Chiều 29-10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã nghe thành viên Chính phủ trình bày tờ trình về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và tờ trình về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Tại buổi thảo luận cùng ngày, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào những nội dung này.
Đại biểu Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Đoàn Quảng Trị): Xây dựng quy hoạch đồng bộ để dẫn dắt nền kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Quy hoạch đất đai quyết định các quy hoạch khác hay là đồng bộ với các quy hoạch khác. Tôi cho rằng, khi quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương chúng ta chưa làm thì quy hoạch đất đai lần này căn cứ vào đâu? Do đó, chúng ta không nên cầu toàn là sắp xếp các quy hoạch kia thì mới làm quy hoạch đất đai. Đây là khái niệm mà mỗi người hiểu khác nhau.
Đất đai có thể là đi trước để dẫn dắt các ngành kinh tế nhưng cũng có thể là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải đi trước để dẫn dắt đất đai hoặc là có thể thực hiện song song. Do đó, Luật Quy hoạch ra đời là để giải quyết bài toán đó, chúng ta không nên làm nhiều quy hoạch quá mức mà thừa hoặc chồng chéo nhau. Mà chúng ta nên gom tất cả các quy hoạch lại để thành một quy hoạch tổng thể; trong đó, có quy hoạch đất đai.
Những quy hoạch đi cùng nhau để phục vụ cơ cấu lại không gian phát triển và các ngành, các lĩnh vực thì sẽ phù hợp hơn; để trở thành động lực để khai thác sử dụng hiệu quả.
Trong phân bổ sử dụng hiệu quả về đất đai, chúng ta cần tiếp cận theo hướng giao đất đó cho ai và quy hoạch để làm lĩnh vực gì, ngành gì, ở đâu giao cho lĩnh vực nào và giao cho nhà đầu tư nào? Như vậy, chúng ta cần dựa trên đánh giá hiệu quả của việc sử dụng đất đai. Chúng ta không nên quy hoạch một cách cứng nhắc, sau đó không mang lại hiệu quả cao cho đất nước, cho nền kinh tế.
Đối với nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, đây là khâu yếu của chúng ta. Thực tế, 5 năm qua, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều bất cập, hạn chế.
Tôi muốn nói đến kinh tế khu vực tư nhân, hiện, khu vực này phát triển cũng rất bất cập. Theo đó, năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trong nước vừa nhỏ, vừa yếu về công nghệ… không có đủ sức cạnh tranh tiếp cận về vốn, thị trường, đất đai, nhân lực… Tuy nhiên, cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp này đang triển khai liên quan đến cả nguồn lực của Nhà nước. Do đó, trong thời gian tới, cần tập trung vào phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk): Khắc phục thực trạng quy hoạch đất rừng nhưng không còn rừng
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Xuân. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Trong dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), tôi rất băn khoăn về việc đánh giá thực trạng đất, đặc biệt đất rừng hiện nay. Những năm qua, tình trạng phá rừng phá rừng tự nhiên, lấn chiếm, sử dụng đất rừng diễn biến phức tạp; trong đó, đáng chú ý ở những địa phương diện tích đất rừng lớn như khu vực Tây Nguyên.
Thậm chí, như tại Đắk Lắk có tình trạng quy hoạch tổng thể là đất rừng, đất do nông lâm trường quản lý nhưng thực tế không còn rừng. Quy hoạch là đất rừng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên hoạch nhưng là đấy rừng phòng hộ, tự nhiên nhưng hiện trạng là đất không còn rừng. Hay quy hoạch đưa vào diện tích nông lâm trường nhưng hầu như đất này hiện như “da báo”, tức là dân lấn chiếm xung quanh, có nơi lấn chiếm vùng lõi đất rừng, đất của nông lâm trường.
Tới đây, tôi đề nghị trong dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá kỹ tổng quan diện tích đất, sát với thực tiễn, nhất là đất rừng để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, chứ không quy hoạch chỉ là quy hoạch vì như thực tiễn đất rừng không còn.
Bên cạnh đó, liên quan đến quy hoạch trồng rừng, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế rừng, Chỉ thị 13 của Ban Bí thư năm 2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặt ra yêu cầu cao trong việc bảo vệ đất rừng, đặc biệt đất rừng phòng hộ, đất rừng đầu nguồn, đất rừng đặc dụng. Song, diện tích đất rừng tăng nhưng đất rừng tự nhiên suy giảm cả chất lượng và số lượng. Tại nhiều địa phương, trong 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì đều không đạt chỉ tiêu về độ che phủ rừng.
Tôi cho rằng, Chính phủ cần hết sức quan tâm đến vấn đề này, để làm sao khoanh vùng và bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, không để chuyển đổi rừng tự nhiên. Theo đó, cần đầu tư về nguồn lực, kinh phí phục vụ để trồng rừng, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế, hướng tới giữ đất rừng đồng thời, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình): Cần xây dựng hệ sinh thái cho lực lượng lao động
Trong dự thảo Đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, theo tôi, cần bổ sung nội dung nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đây là nhiệm vụ quan trọng, kèm theo đó là bổ sung các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Liên quan đến vấn đề nguồn lực. Hiện nay, nguồn lực con người trở nên quan trọng nhất. Khi lực lượng lao động có trình độ thì tạo nên áp lực, bắt buộc doanh nghiệp và các cơ quan liên quan buộc phải thay đổi để nâng cao trình độ công nghệ. Do vậy, quản trị năng lực, tôi đánh giá rất cao trong Đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 lần này dành rất nhiều nội dung liên quan đến phát triển nguồn lực.
Theo tôi, có 2 vấn đề; thứ nhất là nguồn lực ở đây nằm trong phát triển thị trường lao động. Thứ hai là nguồn lực trong một số lĩnh vực như: nông nghiệp, chúng ta đề cập đến phát triển lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp; ngành dịch vụ, chúng ta lại phát triển lực lượng lao động trong ngành logictics…
Tôi cho rằng, vấn đề ở đây là hệ sinh thái cho lực lượng lao động, di cư lao động… Vấn đề mâu thuẫn nữa là vừa thiếu lao động, vừa thừa lao động. Người mất việc thì khó có cơ hội tìm được việc làm nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp thì rất cần. Như vậy, hệ sinh thái về lực lượng lao động, không chỉ đơn thuần về thị trường, về nguồn nhân lực nữa.
Tôi mong muốn, Quốc hội xem xét nguồn lực lao động này nên để tách riêng thành một trụ cột riêng; là hệ sinh thái cho lực lượng lao động, chứ không phải là quan hệ cung, cầu lao động. Vì vấn đề này, không chỉ là của một ngành nào mà là vấn đề của quốc gia.
Cùng với đó, với Đề án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 thì tôi chưa nhìn thấy giải pháp nào để thực sự đảm bảo rằng, lần này chúng ta thực hiện thành công, kịp thời, đầy đủ mà Đề án có rất nhiều điểm mới, nhiều điểm đột phá.
Tôi mong Chính phủ rà soát lại và bổ sung những nhiệm vụ, cơ chế và đảm bảo lần này chúng ta thực hiện thành công. Cơ cấu kinh tế tạo nên nền tảng và nếu chúng ta không thành công trong những năm bản lề đầu tiên này thì chúng ta mất đi cơ hội rất lớn.
Theo TTXVN