Nỗ lực cải thiện chỉ số cải cách hành chính

.

Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) được triển khai từ năm 2012, là công cụ để theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính (CCHC) hằng năm tại các bộ, ngành, địa phương. Kể từ khi triển khai đến nay, Đà Nẵng luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng thứ hạng và hiệu quả CCHC để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hoạt động giao dịch tại bộ phận
Hoạt động giao dịch tại bộ phận "Một cửa" Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY

Trở lại tốp đầu

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn cho biết, sau 5 năm liên tục dẫn đầu về kết quả đánh giá (2012-2016), đến giai đoạn 2017-2020, thành phố lần lượt thứ 4 và thứ 6. Qua kết quả công bố cho thấy, điểm do Bộ Nội vụ thẩm định với kết quả tự đánh giá hằng năm có sự chuyển biến qua các năm. Mặc dù các năm 2017 và 2018, Đà Nẵng xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; năm 2019, 2020 xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, nhưng điểm thẩm định  xếp thứ 2/63. Năm 2021, thành phố đã có sự trở lại trong top 5 địa phương dẫn đầu, vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PAR INDEX 2021 (thuộc nhóm A).

Theo ông Sơn, một số tiêu chí từ kết quả thẩm định qua các năm thành phố chưa đạt điểm số hoàn chỉnh theo bộ chỉ số, như: công tác chỉ đạo điều hành, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính. Đối với kết quả điểm tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, ngoại trừ năm 2021 đạt điểm tối đa 6/6, còn các năm trước đó, một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt như tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong năm, thực hiện thu ngân sách hằng năm của tỉnh theo kế hoạch được Chính phủ giao, tỷ lệ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do HĐND thành phố giao...

Đối với kết quả khảo sát Sipas, việc giải quyết TTHC vẫn còn tỷ lệ trễ hẹn khá cao, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn tập trung vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng và lý lịch tư pháp. Theo ông Sơn, thời gian tới thành phố cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, nhất là những lĩnh vực phức tạp, liên quan thường xuyên, trực tiếp đến phát triển kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân như: đất đai, xây dựng, đầu tư kinh doanh... Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc về xử lý vi phạm trong quá trình giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết TTHC.

Liên quan đến công chức, kết quả khảo sát giai đoạn 2017-2021 cho thấy, người dân vẫn phải đi lại nhiều lần để giải quyết TTHC. Đà Nẵng là địa phương triển khai từ khá sớm việc tiến hành xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hạn trên thực tế. Tuy nhiên, thực tế triển khai và qua kết quả khảo sát cho thấy, việc thông báo trễ hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ chưa kịp thời, vẫn còn nhiều hồ sơ trễ hẹn chưa được thông báo và chưa tiến hành xin lỗi theo quy định. Tỷ lệ thông báo của năm 2021 và năm 2017 tiệm cận gần bằng nhau, và thấp gần gấp đôi các năm 2018, 2019 với tỷ lệ đạt trên 60%.

Biểu đồ các chỉ số hài lòng về nội dung thủ tục hành chính. Ảnh: PV
Biểu đồ các chỉ số hài lòng về nội dung thủ tục hành chính. Ảnh: PV

Nỗ lực cải thiện chỉ số cải cách hành chính

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng nhìn nhận, qua việc phân tích, tổng hợp kết quả PAR INDEX giai đoạn 2012-2021 giúp thành phố nhìn nhận các điểm mạnh, tích cực để phát huy, đồng thời thấy rõ các mặt hạn chế, tồn tại dẫn đến mất điểm ở các tiêu chí đánh giá. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng cường giải pháp để khắc phục nhằm cải thiện điểm số, nâng cao chất lượng CCHC.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Phan Thị Thắng Lợi, nhằm cải thiện chỉ số CCHC, quận tập trung triển khai đề án nâng cao hiệu quả công tác CCHC giai đoạn 2020-2025, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp giao các đơn vị thực hiện. Hằng năm, quận tổ chức cuộc thi sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các phòng, ngành chức năng quận, góp phần đơn giản hóa TTHC; xây dựng kế hoạch và tổ chức chuyển đổi vị trí công tác đối với các lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, kế toán, địa chính, xây dựng… Quận thực hiện nghiêm chế độ công vụ, chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là công chức bộ phận “Một cửa”, nghiên cứu các giải pháp đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho công dân, tổ chức...

Quận Thanh Khê chỉ đạo cập nhật đầy đủ 100% hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, UBND 10 phường được quy định tại Bộ TTHC hiện hành vào phần mềm "Một cửa" điện tử; trong đó, hạn chế tối đa hồ sơ trễ hẹn, quá hạn trên phần mềm, thực hiện tốt việc ký số điện tử, xây dựng quy trình giải quyết TTHC quy định rõ thời gian giải quyết của từng bộ phận và đưa quy trình số hóa hồ sơ vào quy trình chung giải quyết TTHC tại đơn vị.

Trưởng phòng Nội vụ huyện Hòa Vang Ngô Duy Quang cho hay, huyện chỉ đạo rà soát, đề xuất biện pháp khắc phục những hạn chế liên quan đến trách nhiệm thực hiện quy trình luân chuyển hồ sơ, mối quan hệ phối hợp xử lý đối với hồ sơ, TTHC liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi giải quyết, về thời gian xử lý, quy trình, thành phần hồ sơ. Trong khi đó, tại quận Cẩm Lệ, từ đầu tháng 12-2022, quận triển khai áp dụng phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tự động khảo sát chất lượng dịch vụ công trên địa bàn. Qua đó, kịp thời nắm bắt chất lượng dịch vụ công, phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế để nâng cao chất lượng dịch vụ công trên địa bàn quận.

PAR INDEX là công cụ để theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC tại các bộ, tỉnh, thành hằng năm. Điểm thẩm định đánh giá là 66,5 điểm, bao gồm điểm tự thẩm định đánh giá (theo 7 trục tiêu chí) là 60,5 điểm, điểm tác động đến phát triển kinh tế - xã hội là 6 điểm. Bộ tiêu chí có sự thay đổi qua các năm đánh giá, nhưng chung nhất đối với cấp tỉnh, Bộ chỉ số bao gồm 8 lĩnh vực, 43 tiêu chí, 102 tiêu chí thành phần. Đối với công tác điều tra xã hội học, tổng điểm theo thang điểm đánh giá của Bộ Nội vụ là 33,5 điểm, chia theo nhóm 2 đối tượng, gồm điều tra đại biểu HĐND; lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo phòng, ban thuộc sở và lãnh đạo UBND các quận, huyện được lựa chọn (23,5 điểm) và kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức (Sipas) trên địa bàn thành phố (10 điểm).

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.