Những nỗ lực thầm lặng...

.

Hàng ngàn cán bộ, hội viên phụ nữ và nữ tình nguyện viên thành phố âm thầm có mặt khắp các điểm nóng, với tinh thần trách nhiệm cao để đồng hành cùng chính quyền và nhân dân trong công tác chống dịch.

Các thành viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Khê (quận Thanh Khê) tham gia hỗ trợ công tác xét nghiệm Covid-19 tại khu dân cư. Ảnh: T.V
Các thành viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Khê (quận Thanh Khê) tham gia hỗ trợ công tác xét nghiệm Covid-19 tại khu dân cư. Ảnh: T.V

Không ngại gian khó, nguy hiểm

Trong lúc đi tuyên truyền cho người dân trong khu vực về việc thực hiện giãn cách toàn thành phố, do trời tối, lại đi qua đoạn đường mấp mô, chị Huỳnh Thị Mười, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Nại Hưng 3, phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) bị ngã xe. Kết quả chụp X-quang, chị bị rạn xương chân và tổn thương phần mềm ở cổ tay, bàn tay. Thế nhưng, thay vì ở nhà nghỉ ngơi theo lời khuyên của bác sĩ, chị vẫn tiếp tục làm việc. Suốt thời gian “ai ở đâu thì ở đó”, mọi người trong khu dân cư Nại Hưng 3 vẫn thấy chị miệt mài với công việc.

Ban ngày, chị bám chốt trực, tối về chị lại nhận phiếu đi chợ cho bà con trong khu dân cư, xong lại lục đục phân chia rau, củ, quả để kịp chuyển đến từng hộ dân. Cứ miệt mài như thế, có những ngày, 4 giờ sáng chị đã dậy đi chợ, tất bật đến 22 giờ mới xong việc. Vậy mà ai hỏi chị cũng nói vui: “Chừ ai cũng ở yên, mình phải động đậy tay chân gấp 3, 4 lần để bù vào chứ”.

Tương tự, trong một lần từ chốt trực trở về khu dân cư, không may chị Hồ Thị Tuyết Lan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ 4B, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) bị ngã xe, gãy 1 tay và 1 chân, rạn xương vùng mặt, mất trí nhớ tạm thời phải vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu và điều trị. Trong suốt thời gian qua, với vai trò là Chi hội trưởng, chị như con thoi, luôn có mặt khắp nơi từ chốt trực đến các bếp ăn tập thể ở phường, chị còn đi chợ giúp người dân.

Cả chồng và hai con đều công tác trong ngành y tế nên không có mặt ở nhà, vì vậy để có thời gian dành cho công việc phòng, chống dịch tại địa phương, mỗi ngày chị dậy từ 4 giờ sáng để thu vén chuyện gia đình, xong chạy xe đi làm việc. Cứ thế quần quật từ sáng sớm đến tận tối mịt mới về, vậy mà giờ đây khi nằm viện chị cứ giục bác sĩ: “Cho tôi về sớm nhé, ở nhà còn nhiều việc lắm”.

Đó chỉ là hai trường hợp tiêu biểu. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố, chỉ riêng trong đợt dịch tái bùng phát lần thứ 4 tại Đà Nẵng, có gần 100 trường hợp chị em bị tai nạn từ gãy tay, chân, trầy xước đến mệt lả người ngay tại nơi làm nhiệm vụ. Thế nhưng, không có trường hợp nào xin rút lui. Tất cả đều cố gắng, nỗ lực hết mình để chung tay với thành phố chiến thắng dịch bệnh.

Những con số biết nói

Có thể nói, vai trò cũng như phẩm chất cần cù, chịu thương, chịu khó, tinh thần trách nhiệm cao với công việc của phụ nữ được thể hiện rõ khi Covid-19 bùng phát. Theo các thành viên trong các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, ở chốt trực nào, ca trực nào có chị em tham gia thì công việc luôn bảo đảm. Không chỉ nghiêm túc bám chốt, các chị em còn là người hạ nhiệt những cái “đầu nóng” ở chốt trực, lo hậu cần cho mọi người có được những bữa ăn đủ chất, kịp thời để có sức làm việc hiệu quả.

Từ cuối tháng 4-2021 đến nay, có 1.562 cán bộ hội, hội viên phụ nữ tham gia các tổ xét nghiệm Covid-19, 1.168 chị em tham gia trực tại các chốt “vì vùng xanh an toàn” tại các khu dân cư, 757 người hỗ trợ nấu ăn phục vụ các chốt trực, 2.031 người tham gia phân phối vận chuyển những suất quà đến từng hộ dân, 1.428 người tham gia công tác giám sát việc phân phối quà và nắm bắt tình hình đời sống nhân dân trong các khu dân cư để kịp thời giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Chị em phụ nữ thực sự là “cánh tay nối dài” giúp chính quyền triển khai hiệu quả công tác chống dịch cũng như bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, trong đợt hoạt động cao điểm đi chợ giúp dân nhằm hỗ trợ thành phố thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, từ ngày 27-8 đến ngày 5-9, toàn thành phố có 27.785 cán bộ hội, hội viên và nữ tình nguyện viên phụ nữ tham gia, trung bình mỗi ngày có hơn 15.000 lượt chị em đi chợ giúp dân. Trong quãng thời gian này, họ nhận trên 190.000 đơn đi chợ từ các gia đình gửi đến với tổng số tiền lên hơn 55,2 tỷ đồng.

Là người hằng ngày gửi đơn đi chợ cho các nữ tình nguyện viên, bà Võ Thị Thu, tổ dân phố số 12, An Hải Bắc (quận Sơn Trà) bộc bạch: “Bình thường đi chợ cho gia đình mình đã thấy vất vả, vậy mà hằng ngày các chị phải đi chợ với những đơn hàng dài dằng dặc, với hàng trăm món hàng. Không những vậy, các chị còn phải chở về rồi phân phát đến từng hộ dân. Đây không chỉ là công việc vất vả mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vì số lượng lương thực, thực phẩm các chị chở quá nhiều. Người dân trong khu dân cư rất ngưỡng mộ và biết ơn các chị”.

Bận rộn tham gia trực chốt, đi chợ giúp dân... thế nhưng, tháng qua các cấp Hội LHPN thành phố vẫn không quên nhiệm vụ vận động các mạnh thường quân, đóng góp của các hội viên để tiếp sức cho lực lượng phòng, chống dịch. Đã có 4.000 suất quà, mỗi suất trị giá 300.000 đồng được tặng cho các cán bộ hội trực tiếp tham gia chống dịch và hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhân viên y tế, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở các chốt trực, các bệnh viện dã chiến. Ngoài ra, với tinh thần tương thân tương ái, Hội LHPN thành phố ủng hộ Hội LHPN Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương mỗi đơn vị 100 triệu đồng, ủng hộ chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch” với số tiền 50 triệu đồng.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết: “Suốt thời gian qua, các cấp hội đã phát huy vai trò, trách nhiệm cũng như phẩm chất của phụ nữ để chung tay với thành phố chống dịch. Rất cảm động khi trong đội ngũ hàng chục ngàn cán bộ hội, hội viên phụ nữ và những nữ tình nguyện viên có người rất trẻ, còn là sinh viên và có cả những người đã về hưu, lớn tuổi nhưng vẫn âm thầm hết mình với công việc, không ngại gian khó, nguy hiểm. Công tác phòng, chống dịch vẫn còn dài và phức tạp, nhưng chúng tôi có niềm tin chúng ta sẽ chiến thắng. Trong thành tích đó, chúng tôi tự hào về sự đóng góp của phụ nữ thành phố”.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.