Sớm triển khai các đề án trọng điểm phát triển thương mại - dịch vụ

.

Ngành công thương bám sát, tham mưu các chương trình, kế hoạch liên quan đến ngành, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là sớm triển khai những đề án trọng điểm phát triển thương mại - dịch vụ.

Bà Lê Thị Kim Phương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên về thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, năng lượng trên địa bàn, ngành công thương tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch về thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 10-12-2020 và Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 23-4-2021 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, gắn với thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và các đề án chuyên ngành được giao, chủ trì tham mưu, tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.

Một số dự án trọng điểm phát triển thương mại - dịch vụ như: Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố; Phát triển dịch vụ logistics thành phố kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phát triển chợ điểm phục vụ du lịch…

Ngoài ra, các dự án Sở Công Thương đang hoàn thiện kế hoạch đó là xây dựng phương án đầu tư, quản lý, khai thác chợ Cồn theo hướng duy trì chợ truyền thống, văn minh, hiện đại; nâng cấp, chỉnh trang chợ Hàn. Đặc biệt, sớm hoàn thành việc đánh giá, đề xuất phương án khai thác hiệu quả Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng. Bên cạnh đó, ngành công thương khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ logistics, xây dựng các trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại, siêu thị lớn có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế, hình thành các chuỗi cửa hàng miễn thuế, khu phi thuế quan và các điểm bán sản phẩm chính hãng, trực tiếp…

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh cũng như thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Thành ủy về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, bà Lê Thị Kim Phương khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại là yêu cầu cấp thiết.

Vì vậy, ngành đã lên kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) thành phố giai đoạn 2021-2025 bằng cách kết nối doanh nghiệp TMĐT với các nhà sản xuất, nhà phân phối để quản lý chuỗi cung ứng; nâng cấp sàn giao dịch TMĐT; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; xây dựng bản đồ mua sắm trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các giải pháp số trong hoạt động kinh doanh…

Thời gian qua, tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Sở Công Thương tập trung lãnh đạo, tích cực chỉ đạo các nhiệm vụ  của ngành. Toàn đảng bộ đã quán triệt đến từng đảng viên trong các chi, đảng bộ trực thuộc nhằm nâng cao chức trách công việc, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Những tháng cuối năm là thời gian cao điểm của hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, vì vậy, ngành công thương tiếp tục thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công theo chiều sâu, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường phù hợp với tình hình thực tế.

Ngoài ra, trước bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngành công thương triển khai có hiệu quả các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp thành phố và với các tỉnh, thành phố trong cả nước, hướng đến các doanh nghiệp ở nước ngoài bằng cách tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu về các nội dung liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiện các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, với vai trò “đầu tàu”, ngành công thương xác định “đồng hành với doanh nghiệp” là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh, giải quyết các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường; tiếp tục thực hiện các chương trình nhằm giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu, tôn vinh, quảng bá sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm mang tính đặc trưng, OCOP.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.