Tạp hóa không rác thải

.

Tiệm tạp hóa No Waste To Go (tạm dịch: Không Rác Thải) của chị Hồ Hoàng Oanh (SN 1985) được xây dựng tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn  là một trong những tiệm tạp hóa đầu tiên ở Đà Nẵng nói “không” với bao bì dùng một lần. Chị Oanh cũng là người có nhiều ý tưởng tái chế, tái sử dụng sản phẩm.

Hàng hóa tại No Waste To Go được bày bán trong các hũ thủy tinh để giảm thiểu bao bì dùng một lần.  Ảnh: P.LAN
Hàng hóa tại No Waste To Go được bày bán trong các hũ thủy tinh để giảm thiểu bao bì dùng một lần. Ảnh: P.LAN

Nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan (quận Ngũ Hành Sơn), tiệm tạp hóa No Waste To Go thoạt nhìn giống một tiệm cà phê nhỏ, xinh với không gian xanh sạch. Bên trong, hàng hóa được bày bán trong những hũ thủy tinh lớn, nhỏ, xếp ngay ngắn trên các kệ gỗ được lắp dọc tường.

Tiệm bán hơn 400 mặt hàng là các sản phẩm sạch, có nguồn gốc từ tự nhiên, từ thực phẩm (thực phẩm khô, thực phẩm chế biến sẵn, gia vị), hóa mỹ phẩm (tinh dầu, nước rửa chén, nước lau sàn, nước giặt, dầu gội đầu, kem đánh răng…) cho đến đồ gia dụng (cọ, bàn chải đánh răng, đồ đựng…), hương liệu…

Chị Hồ Hoàng Oanh, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành No Waste To Go cho biết, tiệm tạp hóa này được mở vào năm 2019 với mục đích giảm rác thải nhựa và thay đổi thói quen dùng túi ni-lon, đồ nhựa một lần của người tiêu dùng. Vốn tích cực trong các hoạt động vì môi trường, khi chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng sinh sống, chị Hồ Hoàng Oanh đã nghĩ đến việc khởi nghiệp bằng mô hình tạp hóa không rác thải với 3 từ khóa: “làm đầy”, “tái sử dụng” và “tái chế”.

Chị giải thích, tại No Waste To Go, khách hàng tự mang chai, lọ, hộp… đến mua sản phẩm mình cần và hoàn toàn có thể mua 2g tiêu xay, vài muỗng bột nghệ… đúng theo nhu cầu sử dụng của mình, tránh bị dư thừa. Khách cũng có thể mang theo chai dầu gội đầu, chai nước giặt… đã dùng hết đến tiệm để đổ đầy. Tiệm cũng có sẵn các chai, lọ cũ miễn phí đã được súc rửa sạch để khách hàng dùng lại.

Khi nhập hàng, chị Oanh thường yêu cầu các đơn vị phân phối hạn chế tối đa bao bì đi kèm và chị cũng tìm kiếm các sản phẩm càng ít bao bì càng tốt để giới thiệu cho khách hàng. Cầm trên tay một bánh dầu gội đầu, chị nói: “Ví dụ như khi nhắc đến dầu gội đầu, mọi người thường nghĩ đến dầu gội dạng lỏng được đựng trong các chai nhựa. Nhưng bánh dầu gội đầu này giống như một bánh xà phòng tắm, không cần đựng trong bất kì loại chai lọ nào, rất tiện khi mang đi du lịch. Còn các loại kem dưỡng ẩm, lăn khử mùi, dầu dưỡng da…, tiệm  lựa chọn nguyên liệu với tiêu chí không độc hại với con người, độ phân hủy sinh học cao, không gây hại cho sinh vật dưới nước”.

Ngoài gian hàng tạp hóa, tại No Waste To Go còn có góc tái chế, nơi mọi người mang những đồ không dùng nữa (quần áo cũ, sách, hộp, chai, lọ…) để người có nhu cầu đến lấy miễn phí. Tiệm cũng thu gom các loại rác thải tái chế, kết hợp với nhà máy để ép thanh ván, dùng làm bàn ghế, nội thất… Tất cả nhằm giảm nhu cầu mua sắm, kéo dài vòng đời của sản phẩm.

Hành trình khởi nghiệp của chị Hồ Hoàng Oanh cũng gian nan. Trong năm đầu tiên, mọi thứ diễn ra khá chậm. Đặc biệt là giai đoạn 4 tháng đầu, cửa hàng chỉ có vài khách nên chị tích cực tham gia các hội nhóm về môi trường, mang mô hình đến triển lãm tại các phiên chợ nông sản sạch để quảng bá. Năm thứ nhất, No Waste To Go cắt giảm được 4.322 bao bì nhựa, túi ni-lon. Đến năm thứ hai, con số này tăng lên thành 10.800 vật phẩm bao bì nhựa, túi ni-lon. Mọi người đã bắt đầu đón nhận ý tưởng này, không cho việc tự mang chai, lọ đi mua hàng là vất vả nữa.

“Có định kiến cho rằng, chỉ những ai có thu nhập trung bình khá trở lên mới có thể chi trả cho các sản phẩm bảo vệ môi trường. Vậy nên mọi người cố gắng đều sử dụng sản phẩm tái chế. Mình rất mong thói quen này sẽ quay trở lại, những cửa tiệm như No Waste To Go sẽ trở nên bình thường chứ không có gì đặc biệt. Trong 5 năm tới, mục tiêu của mình là phổ biến mô hình này càng sâu rộng hơn nữa cho cộng đồng”, chị Oanh cho hay.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích