philippines.
Cũng theo phương án nói trên, khi tổ chức phòng, chống và khắc phục hậu quả các loại hình thiên tai trong thời điểm xảy ra Covid-19, các địa phương linh hoạt triển khai theo hướng phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực cách ly y tế và các địa điểm sơ tán dân. Đặc biệt là thực hiện phương châm “4 tại chỗ” kết hợp thông điệp “5K” và tiêm vắc-xin Covid-19. Đồng thời, triển khai sơ tán nhân dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung; huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân; tăng cường kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ứng phó thiên tai...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS thành phố Nguyễn Phú Ban thông tin thêm, vào giữa tháng 8-2021, khi tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố đã đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương sẵn sàng tổ chức triển khai thực hiện phương án PCTT, TKCN trong điều kiện dịch bệnh. Tiếp đó, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1100/TTg-NN ngày 23-8-2021 về chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp và cuốn sổ tay hướng dẫn công tác PCTT trong bối cảnh dịch bệnh do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT ban hành vào ngày 23-8-2021, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan rà soát phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai ứng với các kịch bản thiên tai trong bối cảnh Covid-19. Trong đó, các quận, huyện cập nhật, bổ sung thêm một số nội dung để sẵn sàng triển khai công tác ứng phó, không bị động và bất ngờ khi thiên tai xảy ra nhất là ở các địa bàn có nguy cơ, mức độ lây nhiễm rất cao, cao, nguy cơ... và khu vực phong tỏa, cách ly y tế; phối hợp với cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ở các địa điểm sơ tán, trú tránh thiên tai nếu cần thiết để tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Lộc thu gom rác tấp vào bờ biển sau bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Sẵn sàng ứng phó
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS thành phố Hoàng Thanh Hòa, thời gian qua, thành phố đã bố trí 3 tỷ đồng cho huyện Hòa Vang để tu sửa các nhà sinh hoạt cộng đồng sử dụng làm nơi sơ tán nhân dân khi có thiên tai xảy ra; hiện tiếp tục bố trí 4,6 tỷ đồng để sửa chữa các nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu.
Các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn thành phố và tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan sửa chữa, khắc phục các hư hỏng nhằm bảo đảm an toàn trước mùa mưa bão năm nay. Đồng thời, đang khẩn trương xây dựng, sửa chữa một số tuyến kè chống sạt lở bờ sông. UBND quận Cẩm Lệ và UBND huyện Hòa Vang đã xây dựng phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét trong khi chờ phê duyệt dự án di dời dân cư ở vùng có nguy cơ sạt lở.
Sở Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai bảo đảm an toàn cho người, nhà ở, công trình xây dựng trước mùa mưa bão; cắt tỉa cành, nhánh cây xanh trên các tuyến đường; phương án chống ngập úng đô thị, các khu dân cư... “Tính đến thời điểm này, các sở, ban, ngành và địa phương đã, đang triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo cũng như công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai bảo đảm tiến độ đề ra”, ông Hoàng Thanh Hòa thông tin.
Mùa mưa bão ở miền Trung thường bắt đầu từ tháng 9 kéo dài đến giữa tháng 12 hằng năm. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ nay cho đến hết năm 2021, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 7-9 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Các đợt mưa lớn xảy ra tập trung trong các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12-2021 ở các tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Từ tháng 9 đến tháng 12-2021, trên các sông ở Trung Bộ xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức từ báo động (BĐ) 2 đến BĐ3 và cao hơn mức BĐ3. Trên các sông, suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông ở Trung Bộ có khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất. |
HOÀNG HIỆP