Trong sáng 28-9, ngay sau khi gió bão và mưa giảm mạnh, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão, đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (giữa), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (phải) và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến với Chính phủ sáng 28-9. Ảnh: VŨ QUÂN |
Người lao động trở lại làm việc
Sáng 28-9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thông báo cho người dân đi lại bình thường và cho người dân đi sơ tán về lại nơi ở từ 11 giờ trưa cùng ngày (trừ các hoạt động tắm biển và đi lại đánh bắt trên sông, suối, hồ, đập…). Cán bộ, công chức, viên chức đi làm lại từ 13 giờ 30 ngày 28-9. Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, các doanh nghiệp… chủ động thông báo thời gian cho công nhân, người lao động đi làm việc lại phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị. Các sở, ban, ngành, địa phương theo dõi tình hình thiên tai và tùy tình hình thực tế để sớm khôi phục và triển khai các hoạt động trong ngành, địa phương.
UBND thành phố cũng ban hành Công văn số 5323/UBND-PCTT về việc tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 4 gây ra. Theo đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại trên địa bàn do bão số 4 và lũ sau bão gây ra; vận động các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường; quan tâm hỗ trợ các gia đình khó khăn; chỉ đạo chằng chống cây xanh ngã đổ và phấn đấu hoàn thành trước 17 giờ ngày 1-10.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan dọn dẹp, xử lý vệ sinh môi trường và hoàn thành trước ngày 30-9. Sở Xây dựng chủ trì, chỉ đạo khắc phục hệ thống cấp nước sinh hoạt và hoàn thành trước 20 giờ ngày 28-9; xử lý hệ thống thoát nước không để ngập úng.
Sở Xây dựng chủ trì, chỉ đạo chằng chống cây xanh ngã đổ trên các tuyến đường do thành phố quản lý, phấn đấu hoàn thành trước 17 giờ ngày 1-10; khắc phục thiệt hại hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, hoàn thành trước 17 giờ ngày 30-9.
Sở Công Thương làm việc với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng khắc phục những nơi điện hư hỏng và hoàn thành trước 17 giờ ngày 29-9.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, khắc phục sạt lở trên các tuyến đường giao thông theo phân cấp quản lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất đúng thời vụ, khắc phục thiệt hại trong ngành nông nghiệp.
Sở Thông tin và Truyền thông làm việc với các đơn vị truyền thông để khắc phục sự cố viễn thông trước 14 giờ ngày 29-9.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND thành phố nguồn kinh phí để các sở, ban, ngành, địa phương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Các sở, ban, ngành khác kiểm tra, xử lý khắc phục thiệt hại, bảo đảm chức năng, nhiệm vụ được giao.
Các lực lượng khắc phục hậu quả sau bão số 4. Ảnh: VĂN HOÀNG - LÊ HÙNG |
Nhanh chóng thông đường, khôi phục sản xuất
Ông Nguyễn Phùng Hiền, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, đơn vị đã huy động 100% lực lượng ra quân phân luồng, khắc phục hậu quả bão số 4. Đồng thời, bám sát địa bàn, bảo đảm an toàn giao thông; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, chốt chặn, hướng dẫn, kiểm soát giao thông, cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm tràn, nơi sạt lở nguy hiểm, kiên quyết không cho người và phương tiện đi lại nơi tiềm ẩn tại nạn giao thông; huy động lực lượng hỗ trợ, dọn dẹp cây cối ngã đổ ra đường...
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính đến cuối giờ chiều 28-9, có 9/10 sân bay hoạt động khai thác trở lại sau cơn bão số 4 (Noru). Các sân bay Chu Lai, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Vinh, Tuy Hòa, Phù Cát, Đà Nẵng đã lần lượt hoàn thành thủ tục mở cửa trở lại. Sân bay Đà Nẵng mở cửa lại lúc 14 giờ. Ngành đường sắt thông báo chạy lại bình thường các tuyến tàu Bắc - Nam từ tối 28-9 trên tất cả các tuyến.
Các lực lượng khắc phục hậu quả sau bão số 4. Ảnh: VĂN HOÀNG - LÊ HÙNG |
Trong sáng 28-9, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện và các đơn vị quân đội, công an, biên phòng... cùng các hội, đoàn thể nhanh chóng triển khai lực lượng thu gọn các cây xanh ngã đổ, các vật dụng, cát... trên các tuyến đường để bảo đảm giao thông và vệ sinh môi trường.
Để chủ động hoàn thành cơ bản việc thu gom rác cây xanh và các loại rác cồng kềnh trong ngày 29-9, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện chủ động phối hợp các đơn vị thu gom, vận chuyển rác lên kế hoạch chi tiết để triển khai.
Đồng thời báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường nhu cầu về xe vận chuyển cần huy động thêm trong tối 28-9 để kịp triển khai vận chuyển rác trên đường phố, khu dân cư ngay từ sáng 29-9. Ngoài ra, dự kiến trong 2-3 ngày đến, tại các bãi biển sẽ phát sinh khối lượng rác rất lớn. Sau khi hoàn thành tổng dọn vệ sinh trên đường phố và khu dân cư ở các địa phương ven biển, các đơn vị chủ động triển khai thu gom rác trên các bãi biển.
Cũng trong ngày 28-9, tại các khu chợ truyền thống, tiểu thương tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường quầy hàng và khu vực xung quanh chợ để nhanh chóng khôi phục hoạt động buôn bán, phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa lương thực, thực phẩm của người dân.
Các cô giáo Trường mầm non Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) tổng dọn vệ sinh trường lớp để đón học sinh trở lại trường. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Trong khi đó, ghi nhận tại các vùng sản xuất rau sạch trên địa bàn thành phố trong ngày 28-9, sau khi bão số 4 (Noru) đi qua, một số diện tích rau màu bị hư hại, ngập trong nước. Tại vùng sản xuất rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), một số diện tích bị ngập nước, gây thiệt hại rau màu. Nông dân vùng sản xuất rau an toàn La Hường đang sản xuất khoảng 6ha rau, củ, quả các loại, trong đó, 5ha diện tích có thể thu hoạch. Từ trước bão, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn La Hường đã vận động bà con ra đồng, khẩn trương thu hoạch. Hiện một số diện tích rau màu của nông dân vẫn đang bị ngâm trong nước. Tại vùng rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), nông dân đang tập trung dọn dẹp sau bão, nhanh chóng trồng trọt trở lại...
Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với bão số 4 sáng 28-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa trong phòng, chống bão. Thủ tướng Chính phủ liên tục có các cuộc họp, ban hành các công điện đề ứng phó bão khi bão còn ở rất xa. Hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị kỹ lưỡng. Điều quan trọng nữa, theo Phó Thủ tướng, là sự tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Thủ tướng, của cấp ủy, chính quyền. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp đầy đủ thiệt hại do bão gây ra, báo cáo thường trực Ban Chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm khắc phục hậu quả của bão. |
NHÓM PV PHÒNG KINH TẾ