Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021. Sau khi công bố quyết định của Chính phủ, UBND thành phố đã lập 19 nhiệm vụ triển khai nhưng sau hơn 1 năm, tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu.
Hiện nay, các đơn vị chức năng thực hiện 7/19 nhiệm vụ UBND thành phố giao khi triển khai Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. TRONG ẢNH: Khu vực trung tâm đô thị Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Thực hiện được 7/19 nhiệm vụ
Triển khai thực hiện Quyết định số 359/QĐ-TTg, UBND thành phố đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 10-6-2021 với 19 nhiệm vụ. Theo Báo cáo số 96/BC-UBND ngày 13-4-2022 của UBND thành phố và cập nhật số liệu đến ngày 30-6-2022 theo Công văn số 4685/SXD-QHKT ngày 4-7-2022 của Sở Xây dựng, mới chỉ đạt 7/19 nhiệm vụ.
Cụ thể là các nhiệm vụ: công bố đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển lãm đồ án quy hoạch chung; số hóa và đăng tải tài liệu đồ án; cập nhật đồ án vào dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu không gian đô thị và quy hoạch thành phố Đà Nẵng”; cập nhật tình hình triển khai thực hiện đồ án. Ngoài ra, thực hiện 2 nhiệm vụ hỗ trợ là rà soát, điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng; tham mưu, ban hành kế hoạch xúc tiến đầu tư các dự án ưu tiên đầu tư.
Tuy nhiên, một khối lượng công việc lớn vẫn đang được triển khai thực hiện với 12 nhiệm vụ. Đó là nghiên cứu hình thành Trung tâm thông tin quy hoạch; rà soát, lập quy hoạch các phân khu đô thị, trong đó có bổ sung quy hoạch không gian ngầm; thực hiện rà soát và điều chỉnh các nội dung về lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển các ngành, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển ngành...
Bên cạnh đó, triển khai các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý được phê duyệt tại đồ án quy hoạch chung; rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch chung các xã nông thôn huyện Hòa Vang; rà soát điều chỉnh chương trình phát triển đô thị; lập khu vực phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị; thực hiện mô hình hóa quy hoạch; tổ chức lập và ban hành quy chế quản lý kiến trúc; xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, đất đai; triển khai các dự án ưu tiên đầu tư; triển khai thực hiện hệ thống cơ sở hạ tầng khung như: sân bay, bến cảng và các công trình quan trọng, thiết yếu…; rà soát quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh các chỉ tiêu phù hợp với quy chuẩn và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Báo cáo số 117/BC-HĐND ngày 11-7-2022 của Ban Đô thị HĐND thành phố, việc triển khai đồ án quy hoạch chung vẫn còn chậm, chưa thật sự theo kịp nhu cầu phát triển đô thị và nhu cầu đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố.
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến cho rằng, việc triển khai đồ án còn chậm do nguyên nhân chủ quan bởi khối lượng thực hiện tương đối lớn; nhiều đơn vị tư vấn cùng tham gia, do đó tính khớp nối, đồng bộ của các dự án trong quá trình triển khai lập quy hoạch chưa tốt; chất lượng trong công tác lập, thẩm tra, thẩm định các đồ án quy hoạch không cao; công tác lập quy hoạch phân khu còn chậm, kéo dài, tuy nhiên chưa có giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn
Để bảo đảm việc triển khai thực hiện Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả, đúng tiến độ, Ban Đô thị HĐND thành phố đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo thực hiện các vấn đề lớn như: kiến nghị Quốc hội, bộ, ngành Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định chưa hợp lý, còn bất cập, chồng chéo liên quan công tác quy hoạch nhằm tạo sự thuận lợi và thống nhất trong triển khai thực hiện; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng cho thành phố Đà Nẵng...
Về phía UBND thành phố, trong quá trình triển khai lập các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch trên địa bàn thành phố cần lưu ý bảo đảm các chỉ tiêu và yêu cầu phát triển bền vững đô thị; triển khai đồ án quy hoạch chi tiết phải phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Đặc biệt, hạn chế tình trạng điều chỉnh quy hoạch nhiều lần; điều chỉnh quy hoạch phải bảo đảm tốt hơn đồ án quy hoạch ban đầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tổ chức không gian, hiệu quả sử dụng đất phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và tuân thủ quy định pháp luật về điều chỉnh quy hoạch.
Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến, nhằm tháo gỡ vướng mắc hiện nay, cần tập trung đối với công tác lập quy hoạch phân khu, phải rút ngắn thời gian để hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu trong năm 2022. Đối với công tác lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cũng cần đẩy nhanh tiến độ làm cơ sở cho việc lập quy hoạch các dự án chi tiết cũng như việc khớp nối đồng bộ các hạ tầng kỹ thuật.
“Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh việc triển khai đồ án quy hoạch chung; theo đó đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian lập quy hoạch phân khu đô thị. UBND thành phố lưu ý tính đồng bộ trong tổ chức không gian thiết kế đô thị và tính chất các phân khu, tính kết nối giữa các phân khu; rà soát, điều chỉnh tên gọi các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch các phân khu đã duyệt cho phù hợp quy định; đồng thời rà soát, đề xuất các điểm nhấn đô thị khác trong quy hoạch phân khu; kế hoạch, tiến độ triển khai các dự án ưu tiên; rà soát, điều chỉnh chương trình phát triển đô thị; lập khu vực phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị; mô hình hóa quy hoạch; tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố…” (Nguồn: Văn bản số 3093/UBND-ĐTĐT ngày 6-6-2022 của UBND thành phố về triển khai ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND thành phố liên quan đến công tác triển khai đồ án Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). |
TRIỆU TÙNG