ĐNO - Đó là ý kiến chung của các đại biểu tham dự hội nghị phản biện đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức sáng 29-10. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến tham dự hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.QUẾ |
Tại cuộc họp, đại diện Công ty CP bảo tồn di sản văn hóa Kiến Trúc Việt (đơn vị tư vấn đồ án) cho biết, quy mô lập quy hoạch là 104,9 ha, phạm vi ranh giới lập quy hoạch khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn được xác định phía đông giáp tuyến đường Trường Sa và các khu vực ven Biển Đông; phía tây giáp sông Cổ Cò; phía nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía bắc giáp tuyến đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.
Đơn vị đề xuất phương án quy hoạch, giữ lại chỉnh trang, bảo tồn các vị trí nhà cổ hiện trạng (5 nhà cổ), thực hiện giải tỏa đi hẳn các thửa đất còn lại (khoảng 54.233m2) trên tinh thần sắp xếp, bố trí lại cho nhân dân trong khu vực thực hiện giải tỏa để quy hoạch đầu tư hình thành khu vực làng quê kết hợp du lịch sinh thái, hài hòa với kiến trúc tổng thể của công viên văn hóa.
Các khu đất và dự án đã được cấp đất (diện tích 15.870m2) sẽ được quản lý và xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Giải tỏa các khu vực dân cư còn lại (khoảng 194.873m2, 657 hộ dân), thiết lập các không gian phục vụ phát triển du lịch, phát huy giá trị di tích tùy theo từng khu vực cụ thể.
Ông Bùi Văn Tiếng, Phó Chủ tịch không chuyên trách, chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố), Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố đánh giá, phương án quy hoạch phải giải quyết vấn đề tương đối toàn diện (bảo quản, tu bổ, phục hồi), liên quan đến 6 ngọn núi Ngũ Hành, Biển Đông, sông Cổ Cò ở cả 2 phía hữu ngạn lẫn tả ngạn.
Quy hoạch cần xem sông Cổ Cò là “mặt tiền”, là hướng chủ đạo của danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Đồ án thực hiện được việc kết nối với cù lao gần bờ và khu công viên của Sun Group đối diện phía bên tả ngạn sông Cổ Cò (nằm ngoài phạm vi đồ án).
Bên cạnh đó, cần gìn giữ các di sản văn hóa, kiến trúc cổ trong quá trình bảo tồn, không làm mất yếu tố gốc của hiện vật, tránh tình trạng sau trùng tu phục hồi không còn nhận diện là di vật có liên quan lịch sử hình thành của vùng đất Ngũ Hành Sơn từng tồn tại cả trăm năm qua.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao thành phố tiếp tục hoàn thiện đồ án để có phương án quy hoạch phù hợp, bảo đảm hài hòa và tôn trọng lịch sử, tôn trọng các dấu ấn về văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh...
Đồng thời dựa trên nguyên tắc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, môi trường, tài nguyên, bảo tồn bảo tàng, di tích lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo và những vấn đề khác có liên quan.
Về phạm vi và ranh giới lập quy hoạch di tích, xem xét mở rộng hơn theo hướng tây và nam của đồ án; trong đó cần quan tâm đến vùng phụ cận của đồ án như sông Cổ Cò, khu vực ven biển... để bảo đảm đồ án là tổng thể hài hòa, cảnh quan đẹp mắt...
MAI QUẾ