ĐNO - Từ nửa sau thập niên 1950, người Đà Nẵng đã vinh danh nhiều phụ nữ có công với nước qua việc đặt tên đường phố.
Tuyến đường Hồ Xuân Hương trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Trước tiên là đường Trưng Nữ Vương trên địa bàn quận Hải Châu - được đổi tên từ Route Quảng Nam vào năm 1962 - vinh danh Trưng Trắc (14-43) quê Vĩnh Phúc, là thủ lĩnh khởi binh chống lại sự xâm lược của nhà Đông Hán Trung Quốc, lập ra một quốc gia với kinh đô Mê Linh và tự phong là Trưng Nữ Vương (người em sinh đôi với Trưng Nữ Vương là Trưng Nhị được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2009; mẹ của Trưng Trắc và Trưng Nhị là Man Thiện được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2012; chồng Trưng Trắc là Thi Sách được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2003).
Tiếp nữa là đường Triệu Nữ Vương trên địa bàn quận Hải Châu - được đổi tên từ Rue Labbée vào năm 1958 - vinh danh Triệu Thị Trinh (226-248) quê Thanh Hóa, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đông Ngô Trung Quốc (anh ruột Triệu Thị Trinh là Triệu Quốc Đạt được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2014).
Đường Nguyễn Thị Giang trên địa bàn quận Hải Châu vinh danh Nguyễn Thị Giang (1909-1930) quê gốc Hà Nội nhưng sinh ra và lớn lên ở Bắc Giang, tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 (sau năm 1975, tên đường Nguyễn Thị Giang được thay bằng tên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đến năm 1998 được đặt lại cũng ở quận Hải Châu trên cơ sở đổi tên đường Yên Bái nối dài thành đường Cô Giang; chị ruột Cô Giang là Cô Bắc và chồng của Cô Giang là Nguyễn Thái Học cũng được được đặt tên đường ở quận Hải Châu từ năm 1958);
Đường Đoàn Thị Điểm trên địa bàn quận Hải Châu vinh danh Đoàn Thị Điểm (1705-1748) quê Hưng Yên, là tác giả tập truyện chữ Hán Truyền kỳ tân phả và là một trong những người dịch ra quốc âm truyện thơ chữ Hán Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn.
Cuối cùng là đường Hà Thị Thân trên địa bàn quận Sơn Trà bắt đầu từ bến đò Hà Thân bên hữu ngạn sông Hàn - về nhân vật này hiện đang có hai cách hiểu khác nhau: Thứ nhất cho đây là một người phụ nữ thuộc lớp tiên dân quảng-nam-mở-cõi; thứ hai cho đây là một người đàn ông Champa - quan chức bản địa họ Bà tên Thân.
Trong hơn hai thập niên là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1975-1996), Đà Nẵng tiếp tục vinh danh nhiều phụ nữ qua việc đặt tên đường phố.
Ngay trong năm 1975, đường Nguyễn Thị Giang và đường Tự Đức trên địa bàn quận Hải Châu được đổi thành đường Nguyễn Thị Minh Khai để vinh danh Nguyễn Thị Vịnh (1910-1941) quê Nghệ An - một trong những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn tại Hóc Môn năm 1941.
Năm 1984, ở Thanh Khê có một đường phố mang tên Thái Thị Bôi (1911-1938) quê Đà Nẵng, chủ hiệu sách Việt Quảng, một trong những yếu nhân của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng (chú ruột của Thái Thị Bôi là Thái Phiên được đặt tên đường ở quận Hải Châu từ nửa sau thập niên 1950, chồng Thái Thị Bôi là Lê Văn Hiến được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn năm 1998).
Năm 1995, trên địa bàn quận Liên Chiểu có con đường mang tên Âu Cơ - nhân vật nữ chính trong truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên về cội nguồn dân tộc Việt (chồng Âu Cơ là Lạc Long Quân được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu vào năm 1999); trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có con đường mang tên Hồ Xuân Hương (1772-1822) quê Nghệ An, tác giả của nhiều bài thơ Nôm nổi tiếng như Bánh trôi nước, Đèo Ba Dội, Mời trầu, Đánh đu, Khóc ông phủ Vĩnh Tường, Thiếu nữ ngủ ngày…, người được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2021.
Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có thêm nhiều con đường vinh danh phụ nữ, chẳng hạn năm 1998 có con đường ở quận Ngũ Hành Sơn mang tên Huyền Trân Công Chúa (1287-1340) quê Nam Định, người bằng cuộc hôn nhân nước non ngàn dặm của mình đã góp công lớn vào quá trình quảng-nam-mở-cõi (cha của Huyền Trân Công Chúa là Trần Nhân Tông được đặt tên đường ở quận Sơn Trà vào năm 2007, anh ruột là Trần Anh Tông được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu vào năm 2006); năm 1999 có con đường ở quận Thanh Khê mang tên Mẹ Nhu/ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Dãnh (1914-1968) quê Đà Nẵng - nguyên mẫu tượng đồng Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, dựng trên đường Điện Biên Phủ; đồng thời là nguồn cảm hứng để nhà thơ Đông Trình sáng tác trường ca Từ chiếc tao đời mẹ ru với hơn 1.000 câu thơ lục bát và được nhạc sĩ Minh Đức phổ một số đoạn thơ thành ca khúc mang tên Mẹ quê hương - và có con đường trên địa bàn ba quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Hải Châu - gắn với cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn - mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Lý (1933-1992) quê Quảng Nam - nhân vật trữ tình trong bài thơ Người con gái Việt Nam của nhà thơ Tố Hữu. Năm 2000 có con đường ở quận Ngũ Hành Sơn mang tên Bà Huyện Thanh Quan/ Ngô Thị Hinh (1805-1848) quê Hà Nội - người sáng tác khá nhiều thơ Nôm, nhưng đa số thất lạc, chỉ còn lại rất ít trong đó có mấy bài tiêu biểu như Qua Đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà, Thăng Long hoài cổ, Buổi chiều lữ thứ…; còn trên địa bàn quận Sơn Trà có con đường mang tên Bùi Thị Xuân (1752-1802) quê Bình Định - một nữ tướng tài năng của nhà Tây Sơn (chồng của Bùi Thị Xuân là Trần Quang Diệu được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 1999) và con đường mang tên Ngọc Hân (1770-1799) quê gốc Thanh Hóa nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội - công chúa nhà Hậu Lê và là tác giả bài thơ khóc chồng Ai tư vãn (chồng của Ngọc Hân là Quang Trung được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào nửa đầu thập niên 1950).
Năm 2002, trên địa bàn quận Sơn Trà có con đường mang tên Lê Chân (20-43) quê Quảng Ninh, một trong những nữ tướng xuất sắc của Hai Bà Trưng và được xem là Thành hoàng của Hải Phòng; trên địa bàn quận Thanh Khê có con đường mang tên Lê Thị Xuyến (1909-1996), đại biểu nữ duy nhất được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội khóa I (chồng của Lê Thị Xuyến là Phan Thanh được đặt tên đường cũng ở quận Thanh Khê vào năm 1994; em ruột chồng là Phan Bôi được đặt tên đường ở quận Sơn Trà vào năm 2002).
Năm 2003, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có con đường mang tên Bà Bang Nhãn/ Lê Thị Liễu (1853-1927) quê Quảng Nam, tác giả hai bài thơ chữ Nôm về Đà Nẵng: Qua cửa Hàn và Vịnh Ngũ Hành Sơn, trên địa bàn quận Sơn Trà có con đường mang tên nhà thơ Sương Nguyệt Anh/ Nguyễn Thị Khuê (1864-1921) quê Bến Tre, chủ bút tờ Nữ giới chung/ Tiếng chuông của nữ giới - tờ báo đầu tiên ở Việt Nam đương thời chú trọng đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán những luật lệ khắt khe đối với nữ giới, và để vinh danh nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam, nhân kỷ niệm 105 năm ngày ra đời tờ Nữ giới chung (1918-2023), đầu tháng 2 năm 2023 trên trang chủ tìm kiếm của Google, họa sĩ Camelia Phạm đã dựa vào một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của bà là bài Cây mai để vẽ một bình hoa mai bên cạnh chân dung Sương Nguyệt Anh (cha của Sương Nguyệt Anh là nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu năm 2003), và trên địa bàn quận Hải Châu có con đường mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu (1933-1952) quê Bà Rịa-Vũng Tàu - nguồn cảm hứng nghệ thuật để nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu vào năm 1958, được vinh danh trên tem Bưu chính Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1945-1970) và để đạo diễn Lê Dân làm phim Người con gái Đất Đỏ vào năm 1994.
Năm 2004, người Đà Nẵng tiếp tục vinh danh Thiếu tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Định (1920-1992) quê Bến Tre qua việc đặt tên bà cho một con đường ở quận Sơn Trà. Năm 2006, trên địa bàn hai quận Hải Châu và Cẩm Lệ có con đường mang tên Liệt sĩ-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mạc Thị Bưởi (1927-1951) quê Hải Dương - năm 1956 Mạc Thị Bưởi còn được vinh danh qua việc Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem Anh hùng Mạc Thị Bưởi với bốn mẫu tem do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế; trên địa bàn quận Liên Chiểu có con đường mang tên Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thập/ Nguyễn Thị Ngọc Tốt (1908-1996) quê Tiền Giang, là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng vào năm 1985.
Năm 2007 trên địa bàn quận Sơn Trà có con đường mang tên Dương Vân Nga (952-1000) quê Ninh Bình (chồng Dương Vân Nga là Đinh Tiên Hoàng được đặt tên đường trên địa bàn quận Thanh Khê và Hải Châu vào năm 1958 và được điều chỉnh vào năm 2008), trên địa bàn quận Hải Châu có con đường mang tên Liệt sĩ-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Hồng Gấm (1951-1970) quê Tiền Giang - nhân vật trữ tình trong ca khúc Những cánh chim Hồng Gấm của nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác năm 1971. Năm 2008, trên địa bàn quận Hải Châu có con đường mang tên Nghệ sĩ nhân dân Ngô Thị Liễu (1908-1984) quê Quảng Trị - Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Tuồng Việt Nam, một trong những nghệ sĩ tuồng tiêu biểu của Đoàn Tuồng Liên khu V (chồng Ngô Thị Liễu là Nguyễn Lai được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2005), và trên địa bàn quận Sơn Trà có con đường mang tên Liệt sĩ-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hồng (1925-1968) quê Quảng Nam.
Năm 2009, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có một đường phố mang tên Châu Thị Vĩnh Tế (1766-1826) quê Vĩnh Long, người được vua Minh Mạng đặt tên cho núi Sam ở Châu Đốc là Vĩnh Tế sơn (chồng của Châu Thị Vĩnh Tế là Nguyễn Văn Thoại được đặt tên đường ở giữa hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn vào năm 2006); trên địa bàn quận Liên Chiểu có một đường phố mang tên Phan Thị Nể (1915-1998) quê Quảng Nam (chồng là Võ Chí Công được đặt tên đường ở hai quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn vào năm 2013); trên địa bàn quận Hải Châu có một đường phố mang tên Ỷ Lan Nguyên Phi (1044-1117) quê Hà Nội - người phụ nữ có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống năm 1076 (chồng của Ỷ Lan Nguyên Phi là Lý Thánh Tông được đặt tên đường ở quận Sơn Trà vào năm 2002, con trai là Lý Nhân Tông được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2007) và một đường phố mang tên Bác sĩ Liệt sĩ-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thùy Trâm (1942-1970) quê Thừa Thiên Huế, tác giả cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được dịch ra nhiều thứ tiếng, được báo chí nước ngoài bình luận như một Nhật ký Anne Frank của Việt Nam và được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành phim Đừng đốt vào năm 2009.
Năm 2010, trên địa bàn quận Thanh Khê có một đường phố mang tên Liệt sĩ-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Tính (1940- 1967) quê Quảng Nam - Bí thư Quận ủy đầu tiên của Quận Nhì thuộc Đặc khu Quảng Đà, một đường phố mang tên Liệt sĩ-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Bảy (1948-1970) quê Quảng Nam và một đường phố mang tên Mẹ Hiền/ Lê Thị Hiền (1901-1983) quê Đà Nẵng - người đóng góp lớn vào chiến công của bảy Dũng sĩ Thanh Khê năm 1968; trên địa bàn quận Hải Châu có một đường phố mang tên một nhà thơ hoàng tộc nhà Nguyễn là nữ sĩ Mai Am (1826-1904) quê Thừa Thiên Huế, tác giả tập thơ chữ Hán Diệu Liên thi tập (Diệu Liên là hiệu của Mai Am) xuất bản năm 1867 (cha của Mai Am là vua Minh Mạng và hai anh ruột của Mai Am là Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương cùng được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn năm 2012) và một đường phố mang tên Ngô Chi Lan (1434-1497) quê Hà Nội (anh cô cậu ruột của Ngô Chi Lan là Lê Thánh Tông được đặt tên đường ở quận Hải Châu từ nửa đầu thập niên 1950); trên địa bàn quận Cẩm Lệ có một đường phố mang tên Nhất Chi Mai/ Phan Thị Mai (1934-1967) quê Tây Ninh - người phụ nữ tự thiêu ở chùa Từ Nghiêm Sài Gòn để phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam.
