Có thể nói từ khoảnh khắc lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng bắt đầu tung bay trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng và trong gió lộng sông Hàn trưa ngày 29-3-1975, người Đà Nẵng tự hào đã góp phần quan trọng vào chiến thắng 30-4 lịch sử.
Không phải ngẫu nhiên mà trong bức điện gửi cho Trung ương Cục miền Nam chiều ngày 29-3, ngay khi nhận được tin giải phóng Đà Nẵng, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, khẳng định: “Tình hình biến chuyển mau lẹ. Cuộc cách mạng miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt... Trên thực tế, có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây”[1]. Với ưu thế của một căn cứ quân sự lớn được tiếp quản gần như nguyên vẹn từ tay đối phương, Đà-Nẵng-sau-hăm-chín-tháng-ba tiếp tục là nơi xuất kích của quân đội cách mạng trong cuộc hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn, trong đó đáng chú ý là cuộc xuất kích từ cảng biển Đà Nẵng để giải phóng Trường Sa và cuộc xuất kích từ sân bay Đà Nẵng để ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, khởi đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975) và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4-1975) đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. TRONG ẢNH: Một đơn vị Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN |
Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký bức điện mật số 990B/TK vào chiều ngày 4-4-1975 “giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu V, Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”, một người Đà Nẵng là Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát cũng đang có mặt tại quê nhà và trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái thực hiện mệnh lệnh rất kịp thời và sáng suốt nêu trên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Và chỉ sau một tuần lễ chuẩn bị, rạng sáng ngày 11-4-1975, C75 - lực lượng giải phóng Trường Sa - đã bí mật rẽ sóng từ cảng biển Đà Nẵng, khẩn trương vượt trùng dương thẳng tiến Trường Sa… Nói “khẩn trương” bởi đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết trong hồi ký: “Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm”. Cuộc xuất kích từ cảng biển Đà Nẵng để giải phóng Trường Sa được xem là “mũi tiến công thứ sáu” của cánh quân trên biển trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tự vệ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Quân Giải phóng giữ gìn trật tự đường phố sau ngày giải phóng. |
Về cuộc ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, sau một thời gian được huấn luyện cấp tốc tại sân bay Đà Nẵng để có thể điều khiển máy bay A-37 chiến lợi phẩm, trưa ngày 27-4-1975, năm phi công của phi đội Quyết Thắng, trong đó có phi công Nguyễn Thành Trung từng ném bom xuống Dinh Độc Lập vào ngày 8-4, rời sân bay Đà Nẵng vào tập kết tại sân bay Phù Cát và đến chiều ngày 28-4, lại tiếp tục xuất kích từ sân bay Phù Cát để bất ngờ ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tạo thành “mũi tiến công thứ bảy” của cánh quân trên không đầy uy lực, cùng với “mũi tiến công thứ sáu” của cánh quân trên biển ở Trường Sa và năm cánh quân trên bộ như năm mũi tiến công đang vây chặt Sài Gòn, góp phần kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Người Đà-Nẵng-sau-hăm-chín-tháng-ba ngay trong tháng đầu quân quản đã không ngừng dõi theo bảy mũi tiến công của Quân Giải phóng và cảm nhận ngày càng rõ hơn khát vọng thống nhất đất nước đang đến rất gần… Xin nói thêm, thông tin về chiến công của phi đội Quyết Thắng ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã tạo cảm hứng nghệ thuật để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác trong vòng hai tiếng đồng hồ bài Như có Bác trong ngày đại thắng - ca khúc được phát lần đầu trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào chương trình thời sự đặc biệt lúc 17 giờ chiều ngày 30-4 khi Việt Nam chính thức công bố tin giải phóng Miền Nam trước toàn thế giới.
Nói về người Đà Nẵng với chiến thắng ngày 30-4-1975, không thể không nhắc tới Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Quân Giải phóng, người soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn: “Chúng tôi đại diện lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.
Trong thời khắc không thể nào quên ấy, ngoài Chính ủy Bùi Văn Tùng, còn có thêm hai người đồng hương Đà Nẵng khác là nhà báo Kỳ Nhân/Phạm Kỳ - phóng viên ảnh của hãng tin AP thường trú tại Sài Gòn và cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái. Trước đó, cùng với Bùi Quang Thận - người treo cờ và Huỳnh Văn Tòng- người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Lịch sử báo chí Việt Nam tại Đại học Paris VII vào năm 1972, Nguyễn Hữu Thái cũng là người chứng kiến sự kiện lá cờ nửa đỏ nửa xanh sao vàng lần đầu tiên tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
Ảnh: HUY TUẤN |
Đối với người Đà Nẵng, có bốn sự kiện lịch sử hiện đại mà ngày tháng đã được vinh danh trên bảng tên đường. Một là sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 với đường 3 tháng 2 trên địa bàn quận Hải Châu được đặt tên vào năm 2003; hai là sự kiện thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 với đường 2 tháng 9 trên địa bàn quận Hải Châu được đặt tên vào năm 1995; ba là sự kiện giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975 với đường 29 tháng 3 trên địa bàn quận Cẩm Lệ được đặt tên vào năm 2018 và cuối cùng là sự kiện giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975 với đường 30 tháng 4 trên địa bàn quận Hải Châu được đặt tên vào năm 2006. Đường 30 tháng 4 là một trong không nhiều con đường nội thành ở Đà Nẵng có không gian thoáng đãng, có vị trí hợp lý - nối con đường mang tên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ với đường 2 tháng 9 và đặc biệt là nối với khu vực Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thành phố trên đường 2 tháng 9 - một trong những nơi chốn thiêng liêng của Đà Nẵng ngày nay.
BÙI VĂN TIẾNG
-----------------------------
[1] Dẫn theo Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập (tập 36: năm 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2004.