Hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản, lều tạm tự phát tại các khu vực biển, vịnh, sông của người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tồn tại suốt 20 năm qua. Các hoạt động nuôi trồng thủy sản gây ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan du lịch, kéo theo các vấn đề về quản lý an ninh trật tự tại các địa phương. Từ năm 2001, thành phố đã có chủ trương chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát trên các lồng bè, nhưng sau 20 năm, chủ trương này vẫn chưa được thực hiện triệt để do nhiều nguyên nhân.
Các ngành và địa phương tích cực tuyên truyền, vận động để người dân chấm dứt việc nuôi cá lồng bè. TRONG ẢNH: Người dân phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) chấp hành chủ trương của thành phố về tháo dỡ lồng bè. Ảnh: H.P |
Hoàn toàn tự phát
Từ những năm 2000, trên địa bàn thành phố đã phát triển nuôi thủy, hải sản lồng bè trên biển, ban đầu là khu vực Bãi Nam (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), sau đó tiếp tục phát triển ở các khu vực công trình 15, vịnh Mân Quang... Từ năm 2005, hoạt động nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ và các tuyến sông khác cũng ngày càng phát triển.
Nuôi thủy sản lồng bè mang lại hiệu quả khá cao, tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn người dân. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, manh mún nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và phá vỡ cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên. Đồng thời, ảnh hưởng đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố. Chính vì vậy, từ năm 2001 đến nay, UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát tại vịnh Mân Quang. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, các lồng bè này vẫn tiếp tục tồn tại kéo dài cho đến nay.
Tại khu vực vịnh Mân Quang có hơn 500 bè cá, bè tre nuôi vẹm, hàu, bợp bợp cùng các chòi canh, lều tạm bố trí dày đặc đã tạo cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan, phá nát cảnh quan của vịnh. Hoạt động nuôi trồng đã thải rác, thức ăn chăn nuôi trực tiếp xuống biển gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Đồng thời, khu vực người dân nuôi trồng thủy sản nằm trên luồng đi lại của tàu thuyền ra vào, neo đậu thường xuyên trong khu vực âu thuyền và nằm ngay hạ lưu cảng cá và Khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang. Cùng với đó, hoạt động xả thải của các nhà máy chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang tuy có kiểm soát nhưng không thể bảo đảm tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản. Do đó, tình trạng cá, nghêu chết trên vịnh Mân Quang năm nào cũng xảy ra dẫn đến những thiệt hại kinh tế rất lớn cho các hộ dân.
Từ năm 2006 đến nay, UBND thành phố không có chủ trương phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên các tuyến sông. UBND thành phố giao trách nhiệm cho UBND các quận có biện pháp quản lý, không cho người dân tăng số lượng và kích thước lồng, bè nuôi và yêu cầu xử lý dứt điểm việc nuôi trồng thủy sản tại khu vực sông Cổ Cò và sông Cẩm Lệ.
Việc nuôi lồng bè cá trên các sông đã cản trở giao thông, tăng nguy cơ mất an toàn đường thủy, ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch đường thủy. Đồng thời, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm sông Cẩm Lệ và ảnh hưởng đến nguồn nước mặt của Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi cung cấp gần 2/3 lượng nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng. Mặt khác, các địa phương, cơ quan chức năng cũng khó khăn trong việc kiểm soát người ở trên các chòi canh, lều tạm trên biển, sông. Điều này ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương cũng như bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chấm dứt nuôi thủy, hải sản tự phát
Nhằm xử lý dứt điểm việc nuôi trồng thủy, hải sản tự phát trong năm 2021, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chấm dứt nuôi trồng thủy, hải sản lồng bè tự phát trên địa bàn thành phố Đà Năng.
Theo đó, thành phố yêu cầu các địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến các hộ nuôi trồng thủy, hải sản lồng bè tự phát về chỉ đạo của thành phố. Cùng với đó, tổ chức họp dân và vận động người dân thực hiện kế hoạch xử lý chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản lồng bè theo chủ trương thành phố và hướng dẫn người dân đăng ký chuyển đổi ngành nghề.
