Tạo ra những sản phẩm du lịch đột phá, mang dấu ấn đặc trưng, khác biệt; xây dựng và phát triển hệ sinh thái du lịch; phát triển đô thị toàn cầu... nhằm đạt được mục tiêu kép vừa là thành phố du lịch với nhiều trải nghiệm đa dạng, đẳng cấp, vừa xứng tầm là nơi có môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi… Đó là những giải pháp được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống” do Báo Đầu tư và Công ty CP Mặt trời (Sun Group) tổ chức vào sáng 27-6.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống”, sáng 27-6. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Chính sách mạnh hơn trong thu hút đầu tư
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh khẳng định, Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh chóng, từng bước khẳng định vị thế của đô thị hiện đại, văn minh và đáng sống tại khu vực miền Trung và cả nước. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hàng loạt các dự án đầu tư, dịch vụ chất lượng quốc tế, giúp Đà Nẵng dần trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Với định hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, thành phố đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phục hồi hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời triển khai xây dựng hàng loạt sản phẩm, dịch vụ mới. Để nắm cơ hội từ làn sóng du lịch sau Covid-19, Đà Nẵng đứng trước thách thức làm mới chính mình. Những ý kiến, giải pháp của các chuyên gia sẽ góp phần giúp thành phố phát triển xứng tầm.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành phố cần “làm mới” để đón đầu cơ hội, tăng tốc phát triển bứt phá, không chỉ là điểm đến, mà phải là điểm đến hàng đầu với những trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt; đặc biệt là trở thành nơi làm tổ của các “đại bàng”, nhà đầu tư với các dự án lớn, đẳng cấp, có dấu ấn. Thành phố cần có những trải nghiệm hàng đầu để hút khách du lịch bằng việc phát triển kinh tế đêm nhằm gia tăng sức hút, tăng sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng phát triển hiện có.
Để trở thành điểm đến hàng đầu, Đà Nẵng cần phát triển du lịch toàn diện từ du lịch biển, du lịch núi, du lịch sông nước, giải trí… Để giữ vững “ngôi vương” về du lịch lẫn đầu tư trong bối cảnh nhiều năm qua bị tác động bởi Covid-19 và tác động từ sự trỗi dậy của những thị trường mới năng động khác, thành phố cần có những chính sách mạnh hơn trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Trong khi đó, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch cho hay, Đà Nẵng là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế du lịch khi có đô thị đẹp, văn minh; là một trong những nơi có bãi biển đẹp nhất châu Á và thế giới… Trong năm 2021, Hội đồng tư vấn du lịch - TAB đánh giá về tiêu chí năng lực cạnh tranh về điểm đến để phát triển du lịch, Đà Nẵng xếp thứ 1 trên nước Việt Nam. Hiện Đà Nẵng xác định và phát triển đúng hướng, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Đà Nẵng cần tranh thủ khai thác thị trường nội địa, tận dụng mọi cơ hội để khai thác thị trường quốc tế.
Các chuyên gia thảo luận, đề xuất giải pháp để Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Bứt phá nếu chọn được nhà đầu tư xứng tầm
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh thông tin, Đà Nẵng tự tin hiện diện trên bản đồ thế giới là điểm đến của du lịch và sự kiện vì thời gian qua nhiều sự kiện quốc tế được lựa chọn và tổ chức tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thế giới đang hoạt động tại thành phố góp phần khẳng định chất lượng và định vị du lịch Đà Nẵng đạt đẳng cấp và khác biệt, không chỉ đáng đến, đáng sống mà còn đáng đầu tư.
Theo Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu thành phố Huỳnh Liên Phương, hiện các nhà đầu tư rất quan tâm đến các dự án của thành phố, nên nếu chọn được nhà đầu tư xứng tầm và tiềm năng, Đà Nẵng sẽ bứt phá ngoạn mục. Bên cạnh môi trường đầu tư tốt, thành phố cũng hình thành không gian sống tốt với trường quốc tế, bệnh viện quốc tế, trung tâm vui chơi hay viện dưỡng lão. Như vậy, Đà Nẵng sẽ như là ngôi nhà thứ hai của nhà đầu tư.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng đề xuất, để thành phố hấp dẫn du khách hơn, cần có các “mảnh ghép” đối với ngành du lịch Đà Nẵng. Theo đó, Đà Nẵng hiện chưa có sản phẩm, tour du lịch ra biển, vịnh; các sản phẩm dưới nước, trên mặt nước hiện còn hạn chế. Với sông Cổ Cò, Đà Nẵng phải thông cho được tuyến sông này với Hội An.
