Tạo cơ chế đặc thù giúp các địa phương phát huy lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội

.

ĐNO - Sáng 27-10, ngày làm việc thứ 8, kỳ họp thứ 2, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến góp ý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Các đại biểu đánh giá việc ban hành nghị quyết này là cần thiết để các địa phương phát huy lợi thế phát triển kinh tế - xã hội.

Tham dự tại điểm cầu Đà Nẵng có các đại biểu Quốc hội: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường; Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 5 Lê Ngọc Hải; Phó Giám đốc Công an thành phố Trần Đình Chung và Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN

Theo tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Nghệ An, mỗi địa phương có 6 cơ chế, chính sách; tỉnh Thanh Hóa có 8 cơ chế, chính sách.

Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Nhấn mạnh về chính sách đặc thù của từng địa phương, các đại biểu đề nghị đối với Hải Phòng, cân nhắc các chính sách tài chính, tiền lương phù hợp với sự cân đối của Nhà nước, tránh làm bội chi ngân sách Nhà nước; cân nhắc việc phân cấp cho UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.

Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An và Thanh Hóa có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch nhưng chưa khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả, do vậy việc xây dựng nghị quyết sẽ tạo sức bật giúp các tỉnh phát triển. Các đại biểu cũng đồng thời ủng hộ việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Về ngân sách bổ sung cho các địa phương, các đại biểu kiến nghị Quốc hội tính toán trên cơ sở ngân sách đóng góp về Trung ương, từ đó làm căn cứ để phân bổ cho phù hợp, tạo sự công bằng giữa các địa phương. Đồng thời, cân nhắc kỹ việc giao thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với diện tích quá lớn, tránh việc lạm dụng thẩm quyền, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng. Bởi đây là rừng có tính chất quan trọng trong việc chống thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (giữa) cùng các đại biểu đoàn đại biểu thành phố trao đổi bên lề sàng 27-10. Ảnh: NGỌC PHÚ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (giữa) cùng các đại biểu trao đổi bên lề buổi họp sáng 27-10. Ảnh: NGỌC PHÚ

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị có báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện chính sách đặc thù đối với các địa phương thí điểm trước đó như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… để khắc phục những tồn tại, hạn chế, giúp các tỉnh, thành phố thực hiện sau đạt hiệu quả hơn. Đồng thời, đề nghị các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế có kế hoạch cụ thể để thực hiện nghị quyết hiệu quả.

Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội giao trách nhiệm cho các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn và giám sát để phát huy cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho các địa phương khai thác tiềm năng riêng có nhưng vì quy định chung mà đến nay chưa khai thác được.

Về lâu dài, Quốc hội nghiên cứu có những chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành phố có điều kiện tương đồng, tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.