Theo chỉ đạo của thành phố, các địa phương có các tình trạng nuôi thủy sản lồng bè tự phát đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý, chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản lồng bè tự phát tại địa phương. Đồng thời tổ chức quản lý, không để tái phát sinh nuôi trồng thủy, hải sản lồng bè tự phát. Cùng với việc vận động, tuyên truyền người dân tháo dỡ lồng bè, các địa phương và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội khảo sát nhu cầu, nguyện vọng từng hộ để thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho các hộ, lao động nuôi thủy, hải sản lồng bè, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 26-10-2021, các địa phương đã triển khai thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức tuyên truyền, vận động, xử lý tháo dỡ. UBND quận Sơn Trà cho biết, từ ngày 1-10-2021 quận đã đồng loạt ra quân, tổ chức lực lượng hỗ trợ tháo dỡ đối với chòi, lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang.
Tính đến ngày 1-11, quận Sơn Trà đã xử lý tháo dỡ 38/43 lều tạm (tỷ lệ 88%); 418/533 bè cá (tỷ lệ 79%); 225/296 bè hàu, vẹm, bợp bợp (76%); 9.080/196.255m2 rò nghêu. Đồng thời, quận đã ban hành 112 quyết định xử lý vi phạm hành chính; 79 quyết định cưỡng chế đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trái phép trên địa bàn quận. Từ ngày 9-11, quận ra quân cưỡng chế đối với các hộ không chấp hành chủ trương.
Theo ghi nhận, tại khu vực phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), người dân bắt đầu tháo dỡ lồng bè theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Ông Phạm Tự (người dân nuôi thủy sản lồng bè tại quận Sơn Trà) nói: “Khi thành phố có chủ trương thì chúng tôi chấp hành tháo dỡ lồng bè. Chúng tôi mong muốn thành phố có chính sách hỗ trợ để chúng tôi có thể làm nghề khác kiếm sống”.
Cùng với việc xử lý, hỗ trợ tháo dỡ lồng bè, quận Sơn Trà tổ chức hỗ trợ tiêu thụ cho các hộ dân hiện còn hải sản nuôi trồng tự phát chưa thu hoạch xong, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chấp hành chủ trương chấm dứt nuôi hải sản tự phát. Lãnh đạo quận Sơn Trà cho biết, quận đã tuyên truyền, phổ biến chủ trương hỗ trợ cho vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển đổi nghề đối với các hộ nuôi trồng hải sản lồng bè tự phát. Tính đến thời điểm hiện tại, phường Nại Hiên Đông đã tiếp nhận 3 hồ sơ của các hộ dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển đổi ngành nghề.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Ngô Ngọc Hậu, tại các sông trên địa bàn quận Cẩm Lệ có khoảng 80 hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè tự phát trên sông với 85 bè và 602 lồng. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã làm việc trực tiếp đối với 51/51 hộ dân có hộ khẩu thường trú và tạm trú tại địa phương. Theo ghi nhận, đa số các hộ dân thống nhất với chủ trương chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè tự phát trên sông. Ông Ngô Ngọc Hậu cho biết thêm, một số hộ dân bày tỏ nguyện vọng được thành phố và địa phương hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sau khi chấm dứt hoạt động nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ, ưu tiên bố trí lô kinh doanh tại chợ Hòa Xuân hoặc các chợ khác trên địa bàn quận Cẩm Lệ; đề nghị được mượn quỹ đất còn trống trên địa bàn phường để đầu tư các mô hình trồng hoa, cây cảnh và xây dựng các điểm check-in;...
Qua thực tế triển khai chủ trương của thành phố, với sự quyết liệt của các ngành, địa phương cùng với công tác tuyên truyền, hỗ trợ, đa số người dân đồng lòng, chấp hành chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, để tiếp tục tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của người dân, các đơn vị, địa phương cần xử lý triệt để, đồng loạt đối với tất cả các hộ nuôi trồng thủy sản tự phát tại các khu vực biển, trên các tuyến sông để tạo sự công bằng. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, có chính sách để người dân chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống.
HOÀNG PHAN