Phó Chủ tịch nước: Phụ nữ khuyết tật tiêu biểu là gương sáng, truyền cảm hứng về ý thức vươn lên

.

Sáng 18-10, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu phụ nữ khuyết tật tiêu biểu nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam 20-10.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đại biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đại biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bày tỏ tình cảm trân trọng khi gặp mặt phụ nữ khuyết tật tiêu biểu trên khắp cả nước, Phó Chủ tịch nước thông tin việc Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao. Trên tinh thần nhất quán quan điểm tiến bộ và công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, Đảng, Nhà nước đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về các đối tượng yếu thế, trong đó có người khuyết tật, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa và điều kiện khó khăn…, đạt được nhiều thành tựu trong các mục tiêu thiên niên kỷ. 

Phó Chủ tịch nước biểu dương và hoan nghênh các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Liên Hiệp hội về người khuyết tật, không ngừng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo cả về điều kiện vật chất lẫn tinh thần, góp phần cùng với chính sách của Nhà nước để thực hiện tốt hơn việc chăm lo cho các đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có người khuyết tật.

Trong bối cảnh cả nước quyết tâm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, nguồn nhân lực chất lượng có vai trò rất quan trọng để vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay. Phó Chủ tịch nước bày tỏ sự trân trọng tinh thần vươn lên với thái độ sống tích cực của các tấm gương người khuyết tật tiêu biểu ở mọi vùng miền của Tổ quốc, truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh, trở thành người phụ nữ có trí tuệ, trình độ, tích cực đóng góp vào xây dựng chính sách phát triển đất nước.

Hiện cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó phụ nữ chiếm 58% và khuyết tật nặng chiếm 29%. Đây là thách thức đặt ra đối với nguồn lực của Nhà nước, xã hội cũng như chính bản thân và gia đình của những người khuyết tật. Phó Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành ghi nhận những kiến nghị xác đáng để rà soát lại luật pháp, chính sách, trong đó có Luật Người khuyết tật; từ đó, có những đề xuất sát hơn với thực tiễn cuộc sống và xu hướng phát triển của đất nước.

Phó Chủ tịch nước mong muốn Liên Hiệp hội về người khuyết tật và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới các nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới; nghiên cứu các cách thức tiếp cận và hỗ trợ tiên tiến của các nước trên thế giới để có các biện pháp hỗ trợ người khuyết tật phù hợp với mặt bằng phát triển kinh tế của đất nước nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội vươn lên, khẳng định vị trí của mình và trở thành một nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Phó Chủ tịch nước tin tưởng những phụ nữ khuyết tật tiêu biểu tiếp tục là tấm gương sáng, lan tỏa tư duy năng động, sáng tạo, có những việc làm ý nghĩa để truyền cảm hứng cho những người khuyết tật nói riêng, các thế hệ thanh niên nói chung, có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

Cảm ơn Phó Chủ tịch nước dành thời gian gặp mặt đoàn, bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên Hiệp hội về người khuyết tật cho biết, công tác phát triển tổ chức hội luôn được quan tâm, chú trọng với phương châm "ở đâu có tổ chức của người khuyết tật, người khuyết tật của địa phương đó được thụ hưởng chính sách tốt hơn". Thời gian tới, Liên Hiệp hội về người khuyết tật sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người khuyết tật, góp phần nâng cao hiểu biết, tăng cường thúc đẩy hiện thực hóa quyền của người khuyết tật. Đồng thời, Liên Hiệp hội có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để trở thành "ngôi nhà chung gắn kết, chia sẻ" của người khuyết tật với cộng đồng và ngược lại. 

Liên Hiệp hội về người khuyết tật được thành lập vào năm 2010 với 7 tổ chức hội cấp Trung ương, 28 tổ chức hội cấp tỉnh, thành phố. Hoạt động của Liên hiệp hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật, thúc đẩy hiện thực hóa quyền của người khuyết tật, tăng cường tạo điều kiện, góp phần xóa bỏ định kiến, rào cản xã hội để người khuyết tật hòa nhập một cách bình đẳng và đầy đủ, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.