Chiều 14-9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN) |
Chiều 14-9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Cần thiết sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Điều này đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó là quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.
Mục tiêu xây dựng dự án Luật là nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng; bảo đảm quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ, tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học, thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 81 điều) và bãi bỏ 1 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều, thuộc 7 nhóm chính sách. Với việc bổ sung nhiều nội dung, số lượng các điều dẫn chiếu lớn dẫn đến không thuận lợi cho việc phổ biến, tuyên truyền và áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Trên cơ sở đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc đổi tên dự án "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ" thành "Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi)."
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Luật. Các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban không nhất trí với đề xuất tên gọi của Luật là Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) vì với 7 chính sách được thể hiện trong dự thảo Luật, quá trình thẩm tra đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thẩm định đều thống nhất tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, lý do đề nghị sửa đổi tên gọi của Luật là "việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung lần thứ ba với nhiều nội dung và số lượng điều lớn sẽ dẫn đến những bất cập nhất định trong tuyên truyền, phổ biến, thi hành và áp dụng pháp luật" là không thuyết phục vì chất lượng thi hành, áp dụng pháp luật phụ thuộc vào công tác tổ chức thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN) |
Nếu thay đổi tên gọi thành Luật sửa đổi, cần phải nghiên cứu toàn bộ 222 điều của Luật hiện hành để có phương án sửa đổi, bổ sung toàn diện, đáp ứng tối đa yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về sở hữu trí tuệ ngoài 7 chính sách nêu trong Tờ trình. Đặc biệt, với quỹ thời gian còn lại của quá trình xây dựng Luật để thực thi các cam kết quốc tế sẽ tạo thách thức không nhỏ cho việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Xem xét bổ sung nội dung chuyển đổi số
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự chuẩn bị của ban soạn thảo, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật công phu, kỹ lưỡng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật cơ bản thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về sở hữu trí tuệ, phù hợp với Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về định hướng, giải pháp đối với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp với văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Mặt khác, dự án Luật đã đề cập trực tiếp, khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập về quyền tác giả và các quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, bảo hộ giống cây trồng thời gian qua, có những sửa đổi, bổ sung tương thích với cam kết và điều ước quốc tế.
Quang cảnh phiên họp cho kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN) |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát về các điều cấm trong các luật này. Đối với vấn đề sở hữu trí tuệ, trước đây luật pháp nước ta chủ yếu xử lý dân sự, hành chính nhưng nhiều cam kết quốc tế nêu thêm cả vấn đề xử lý hình sự. Do đó, việc nào phải cấm trong lĩnh vực này phải rà soát lại.
Bên cạnh đó, ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát để đảm bảo tương thích với điều ước quốc tế, cân nhắc kỹ việc thu hẹp đáng kể quyền khai thác tác phẩm được trả phí của người làm sáng tạo, rà soát để hoàn thiện quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí...
Chủ tịch Quốc hội lưu ý xem xét, bổ sung nội dung chuyển đổi số cần quy định trong luật trong đó có một số thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến, tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến, tra cứu cơ sở dữ liệu nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp trực tuyến được cập nhật nhanh nhất.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng cần xem xét một số nội dung liên quan nhằm bảo đảm chính sách dân tộc trong dự thảo Luật, bảo hộ, giữ gìn, phát triển các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định bảo hộ các sáng chế liên quan đến địa phương, bài thuốc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số, kinh nghiệm phòng, chữa bệnh.
Những bài thuốc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số được lưu truyền từ nhiều đời ở nhiều vùng, khi di chuyển từ các vùng, địa bàn khác nhau bà con mang theo, thậm chí còn tin tưởng hơn cả phương thuốc tây. Việc này thực ra đang khó trong thực hiện công nhận bảo hộ sáng chế, nhất là ở địa phương vì bà con căn cứ vào thực tiễn, qua lá cây, sản vật để phối chế làm các bài thuốc, do đó phải nghiên cứu xác định thành phần, định danh, gọi tên… sẽ khó trong thực hiện.
Ngoài ra, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ bản quyền các tác phẩm âm nhạc điệu múa, dụng cụ âm nhạc, trang phục dân tộc đặc sắc, truyền thống của các dân tộc thiểu số. Hiện nay, việc sáng tạo trên nền âm nhạc truyền thống của dân tộc thiểu số và trang phục diễn ra tương đối nhiều nên phải có hướng dẫn cụ thể, xác định quyền, nghĩa vụ liên quan để bảo tồn, giữ gìn giá trị của từng dân tộc.
Khuyến khích sự sáng tạo của các tổ chức khoa học công nghệ
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp là quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Tờ trình của Chính phủ đưa ra hai phương án. Phương án 1: Tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.
Phương án 2: Giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành quyền đăng ký các đối tượng này thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí phương án 1 về việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện Phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ "cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả" để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, quyền tác giả và quyền liên quan; khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước trong các luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tán thành với phương án 1 và cho rằng, quy định này sẽ khuyến khích sự sáng tạo của các tổ chức khoa học công nghệ thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, cần làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến quyền sử dụng kết quả trong quá trình sử dụng ngân sách Nhà nước; đánh giá tác động trong việc cho phép thu hẹp quyền này so với quyền được quy định trong luật hiện hành, phân định mối quan hệ giữa sở hữu, lợi ích của Nhà nước, tổ chức...
Theo TTXVN/Vietnam+