Các cấp hội phụ nữ ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) đã thành công trong chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hỗ trợ vốn và truyền năng lượng tích cực để tạo động lực giúp nhiều phụ nữ tự tin làm kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội địa phương.
Nhóm phụ nữ thuộc Chi hội Phụ nữ số 9 cùng nhau chế biến ruốc. (Ảnh chụp tháng 3-2021). Ảnh: T.V |
Nghề làm pháo bị “khai tử” đã lâu, một số nghề truyền thống gặp khó khăn, diện tích đất nông nghiệp cũng bị thu hẹp để phát triển giao thông, công nghiệp và du lịch, khiến không ít phụ nữ ở phường Hòa Hiệp Bắc rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hòa Hiệp Bắc, điều đáng lo là tâm lý e ngại, tự ti, không mạnh dạn buôn bán của chị em. Bà Nga nhớ lại: “Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, lại là cán bộ phụ nữ nên thấy chị em khó khăn về kinh tế, tôi cảm thấy như mình có lỗi và cần phải làm điều gì đó để thay đổi. May mắn, ngày 30-6-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Với chúng tôi đây thực sự là cơ hội để giúp chị em làm kinh tế, cải thiện đời sống”.
Mặc dù vậy, Hội LHPN phường không nóng vội mà đi từng bước chậm, chắc. Đầu tiên là tổ chức khảo sát thực tế điều kiện kinh tế của từng hộ hội viên, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như khả năng của chị em trong việc phát triển kinh tế gia đình. Trên cơ sở đó, hội tổ chức các lớp tập huấn dành cho từng nhóm ngành nghề để chị em có kiến thức về khâu tổ chức sản xuất, đưa ra thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cũng như huy động và quản lý nguồn vốn.
Đặc biệt nhất là các lớp tập huấn giúp chị em xóa bỏ tự ti, mạnh dạn khởi nghiệp. Đánh giá về bước đi này, bà Lê Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN quận Liên Chiểu cho rằng, thành công của phụ nữ phường Hòa Hiệp Bắc trong việc phát triển kinh tế chính là có những bước đi bài bản, không nóng vội. Quan trọng nhất là đã truyền năng lượng rất tích cực đến tất cả chị em, động viên họ mạnh dạn làm kinh tế, không sợ thất bại.
Trước đây, chị Phan Thị Cúc (tổ 9) sinh sống với nghề chăm sóc trẻ tại nhà. Khi Covid-19 xuất hiện, chị phải nghỉ việc, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. May mắn, Hội LHPN phường hỗ trợ không hoàn lại 4,5 triệu đồng, đồng thời giúp chị Cúc làm thủ tục vay ưu đãi 30,5 triệu đồng để phát triển kinh tế theo mô hình trồng rau sạch và nuôi heo, gà.
Chia sẻ về công việc hiện tại, chị Cúc cho biết: “Thực ra trồng rau, chăn nuôi là nghề của gia đình. Tôi cũng từng nghĩ sẽ làm việc này, nhưng cứ đụng đến vốn thì không biết gỡ thế nào. Rất may mắn, Hội LHPN phường giúp tôi tiếp cận nguồn vốn, động viên, khuyến khích, giúp tôi tin rằng mình sẽ làm được. Đến nay tôi có thu nhập khá ổn định”.
Tương tự, trường hợp chị Lê Thị Ánh Tuyết (tổ 22) cũng nhờ sự hỗ trợ của Hội LHPN phường mà đến nay thu nhập ổn định với nghề làm hương trầm. Chị Tuyết cho biết, với sự hỗ trợ 6 triệu đồng không hoàn lại của Hội LHPN phường và vốn vay ưu đãi 34 triệu đồng, chị trang bị máy móc sản xuất các loại hương trầm. Nhờ vậy, chị có thu nhập ổn định, kể cả khi Covid-19 bùng phát.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ tích cực từ Hội LHPN phường và hỗ trợ vốn không hoàn lại, vốn vay ưu đãi, nhiều chị em liên kết thành các tổ, nhóm sản xuất hiệu quả. Trong số này phải kể đến nhóm liên kết sản xuất các mặt hàng hải sản của Chi hội Phụ nữ số 9. Từ nguồn vốn hỗ trợ 18 triệu đồng không hoàn lại và vốn vay ưu đãi 162 triệu đồng, cùng với hình thức hoạt động liên kết chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản nguyên liệu và phân phối ra thị trường, nhờ vậy các sản phẩm mắm ruốc, cá cơm khô, cá hấp phơi khô, ruốc khô... của nhóm được thị trường tiêu thụ ngày một tăng. Đến nay, gần 20 người có việc làm ổn định với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Theo Hội LHPN phường Hòa Hiệp Bắc, qua 4 năm thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, UBND phường hỗ trợ 15 phụ nữ với số vốn 165 triệu đồng, Hội LHPN phường hỗ trợ 19 phụ nữ với số vốn 58,3 triệu đồng. Song song đó, giúp chị em tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhờ vậy hàng trăm phụ nữ có việc làm ổn định.
Đặc biệt, thông qua hoạt động của đề án, nhiều phụ nữ vượt qua tự ti, mặc cảm để bắt đầu ngành nghề mới. Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, sự tự tin, mạnh dạn của chị em mới là kết quả đáng mừng nhất. Giờ đây, khi đến thăm một buổi sinh hoạt của chi hội phụ nữ ở các khu dân cư, rất dễ bắt gặp không khí bàn chuyện kinh doanh sôi nổi, tâm huyết. Đây chính là cơ sở để đến năm 2025, phường Hòa Hiệp Bắc phấn đấu không còn hội viên phụ nữ còn sức lao động mà thất nghiệp, kinh tế gia đình bấp bênh.
THANH VÂN