Phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được các cơ sở Đoàn trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện với nhiều hoạt động ý nghĩa, cách làm hay, hiệu quả. Qua đó, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức của người dân, đoàn viên, thanh niên bảo vệ môi trường.
Tuổi trẻ phường Phước Ninh (quận Hải Châu) thu gom rác thải nhựa để bán lấy kinh phí thực hiện các hoạt động Đoàn và công tác an sinh xã hội tại địa phương. Ảnh: NGỌC QUỐC |
Năm 2019, Thành Đoàn phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong công tác thu gom, tái chế rác thải sinh hoạt tại nguồn, hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa. Trên cơ sở chỉ đạo của Thành Đoàn, các cơ sở Đoàn ban hành kế hoạch thực hiện phong trào, đồng thời phối hợp các cơ quan chuyên môn thường xuyên triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả tại địa phương. Trong quá trình thực hiện xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm nổi bật như mô hình “Thùng rác công cộng”, “Khu dân cư phân loại rác”, “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa”, “Chợ giảm túi nilon”, “Đô thị giảm nhựa”, “Góc xanh thanh niên”, “Đổi rác lấy quà”…
Đều đặn mỗi tháng 1 lần, đoàn viên, thanh niên phường Tân Chính (quận Thanh Khê) ra quân thực hiện mô hình “Đô thị giảm nhựa”. Đoàn viên, thanh niên trực tiếp đến nhà người dân thu gom rác thải đồng thời tuyên truyền về việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đoàn viên, thanh niên tặng người dân các loại túi phân loại rác tại nguồn. Trong đó 1 túi sẽ dùng đựng rác hữu cơ, túi còn lại đựng rác thải nhựa, rác phế liệu. Các loại túi có thể sử dụng được nhiều lần, thân thiện với môi trường.
Chị Phan Lê Diệu Phương (phường Tân Chính) cho biết, trước đây, rác thải sinh hoạt vô cơ và hữu cơ của gia đình đều được gộp chung vào 1 bao nilon. Từ khi được đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đến tuyên truyền phân loại rác tại nguồn và được tặng các loại túi đựng rác thân thiện với môi trường, gia đình chị Phương dần ý thức hơn trong việc phân loại rác thải.
“Ngoài những rác thải vô cơ được thu gom hằng ngày, gia đình tôi giữ lại những rác thải hữu cơ như chai nhựa, phế liệu, giấy vào một bao riêng. Đều đặn hằng tháng, rác thải hữu cơ được các bạn trẻ đến thu gom, sau đó bán cho các cơ sở kinh doanh phế liệu lấy kinh phí sinh hoạt và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Tôi hy vọng, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ ngày càng lan tỏa, từ đó góp phần bảo vệ môi trường sạch, đẹp, văn minh”, chị Phương chia sẻ.
Anh Trần Bình Minh, Bí thư Chi đoàn 20 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho biết, từ đầu năm đến nay, thực hiện mô hình “Khu dân cư phân loại rác thải”, Chi đoàn tổ chức ra quân 4 đợt nhằm thu gom rác thải phế liệu tại khu dân cư. Số rác phế liệu sau khi bán đi mang lại nguồn kinh phí hơn 5 triệu đồng, là cơ sở để thực hiện các hoạt động sinh hoạt Đoàn và công tác an sinh xã hội như tổ chức chương trình vui chơi, trao quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Bí thư Đoàn phường Hòa Cường Bắc Võ Lê Kim Ngân cho biết, trong mỗi đợt ra quân thực hiện mô hình “Khu dân cư phân loại rác thải”, đoàn viên, thanh niên tại 23 chi đoàn trên địa bàn trực tiếp đến nhà người dân thu gom rác thải phế liệu. Bên cạnh đó, các chi đoàn cũng tiến hành thu gom rác thải nhựa tại những thùng sắt đặt cố định ở mỗi khu dân cư. Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn luôn được đoàn viên, thanh niên chú trọng thực hiện trong những đợt ra quân.
Theo Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Nguyễn Thị Anh Thảo, phong trào “Chống rác thải nhựa”, các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đề xuất ý tưởng bảo vệ môi trường sẽ được Thành Đoàn và các cơ sở Đoàn tiếp tục triển khai rộng khắp, hiệu quả trong thời gian tới.
“Chúng tôi sẽ chú trọng đến công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ đoàn, hội, đội và lực lượng nòng cốt về các hoạt động phân loại rác thải, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Thành Đoàn tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đoàn viên, thanh niên và người dân trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần chung tay xây dựng thành phố Đà Nẵng - thành phố môi trường”, chị Nguyễn Thị Anh Thảo chia sẻ.
NGỌC QUỐC