Nhiều giải pháp chống xâm thực, sạt lở bờ biển

.

Các bãi biển Đà Nẵng thường bị xâm thực, sạt lở một số vị trí vào mùa mưa bão cũng như gió đông bắc hoạt động mạnh do nước biển dâng cao và sóng lớn. Đặc biệt, mực nước biển trung bình quan trắc tại trạm hải văn Sơn Trà trong hơn 20 năm qua tăng bình quân 2,55mm/năm.

Trồng cây là 1 trong những giải pháp chống sạt lở bờ biển. Trong ảnh: Hàng dừa xiêm lùn do Hội Nông dân thành phố trồng dọc theo bãi biển phường Mân Thái, quận Sơn Trà vào ngày 11-2.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Trồng cây là 1 trong những giải pháp chống sạt lở bờ biển. TRONG ẢNH: Hàng dừa xiêm lùn do Hội Nông dân thành phố trồng dọc theo bãi biển phường Mân Thái, quận Sơn Trà vào ngày 11-2. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi công tác ứng phó với xâm thực, sạt lở bờ biển phải tổng thể, lâu dài, áp dụng cả biện pháp cứng và mềm. Sau bão số 9 (siêu bão Rai, ngày 19 và 20-12-2021), hai hàng dừa bên ngoài và đoạn vỉa hè, bậc thềm xuống bãi biển cách khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng (quận Sơn Trà) khoảng 50m về phía bắc vẫn còn đứng vững.

Tuy nhiên, sau những đợt ảnh hưởng của gió mùa đông bắc từ cuối tháng 12-2021 đến nay, sóng biển đã xâm thực sâu vào bờ, cuốn trôi hai hàng dừa và làm sập khoảng 2m vỉa hè cùng bậc thềm, bờ kè cạn... tại đây. Bãi biển Mỹ An và Mỹ Khê là khu vực chịu xâm thực nặng nhất trong mùa mưa bão năm 2021 và các đợt gió mùa đông bắc hoạt động mạnh từ đầu năm 2022 đến nay, chủ yếu làm ảnh hưởng các hàng dừa trồng ở bãi cát.

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng Võ Tiến Dũng thông tin, trước mắt, UBND thành phố giao Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cảnh giới, xử lý tạm các vị trí xâm thực, sạt lở bờ biển để bảo đảm an toàn cho công trình và người dân, du khách. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng được giao nhiệm vụ làm kè; hiện đơn vị đang làm hồ sơ về quy hoạch, chủ trương đầu tư kè. “UBND thành phố đã có chỉ đạo đầu tư kè một đoạn đã bị sạt lở trước và lập hồ sơ đối với những đoạn chưa có kè (ở ngoài khu vực các dự án đã giao cho nhà đầu tư) để đề nghị, xin nguồn vốn đầu tư từ Trung ương”, ông Võ Tiến Dũng cho biết.

Trong nỗ lực giữ gìn bãi cát, chống sóng biển xâm thực hằng năm đến sát bờ kè giáp vỉa hè dọc tuyến đường Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp, ngày 11-2, Hội Nông dân thành phố ra quân trồng 2 hàng dừa xiêm lùn với chiều cao 1,2-1,5m dọc bãi biển Mân Thái (quận Sơn Trà) với tổng chiều dài 1km. Sau khi trồng, cán bộ, hội viên nông dân phường Mân Thái thường xuyên tưới nước, chăm sóc và bảo vệ cây cho đến khi trưởng thành nhằm giữ gìn bãi biển.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Hữu Thiết cho biết: “Chúng tôi có nghiên cứu về đặc tính cây và thực tế tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển những năm qua nên nhận thấy việc trồng cây dừa cao ở bãi biển thường hay bị sóng biển cuốn trôi và chậm bén rễ. Cây dừa xiêm lùn được trồng sau 6 tháng sẽ bám rễ chặt trong cát và sau 3 năm sẽ cho trái. Hội cũng đang khảo sát, nghiên cứu để trồng tiếp loại cây này ở một đoạn bờ biển của quận Ngũ Hành Sơn cũng như nghiên cứu một số loại cây thích nghi với việc nhiễm mặn, khô hạn để hướng dẫn cho nông dân sản xuất”.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phan Thế Dũng cho hay, ngành kiểm lâm đang có kế hoạch phát triển, trồng rừng phòng hộ ven biển với diện tích quy hoạch đến 362ha và sẽ được triển khai vào mùa trồng rừng hằng năm vào các tháng 10, 11 và 12. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn bộ chiều dài bãi biển và cơ sở hạ tầng ven biển bao gồm khu vực vịnh Đà Nẵng và khu vực biển ngang dọc tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa có nguy cơ bị xâm thực, sạt lở, hạ thấp, bào mòn. Trong đó, khu vực nguy cơ cao nhất là bãi biển dọc tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, nhất là đoạn từ tuyến đường Phạm Văn Đồng (bãi tắm khu vực Công viên Biển Đông) đến tuyến đường Ngô Thì Sỹ (bãi tắm Sao Biển).

UBND thành phố đã có Quyết định số 3459/QĐ-UBND ngày 1-11-2021 phê duyệt kế hoạch ứng phó sạt lở bờ biển trên địa bàn. Từ nay đến năm 2025, thành phố huy động nguồn lực đầu tư bổ sung kè để bảo vệ hạ tầng và cảnh quan dọc bờ biển với tổng chiều dài 1.255m, trong đó có 2 đoạn bờ biển bị sạt lở nặng. Cụ thể, dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp gồm: đoạn từ Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Văn Thoại (bãi biển Mỹ Khê) và đoạn từ Nguyễn Văn Thoại đến Đỗ Bá (bãi biển Mỹ An). Trước mắt, thành phố sẽ tập trung nguồn lực đầu tư kè dạng tường bản mỏng bằng hệ cọc ván ứng suất trước và bê-tông cốt thép đúc sẵn với tim kè, cao trình đỉnh kè phù hợp quy hoạch, cảnh quan hiện trạng ở 2 đoạn bờ biển bị sạt lở nặng nói trên, có tổng chiều dài 585m.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng nhận định, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Thành phố cũng đang phải đối mặt với nguy cơ nước biển dâng, tình trạng xâm thực bờ biển xảy ra nhiều hơn, đe dọa đến hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực ven biển. Trước nguy cơ, thách thức của biến đổi khí hậu, thành phố đang xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động, ứng phó trong quá trình tổ chức, thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.