Sau khi khơi thông, hai bên bờ có thể hình thành làng nghề, vui chơi giải trí, trở thành thương hiệu mới của Đà Nẵng. Nếu định vị là thành phố sự kiện thì phải tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp... đăng ký chuỗi sự kiện nhiều ngày. Việc này cần huy động sự song hành từ nhiều phía, trong đó Nhà nước vừa đầu tư, vừa thu hút xã hội hóa.
Để tạo những trải nghiệm khác biệt và đẳng cấp cho du khách khi đến Đà Nẵng, bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World cho biết: “Việc đón khoảng 20-30 triệu khách đến Đà Nẵng vào năm 2030 là điều hoàn toàn có thể nếu thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và Sun Group cùng đồng hành để đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hàng đầu châu Á”. Còn TS. Lương Hoài Nam cho rằng, thành phố cần có hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh, tức là cần có đầy đủ các sản phẩm, vừa phục vụ khách bình dân, vừa phục vụ giới siêu giàu.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA): Hướng đến trở thành đô thị toàn cầu Để trở thành thành phố đáng sống, Đà Nẵng phải là một đô thị toàn cầu. Thành phố cần hoàn thiện quy hoạch đô thị Đà Nẵng hoàn chỉnh, không chỉ là thành phố du lịch mà còn là thành phố đô thị loại 1 của miền Trung và Tây Nguyên, có vai trò vực dậy kinh tế miền Trung và mang tầm thế giới. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần có bản sắc của đô thị biển, hệ thống giao thông tốt. Nhu cầu của giới thượng lưu là phải đến nơi có thể sử dụng du thuyền. Cảng Tiên Sa ngoài phục vụ tàu du lịch 5.000 khách có thể phục vụ du thuyền, từ đó đi sâu vào trong sông Hàn. Mặc dù hệ thống giao thông của Đà Nẵng thuận lợi nhưng chưa có dự án giao thông hiện đại, tốc độ nhanh, kết nối các thành phố như metro. Đồng thời, thành phố cần nghiên cứu thật kỹ để khai thác tài sản thiên nhiên vô giá là bán đảo Sơn Trà… TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Đô thị xanh, bền vững, thông minh và an toàn Thành phố cần xây dựng mô hình giải trí, nghỉ ngơi bảo đảm các tiêu chí “sức khỏe - lành mạnh - hạnh phúc” cho khách du lịch. Song song đó, thành phố nên tối đa hóa khoản tiêu dùng, dịch vụ, hàng hóa, lao động, việc làm để du khách có được sự thư giãn hơn mỗi khi đi du lịch. Xu thế của khách du lịch hiện nay là xanh - nhân văn - an toàn. Từ xu thế này, thành phố có thể phát triển thêm các yếu tố khác là bền vững - thông minh - tiện lợi. Điều này đòi hỏi những nền tảng khác cũng phải đáp ứng để phù hợp, bổ trợ cho phát triển thành phố đáng sống như: y tế, giáo dục, dịch vụ… Bà Đặng Phương Hằng, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam: Cần phát triển lĩnh vực bất động sản Muốn mời các “đại bàng” để phát triển mảng về bất động sản, công nghiệp, logistics…, cần có nguồn nhân lực lớn, bởi vậy Đà Nẵng cần có chính sách để thu hút nguồn nhân lực, kể cả những sinh viên mới ra trường, những nguồn nhân lực cao cấp, người giàu đến Đà Nẵng. Một trong những tiêu chí góp phần tạo nên thương hiệu đáng sống của thành phố chính là bất động sản. Thị trường bất động sản của Đà Nẵng trong 10 năm qua chủ yếu tập trung vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng... Bây giờ, Đà Nẵng cần có khu đô thị mới, kể cả cho người dân bình thường và giới giàu có, siêu giàu. Để đưa được nhà đầu tư bất động sản đến với Đà Nẵng, thành phố cần có những chính sách, điều kiện phát triển đi kèm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư. |
VĂN HOÀNG - CHIẾN THẮNG