Họ là những người bình thường nhưng đã đóng góp công sức cho xã hội bằng những việc làm bình dị, thiết thực, góp phần đưa việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành những điều rất gần gũi trong cuộc sống.
Mặc dù tuổi cao sức yếu, bà Huỳnh Thị Ngân (SN 1937, thôn Giáng Nam 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) vẫn tận tụy với công tác chăm lo, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Bà Ngân chia sẻ, bà thích làm từ thiện hồi còn trẻ, mãi sau này con cái có nghề nghiệp ổn định, kinh tế khá lên bà mới có điều kiện giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.
Nguyễn Thị Tiểu My (xã Hòa Phước) là một trong những hoàn cảnh khó khăn được bà Ngân giúp đỡ. Năm My 18 tuổi, cả ba và mẹ đều mất vì căn bệnh ung thư, một tay My gồng gánh nuôi hai em nhỏ. Biết được tình cảnh như vậy, bà Ngân liền tìm đến hỗ trợ kinh phí và cưu mang để My tiếp tục việc học hành của mình. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, My lặng lẽ cất tấm bằng vào tủ, xin đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), vì thời điểm ấy rất khó xin vào các bệnh viện. My chấp nhận làm công nhân để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi hai em của mình. Bà Ngân lại một lần nữa dang rộng vòng tay để giúp đỡ My vào làm việc tại Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng. Ngoài ra, hằng năm, bà Ngân tặng 2 triệu đồng để giúp 2 đứa hai em của My duy trì việc học tập.
Hễ nghe trong thôn nhà ai nghèo khó, ốm đau, bệnh tật là bà Ngân tới thăm hỏi, động viên rồi tặng quà trị giá 500.000 đồng/suất để giúp họ trang trải ngay lúc khó khăn nhất. Bà quan niệm một miếng khi đói bằng một gói khi no, lúc hoạn nạn là lúc người ta cần mình. Mỗi năm con cháu về sum họp gia đình, bà lại thủ thỉ: “Tụi con đã trưởng thành, sự nghiệp vững vàng cũng là nhờ củ khoai, củ sắn, giàn bầu, giàn mướp của mảnh đất nơi đây. Giờ đây, má chỉ mong tụi con đứa ít đứa nhiều giúp cho má để má có chút tiền giúp đỡ các hoàn cảnh cơ hàn ở xã mình. Mình chỉ cần sống tiết kiệm lại đã có thể san sẻ với người ta rồi”. Tất cả 8 người con của bà đồng lòng ủng hộ bà. Nhờ vậy, bà có nhiều cơ hội giúp cho nhiều người nghèo trong xã.
Gần 10 năm nay, ngày nào cũng vậy, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Giáng Nam 1, xã Hòa Phước tận tụy với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các Chương trình “Thành phố 4 an”, “5 không, 3 có”. Chính sự nhiệt huyết của chị, 5 năm qua, thôn thực hiện tốt mô hình ma chay “4 không” (không rải vàng mã dọc đường, không bài bạc, không kèn nhạc, không hột dưa, thuốc lá). “Nhà ai có đám, bà con đều báo với mình, mình tới nhà vận động. Mọi người hiểu được rồi ai nấy cũng thực hiện. Vì mô hình này giúp bà con tiết kiệm chi phí lại vừa bảo vệ được môi trường”, chị Vân nói.
Đều đặn sáng Chủ nhật hằng tuần, chị kêu gọi mọi người trong thôn chung tay thực hiện ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp, mỗi hộ gia đình ai nấy đều hồ hởi, sẵn sàng hưởng ứng. “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” - có lẽ đúng là như vậy, vì ai cũng mãn nhãn với thành quả mình đã bỏ ra”, chị Vân nói thêm.
Chị Vân phải làm nhiều nghề từ chăn nuôi đến buôn bán mới đủ chăm lo gia đình nhưng vẫn bám trụ với công việc xã hội. Chị tâm huyết với công việc là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn. Khi 2 người con trưởng thành, việc làm ổn định, chị lại vận động con cái ủng hộ mình để có kinh phí làm các việc thiện ở địa phương. Để có thêm kinh phí giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh, chị Vân cùng các hội viên khác thu gom chai lọ, bao bì, rồi phân loại bán thu về hàng triệu đồng để tích lũy nguồn vốn từ thiện.
Theo ông Nguyễn Bút, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phước, bà Ngân, chị Vân cũng như nhiều tấm gương khác trong xã đang lặng lẽ cống hiến cho đời bằng những việc nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Qua đó, góp phần đưa việc học tập, làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, cụ thể, thiết thực.
THANH PHƯƠNG