Kiến tạo đô thị dịch vụ ven biển, ven sông

.

ĐNO - Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 359/QĐ-CP ngày 15-3-2021 xác định phát triển đô thị Đà Nẵng theo hướng ven biển, ven sông, hình thành bản sắc riêng.

Vệt công trình ven biển phía đông thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Vệt công trình ven biển phía đông thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ ven sông, ven biển
Với hơn 30 thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới có mặt trên tuyến đường Trường Sa - Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) đã tạo nên hệ sinh thái resort 4-5 sao đẳng cấp chưa từng có tại thành phố biển đáng sống bậc nhất Việt Nam. Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa là tuyến giao thông huyết mạch trong phát triển kinh tế, thương mại và du lịch của thành phố.

Đây là cung đường ven biển kết nối giữa Đà Nẵng với thành phố di sản thế giới Hội An (Quảng Nam). Giá trị du lịch của tuyến đường Trường Sa gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng phát triển kinh tế, trong đó, kinh tế đêm đưa vùng ven biển phía đông thành phố thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và khu vực.

Việc triển khai Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng” với các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm đã và đang được đẩy mạnh nhằm thu hút đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng nguồn thu cho thành phố. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan địa phương phối hợp triển khai xây dựng, hình thành nhiều không gian, mô hình giải trí mới với trải nghiệm bãi biển "không ngủ" tại Đà Nẵng. Kế hoạch triển khai bao gồm nhiều hoạt động mới tại tuyến đường biển Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa; bãi biển Mỹ An…; trong đó có khu cắm trại ban đêm, chiếu phim trên biển.

Cùng với đó là kế hoạch tổ chức Phố đêm 24/7 tại quận Ngũ Hành Sơn, đầu tư bãi tắm tiêu chuẩn quốc tế kết hợp dịch vụ giải trí 24/7 tại các bãi biển đẹp trên đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa… có loại hình: bar, DJ, sân khấu dân vũ, giải khát, ẩm thực kết hợp nhạc disco, flamenco, âm nhạc đường phố, trình diễn ánh sáng nghệ thuật… Hội tụ nhiều lợi thế về vị trí, giao thông kết nối, cảnh quan thiên nhiên, cùng với các chính sách phát triển của thành phố, sắp tới đây, các khu nghỉ dưỡng toạ lạc ở những cung đường ven biển như Trường Sa - Võ Nguyên Giáp sẽ được hưởng lợi lớn, khi du khách có thêm nhiều hoạt động vui chơi giải trí, giúp gia tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú, từ đó tăng doanh thu cho ngành du lịch thành phố.

Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, khu vực quận Sơn Trà được xác định là địa bàn quan trọng để phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm ven theo bờ đông và khu vực vịnh Đà Nẵng. Trên thực tế, Sơn Trà đang là quận có vai trò trung tâm về dịch vụ của Đà Nẵng, phát triển mạnh về dịch vụ du lịch có chất lượng cao. Đô thị phía đông này sẽ xuất hiện nhiều dự án trọng điểm như: tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp, công viên chuyên đề phía nam bán đảo Sơn Trà, dự án mở rộng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch.

Đặc biệt, trong Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ xây dựng công trình hầm qua sông kết nối từ khu vực tuyến đường Đống Đa - Trần Phú sang Vân Đồn - Trần Hưng Đạo... Dự án này được kỳ vọng giúp cho việc nối liền hai bờ đông - tây sông Hàn thuận tiện hơn. Từ đó, mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch không chỉ riêng Đà Nẵng mà cho cả các địa phương lân cận như phố cổ Hội An.

Quản lý quy hoạch để kiến tạo bản sắc đô thị

Nhân sự kiện UBND thành phố công bố Quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3-2021, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn có đề xuất việc quy hoạch đô thị ven sông-ven biển Đà Nẵng bám sát theo các trụ cột căn bản. Đó là, quy hoạch cần tạo kết nối công cộng  tiện lợi để mở rộng kết nối công cộng ra bờ biển, bờ sông và giao thông thủy, tại các khu đất công và đất tư trong thành phố, để phục vụ cho người dân và khách du lịch; tạo lập không gian ven bờ hấp dẫn nhằm tạo ra các không gian sinh động ven biển và ven sông hấp dẫn, liên kết với không gian trung tâm của các cộng đồng dân cư lân cận.

Thiết kế mặt cắt quy hoạch và quản lý đầu tư ven tuyến sông Hàn. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Thiết kế mặt cắt quy hoạch và quản lý đầu tư ven tuyến sông Hàn. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Quy hoạch hướng đến hiệu quả kinh tế cao để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế đa dạng khu vực ven biển và ven sông. Đặc biệt chú trọng về chất lượng môi trường sinh hoạt ven bờ nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước và không gian nước, thông qua các biện pháp bảo vệ môi trường sống tự nhiên, tạo điều kiện cho các hoạt động vui chơi giải trí công cộng và tăng chất lượng sống cho các cộng đồng khu vực ven biển, ven sông, khu vực lân cận.

Việc quy hoạch chú trọng bảo vệ môi trường tự nhiên, khôi phục các khu vực sinh thái ven biển và ven sông bị xuống cấp; bảo vệ các khu vực túi nước tự nhiên và môi trường sống ven bờ. Thành phố quy hoạch phát triển giao thông thủy để nâng cao hiệu quả phục vụ công cộng của các tuyến đường thủy bao quanh đô thị biểnồn. Đồng thời có kế hoạch ứng phó nguy cơ biến đổi khí hậu nhằm xác định nguy cơ và đưa ra các giải pháp ứng phó nhằm tăng khả năng phục hồi của thành phố trước nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thế kỷ XXI sẽ là kỷ nguyên của đô thị và kết nối. Đô thị Đà Nẵng cũng đang được kiến tạo bản sắc riêng nhờ vào đặc điểm địa lý độc đáo của mình thì sông Hàn và các không gian hai bên bờ là những yếu tố mang đến cơ hội có một không hai để tạo nên một thành phố sáng tạo. Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố cho biết, việc triển khai quy hoạch chi tiết đang ưu tiên lập quy hoạch phát triển một chuỗi liền mạch các tuyến kè ven sông tạo nên sức hấp dẫn theo hướng đa chức năng với nhiều không gian khác nhau để thiên nhiên lan tỏa vào không gian đô thị.

Những tuyến không gian ven bờ này tạo nên một bản sắc riêng biệt cho đô thị và mở ra vô vàn không gian mới. Những dự án phát triển các trục không gian đô thị hướng ra sông Hàn là một dự án di sản trong tương lai. Đây là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất cho đô thị Đà Nẵng. Ở đó, quy hoạch đô thị không ngừng tạo ra những không gian mới cho phát triển đô thị, kiến tạo vùng cảnh quan độc đáo và mang tính biểu tượng cao.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.