Năm 2011, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có ba con đường vinh danh ba phụ nữ: Một là con đường mang tên Bát Nàn Công Chúa (17-43) quê Phú Thọ, nữ tướng của Hai Bà Trưng, hai là con đường mang tên Hoàng Thiều Hoa (3-41) cũng quê Phú Thọ, nữ tướng của Hai Bà Trưng và ba là con đường mang tên Liệt sĩ-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng (1925-1968) quê Bạc Liêu; trên địa bàn quận Sơn Trà có một con đường mang tên Liệt sĩ-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Ba (1952-1973) quê Quảng Nam.
Năm 2012, người Đà Nẵng tiếp tục vinh danh nhiều phụ nữ qua các con đường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn mang tên những người làm văn học nghệ thuật hoặc là nguyên mẫu của sáng tạo văn học nghệ thuật như An Tư Công Chúa (chưa rõ năm sinh năm mất) - nhân vật chính trong tiểu thuyết lịch sử An Tư của Nguyễn Huy Tưởng sáng tác năm 1943 đăng báo Tri tân từ 15 tháng 6 năm 1944 đến 12 tháng 7 năm 1945, cũng là nhân vật chính trong vở tuồng lịch sử An Tư công chúa của Tống Phước Phổ (cha của An Tư công chúa là Trần Thái Tông được đặt tên đường ở quận Thanh Khê năm 2002; anh ruột là Trần Thánh Tông được đặt tên đường ở quận Sơn Trà vào năm 2007), như Liệt sĩ-nhà văn Dương Thị Xuân Quý (1941-1969) quê Hưng Yên, hy sinh trên chiến trường Quảng Đà, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 với truyện Chỗ đứng và tập truyện ký Hoa rừng, như nhà thơ Anh Thơ/ Vương Kiều Ân (1918-2005) quê Bắc Giang - tác giả tập thơ Bức tranh quê xuất bản năm 1941 và đoạt giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001 với các tập thơ: Hoa dứa trắng, Quê chồng và truyện thơ Kể chuyện Vũ Lăng và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật với tập thơ Bức tranh quê và tập hồi ký Từ bến sông Thương, như hai nhà thơ Vân Đài Nữ Sĩ/ Đào Thị Minh (1903-1964) quê Hà Nội và Hằng Phương Nữ Sĩ/ Lê Hằng Phương (1908-1983) quê Quảng Nam - đồng tác giả tập thơ Hương xuân (cùng với hai nhà thơ nữ Anh Thơ và Mộng Tuyết) do Nhà xuất bản Nguyễn Du ấn hành năm 1943 (chồng của Hằng Phương là Vũ Ngọc Phan được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu vào năm 2003).
