Kiểm soát giá xăng dầu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và đầu cơ đất đai

.

Ngày 16-3, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường; Đại tá Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) và Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh dự tại điểm cầu Đà Nẵng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ảnh trái) phát biểu tại phiên họp và các đại biểu Trần Chí Cường, Trần Đình Chung, Nguyễn Duy Minh dự tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN - N.Phú
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Kiểm soát giá xăng dầu, chống gian lận thương mại

Tại phiên chất vấn vào buổi sáng, đại biểu Quốc hội  nêu các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Trả lời chất vấn các nội dung liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong 2 năm qua, cùng với cả nước, ngành công thương phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó nguồn cung và giá cả trong nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, nhất là về xăng dầu.

Bên cạnh đó, xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ngành công thương nỗ lực phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lưu thông ngay cả trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Với những nỗ lực nêu trên, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt gần 670 tỷ USD và đưa vào thực thi Hiệp định thương mại tự do với EU, Vương quốc Anh và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức liên tục xuất hiện, đòi hỏi Bộ Công Thương tập trung giải quyết. Đó là giá một số nguyên liệu, vật tư chiến lược, nhất là xăng dầu tăng cao; tình trạng buôn lậu, hàng giả không rõ nguồn gốc xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có dấu hiệu gia tăng; ùn tắc hàng hóa tại biên giới. Trước thực trạng hiện nay, Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc để xử lý hoặc tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề nêu trên để bảo đảm đáp ứng đủ lương thực, đặc biệt là xăng dầu trong nước.

Bộ Công Thương đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để bổ sung nguồn cung do thiếu hụt sản lượng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; chỉ đạo tăng cường chia sẻ nguồn cung giữa các đầu mối; kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu trên cả nước, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với các chế tài cao nhất.

Đối với công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bộ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tấn công triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lớn, qua đó tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành công thương cũng kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc, trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và nhiều giải pháp khác. Nhờ đó, tình tạng ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc đã từng bước được tháo gỡ, lượng xe chờ xuất khẩu đã giảm đáng kể, nhất là thời điểm cận và ngay sau Tết Nguyên đán.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (ảnh trái) phát biểu tại phiên họp và các đại biểu Trần Chí Cường, Trần Đình Chung, Nguyễn Duy Minh dự tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN - N.Phú
Các đại biểu Trần Chí Cường, Trần Đình Chung, Nguyễn Duy Minh dự tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: N.Phú

Phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước

Tham gia giải trình chất vấn liên quan đến quản lý xăng dầu, phòng, chống tội phạm buôn lâu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, mặt hàng xăng dầu nước ta chưa tự chủ được mà phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Hiện nay nước ta mới có 2 nhà máy lọc hóa dầu gồm: Nhà máy Bình Sơn (cung ứng 35% - 7 triệu tấn xăng dầu/năm) đưa vào sản xuất từ năm 2009 và Nhà máy Nghi Sơn đưa vào sản xuất từ năm 2018. “Cả hai nhà máy đạt được khoảng 13 triệu tấn xăng dầu/năm trong khi đó nhu cầu cỡ 20 - 21 triệu tấn/năm. Như vậy, khi xăng dầu thế giới tăng thì xăng dầu trong nước tăng”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phân tích.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo các khâu sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Chính phủ đã chỉ đạo Nhà máy Bình Sơn sản xuất tăng 105%, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết sản xuất trở lại, nhập khẩu cho quý 2-2022 tăng thêm 2,4 triệu m3. Dự trữ cũng đảm bảo đúng quy định. “Chính phủ đã giao cho thanh tra, các cơ quan pháp luật làm rõ việc dự trữ hiện có theo đúng quy định không. Việc đóng cửa một số cửa hàng phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý triệt để”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Về giải pháp trong lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định tinh thần dứt khoát phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước và theo quy hoạch sẽ có nhà máy lọc dầu có quy mô sản xuất 10 triệu m3 tại Vũng Tàu.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai

Chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chiều ngày 16-3 liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhiều đại biểu đề cập đến tình trạng đấu giá đất ở nhiều nơi diễn ra tình trạng bắt tay ngầm, nhà đầu tư trả giá trên trời rồi bỏ cọc, kết quả phiên đấu giá cao bất thường gấp nhiều lần giá khởi điểm - mà vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) là điển hình. Điều này làm nhiễu loạn thị trường, tạo ra hiện tượng sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất mới, gây mất trật tự an ninh xã hội. Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp ngăn chặn tình trạng bong bóng bất động sản.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận thực tế như đại biểu nêu và cho rằng tình trạng đấu giá đất không chỉ thổi giá mà còn dìm giá, rồi tình trạng “quân xanh quân đỏ”. Ảnh hưởng của việc này là làm nhiễu loạn thị trường bất động sản và làm thất thoát tài sản của Nhà nước, cùng với việc thổi giá lên tạo một mặt bằng giá mới, làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần có quy định, phương pháp, trình tự để đấu giá đất chặt chẽ hơn. Theo đó, phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá xong rồi bỏ cọc thì phải bị xử lý, lần sau không được tham gia đấu giá. Như vậy mới đủ sức răn đe. Qua đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đấu giá. Về vấn đề “quân xanh quân đỏ” trong đấu giá đất, cần phải nghiên cứu trong quá trình sửa Luật Đất đai. “Bên cạnh việc chọn cho được nhà đầu tư có năng lực, phải tăng cường kỷ cương, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Quang Huân chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: TTXVN

Bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp

Phát biểu kết luận phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tại phiên họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định phiên chất vấn diễn ra thành công tốt đẹp. Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ tạo được sự chuyển biến thực sự trong thời gian tới, ngoài kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn có kết luận từng nội dung, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan lưu ý quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đối với lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng và cung cầu về giá xăng dầu trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào. Tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân. Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tại phiên họp thứ 9 trong tháng 3 này để có hiệu lực thực hiện ngay từ tháng 4-2022. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Tăng cường phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là lực lượng công an, biên phòng, hải quan và thanh tra chuyên ngành.

Ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay từ tuyến biên giới, đường biển, đường bộ, nhất là đối với các mặt hàng vật tư y tế phòng, chống Covid-19. Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, bảo đảm căn cứ chính trị và yêu cầu của thực tiễn để nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các pháp luật có liên quan, cũng như các văn bản hướng dẫn luật để khắc phục những vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn và các văn bản pháp luật có liên quan. Thực hiện tốt các chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải công nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường... Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3.

Phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thông tin về vụ buôn lậu, sản xuất xăng giả ở Đồng Nai. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đến nay đã kết thúc điều tra giai đoạn 1, bắt, xử lý 100 bị can, phối hợp xử lý các đối tượng có liên quan trong lực lượng Quân đội, trong đó có 99 bị can về tội “Buôn lậu”, 1 bị can về tội “Nhận hối lộ”. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian gần đây hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm... có xu hướng diễn biến rất phức tạp. Hoạt động đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả liên quan trang thiết bị vật tư, y tế, mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh xảy ra ở nhiều địa phương. Để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi, vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, Bộ công an đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp công tác…

Thu thuế từ Facebook, Google... trung bình mỗi năm trên 1.000 tỷ đồng

Trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua việc quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành được thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu trung bình trên 1.000 tỷ đồng/năm. Theo Bộ trưởng từ năm 2018 đến hết tháng 12-2021, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền hơn 4.400 tỷ đồng. Theo đó, một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.694,77 tỷ đồng; Google là 1.618,42 tỷ đồng; Microsoft là 576,62 tỷ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ dịch vụ số xuyên biên giới đạt 1.143,76 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.317,78 tỷ đồng, bằng 115,2% năm 2020.  

NGỌC PHÚ - B.T - TTXVN

;
;
.
.
.
.
.