Mở đường phát triển nông thôn mới

.

Từ năm 1997 đến nay, huyện Hòa Vang có những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, mở rộng, nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến đường huyết mạch. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện nông thôn mới duy nhất của thành phố.

Những cung đường bên dòng Cu Đê ở xã Hòa Bắc đẹp như một bức tranh thủy mặc.  (Ảnh: UBND xã Hòa Bắc cung cấp)
Những cung đường bên dòng Cu Đê ở xã Hòa Bắc đẹp như một bức tranh thủy mặc. (Ảnh: UBND xã Hòa Bắc cung cấp)

Trong trí nhớ của ông Phạm Tạo, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (giai đoạn 1987 đến 2007), những ngày đầu mới thành lập xã (23-9-1981), đường giao thông chỉ là những vệt đất mòn lối đi lâu thành đường. Ngay con đường ĐT 601 lúc ấy cũng chỉ là đường đất nhỏ, cỏ cây ngập phủ ven đường. Thời ấy, để đi xuống huyện họp, ông phải mất cả ngày trời vừa đạp xe vừa dắt bộ. Ngay cả việc về các thôn Tà Lang, Giàn Bí, Lộc Mỹ thôi, cũng là một nỗi ám ảnh từ nỗi sợ rừng già, ngăn sông, cách núi… Còn xuống thành phố, phải là ngày đi, ngày về.

Thế rồi đường ĐT 601 được nâng cấp, cải tạo, chạy từ xã Hòa Sơn thẳng lên thôn Tà Lang, đường ADB5 Quan Nam - Thủy Tú đưa vào hoạt động, cả đường cao tốc La Sơn - Túy Loan chạy qua sườn núi sau lưng xã vận hành gần 2 năm qua; rồi hệ thống đường liên thôn, liên tổ trong xã được đầu tư hoàn thiện. Cuộc sống người dân Hòa Bắc đổi thay diệu kỳ nhờ có ánh sáng văn minh theo những con đường mang đến. Xa xôi như thôn Tà Lang bây giờ khoảng cách đi lại được rút ngắn nhiều so với trước. Còn người dân, không ai không có điện thoại di động. “Có đường thì mới có ánh sáng”, ông Tạo khẳng định.

Nói về sự đổi thay ở Hòa Bắc nhờ những con đường, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà khẳng định, Hòa Bắc đang chuyển mình mạnh mẽ, đang bật lên sức sống mới từ việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao. Người từ muôn nơi đổ về Hòa Bắc ngày một đông, để tìm sự bình yên, trong lành của vùng đất có sông, có núi, phần nữa là nhờ các mô hình nghỉ dưỡng, hàng quán cà phê, ăn uống giải trí mang đậm chất miền quê, hòa mình vào thiên nhiên, sống giữa thiên nhiên. Nhưng tất cả sẽ không thể thành hiện thực, nếu không có hạ tầng giao thông tốt, thông suất và thuận lợi.

Đường ĐT 601 là con đường huyết mạch nối liền các xã ở vùng tây bắc Hòa Vang (Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc và giáp ranh địa phận huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế). Kể từ năm 2014 đến nay, vì được mượn làm đường công vụ vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ các dự án đã khiến đường ĐT 601 xuống cấp nghiêm trọng, biến dạng hoàn toàn, khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Sau nhiều lần tìm phương án, ngày 3-6-2019, UBND thành phố quyết định phê duyệt phương án cải tạo, nâng cấp đường ĐT 601, với tổng kinh phí trên 643 tỷ đồng, có chiều dài hơn 35,6km, điểm đầu giao với đường ĐT 602 và điểm cuối tuyến giáp với địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế. Giấc mơ của người Hòa Bắc sắp hoàn thành, khi dự kiến tuyến đường sẽ hoàn thành vào tháng 9-2022.

Trong tương lai, tuyến đường ĐH2 (Hòa Nhơn - Hòa Sơn) là một trong những tuyến giao thông huyết mạch phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khu vực phía bắc với Trung tâm Hành chính huyện và khu vực phía nam, tây nam của huyện Hòa Vang. Dự kiến tuyến đường tránh Hải Vân - Túy Loan sẽ được nâng cấp thành đường cao tốc Bắc - Nam nối liền với 2 tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan và Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khi đó tuyến đường cao tốc với các tuyến đường hiện trạng chỉ có thể kết nối tại các nút giao liên thông với đường ĐT 602, Hoàng Văn Thái và quốc lộ 14B. Khi tuyến đường ĐH2 được cải tạo, nâng cấp sẽ thu hút một phần đáng kể lưu lượng xe trên tuyến tránh Hải Vân - Túy Loan, giúp giảm bớt áp lực giao thông trên tuyến đường này và cải thiện, nâng cao mức độ an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trong khu vực.

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho rằng, muốn phát triển kinh tế - xã hội ở các xã miền núi, giúp giảm nghèo nhanh, một trong những giải pháp quan trọng được thành phố và huyện xác định, đó là việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của huyện Hòa Vang, từ đó tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, liên kết vùng.

Việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông đã mở ra bước ngoặt mới trong phát triển kinh tế các xã. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Lê Đức Thương, giao thương thuận lợi, giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân và giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng lân cận, góp phần đưa diện mạo của Hòa Ninh thay đổi rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt mức cao, sản xuất từ chỗ tự túc, tự cấp, đến nay người dân theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật để trồng các loại cây ăn trái có năng suất và chất lượng; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5-6 %/năm.

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Phạm Nam Sơn cho rằng, hạ tầng giao thông phát triển không những tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, giao lưu thương mại, nhất là tại các xã vùng cao, miền núi khó khăn. Đường giao thông đến đâu, bộ mặt nông thôn đổi thay đến đó. Hiệu quả đạt được trong công tác này đã cho thấy tầm nhìn, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nhằm hướng đến xây dựng diện mạo mới cho những vùng quê còn khó khăn, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế của thành phố nói chung, huyện Hòa Vang và các xã nói riêng phát triển theo hướng tích cực, bền vững.

MINH SƠN - TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.