Năm 2012 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn còn có đường phố mang tên Liệt sĩ Huỳnh Thị Một (1952-1969) quê Đà Nẵng. Cũng trong năm 2012, ở quận Sơn Trà có một đường phố mang tên Liệt sĩ Đinh Thị Hòa (chưa rõ năm sinh, hy sinh năm 1947) quê Đà Nẵng - người được đặt tên cho Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của Khu Đông - Chi bộ Đinh Thị Hòa; ở quận Cẩm Lệ có một đường phố mang tên Liệt sĩ-Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Ngân/ Phạm Thị Vân (1921-1949) quê gốc Nam Định nhưng sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, Bí thư Trung ương đầu tiên của Hội Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam (chồng là Hoàng Văn Thụ được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 1975) và một đường phố mang tên Hoàng Thị Ái (1900-2004) quê Quảng Trị, từng làm công nhân nhà máy chè Tourane, Bí thư Trung ương thứ hai của Hội Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam thay Hoàng Ngân (chồng là Nguyễn Phong Sắc được đặt tên đường cũng ở quận Cẩm Lệ vào năm 2006); ở quận Liên Chiểu có một đường phố mang tên Huỳnh Thị Bảo Hòa/ Huỳnh Thị Thái (1896-1982) quê Đà Nẵng - tác giả tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn do nhà in Bảo Tồn xuất bản ở Sài Gòn năm 1927 (tiểu thuyết Kim Tú Cầu của Đạm Phương nữ sĩ đăng báo Trung Bắc Tân văn năm 1923 nhưng đến năm 1928 mới được nhà in Bảo Tồn in thành sách), bút ký Bà Nà du ký đăng trên Nam Phong tạp chí năm 1931…
Năm 2013, trên địa bàn quận Thanh Khê có con đường mang tên Đại tá Đinh Thị Vân (1916-1995) quê Nam Định, người đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2015, trên địa bàn quận Cẩm Lệ có con đường mang tên Mẹ Thứ/ Nguyễn Thị Thứ (1904-2010) quê Quảng Nam - là nhân vật trữ tình trong ca khúc Người mẹ Quảng Nam của nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác năm 1997, là nguyên mẫu của tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Núi Cấm thành phố Tam Kỳ do họa sĩ Đinh Gia Thắng thiết kế - và thiết kế này lại trở thành bản gốc để họa sĩ Nguyễn Du thiết kế bộ tem bưu chính Bà mẹ Việt Nam anh hùng phát hành năm 2012.
Năm 2016, trên địa bàn quận Liên Chiểu có con đường mang tên Hoàng Thị Loan (1868-1901) quê Nghệ An - người có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh (chồng của Hoàng Thị Loan là Nguyễn Sinh Sắc được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu vào năm 2009, con trai là Nguyễn Tất Thành được đặt tên đường trên địa bàn ba quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu vào năm 2003) và có con đường mang tên nhà thơ Phạm Thị Lam Anh (chưa rõ năm sinh, năm mất) quê Quảng Nam, tác giả ba bài thơ thất ngôn tứ tuyệt chữ Hán viết về Khuất Nguyên, Kinh Kha, Hàn Tín và một bài thơ thất ngôn bát cú nhan đề Vịnh cảnh gần sáng (cha của Phạm Thị Lam Anh là Phạm Hữu Kính được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn năm 2008).
Năm 2018, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có một con đường mang tên nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988) quê Hà Nội, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 với các tập thơ Gió lào cát trắng, Hoa cỏ may, Tự hát và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017 với các tập thơ Lời ru trên mặt đất và Bầu trời trong quả trứng, được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2018 (chồng của Xuân Quỳnh là Lưu Quang Vũ được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2002, cha chồng là Lưu Quang Thuận được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2012, chú ruột chồng là Lưu Trùng Dương cũng được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2022).
Trên địa bàn quận Cẩm Lệ có một con đường mang tên Liệt sĩ Quách Thị Trang (1948-1963) quê Thái Bình, hy sinh trong phong trào tranh đấu của Phật giáo chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm và một con đường mang tên Liệt sĩ-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Sáu (1942-1967) quê Quảng Nam.
Trên địa bàn quận Liên Chiểu có một con đường mang tên Liệt sĩ-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cận (1927-1969) quê Quảng Nam.
Năm 2019, trên địa bàn quận Liên Chiểu có một con đường mang tên Mẹ Suốt vinh danh Liệt sĩ-Anh hùng lao động Nguyễn Thị Suốt (1908-1968) quê Quảng Bình, người lái đò trên sông Nhật Lệ trong kháng chiến chống Mỹ, nhân vật trữ tình trong bài thơ Mẹ Suốt của nhà thơ Tố Hữu sáng tác năm 1965 với hai câu thơ đi cùng năm tháng: Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/ Gió lay như sóng biển tung trắng bờ.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay, nhìn lại quá trình vinh danh các phụ nữ có công với nước qua việc đặt tên đường phố Đà Nẵng, càng thêm trân quý và tự hào về những cống hiến lớn lao của biết bao thế hệ nữ lưu nước Việt.
BÙI VĂN TIẾNG