Sức mạnh của ý Đảng và lòng dân

.

Nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2023), đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng dành cho Báo Đà Nẵng và Đặc san Khoa học và Phát triển cuộc trao đổi quan trọng.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.

* Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí đánh giá thế nào về sự kiện ngày Đà Nẵng và cả miền Nam được giải phóng?

- Nhìn lại sự kiện cách đây 48 năm, ngày Đà Nẵng và cả miền Nam được giải phóng, nhân dân thành phố Đà Nẵng nói riêng, cả đất nước nói chung và toàn thể bạn bè yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới được chứng kiến thời khắc lịch sử khi đoàn quân cách mạng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975 và thành phố Sài Gòn ngày 30-4-1975. Đây là trang sử hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Bằng tinh thần quả cảm và ý chí quật cường, quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù xâm lược; kết thúc cuộc chiến đấu suốt 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Đó cũng là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của Nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Riêng đối với thành phố Đà Nẵng, ngày 29-3-1975 là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng to lớn, đúng như nhận định của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Giải phóng Đà Nẵng đã mở ra một tình thế cách mạng mới: Sự sụp đổ không thể cứu vãn của Mỹ, ngụy tại chiến trường miền Nam”. Đặc biệt với người Đà Nẵng, đó còn là sự kiện đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân đế quốc kéo dài suốt 117 năm, kể từ khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên ở cửa sông Hàn vào 10 giờ sáng ngày 1-9-1858, để bắt đầu quá trình xâm lược nước ta và sau đó là phát xít Nhật và đế quốc Mỹ.

* Công cuộc xây dựng quê hương sau ngày giải phóng đã gợi mở những tiền đề gì cho sự phát triển, thưa đồng chí Bí thư?

- Việc xây dựng quê hương sau ngày giải phóng từ đống tro tàn, đổ nát của chiến tranh và tàn dư của một đô thị vốn là căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất, hiện đại nhất của chế độ cũ tại khu vực miền Trung là một thách thức vô cùng lớn lao của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung, của người Đà Nẵng nói riêng. Không những vậy, lúc bấy giờ các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn luôn luôn tìm mọi cách để phá hoại thành quả cách mạng, chống phá chính quyền cách mạng còn non trẻ. Nhưng chúng ta có một Đảng bộ vững mạnh, có một chính quyền đầy nhiệt huyết, hết lòng “vì dân, vì nước”, có một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, trong sạch được tôi luyện trong những năm chiến tranh khốc liệt, đã không quản ngại ngày đêm lăn lộn với cơ sở để huy động sức mạnh đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, nhanh chóng tiếp quản, thiết lập an ninh trật tự, rà phá bom mìn, đưa dân về quê quán cũ, cải tạo công thương nghiệp, đẩy mạnh làm thủy nông, mở rộng khai hoang, canh tác đồng ruộng... để tăng gia, sản xuất.

Nhờ những bước đi đúng đắn và tích cực đó, an ninh chính trị được giữ vững, kinh tế nhanh chóng được phục hồi, đời sống Nhân dân từng bước được ổn định, tạo dựng lòng tin của Nhân dân vào chế độ do Đảng ta lãnh đạo. Tất cả những điều đó là tiền đề, nhân tố để làm nên mọi thắng lợi, gợi mở cho Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ, đảng viên của chúng ta làm bài học cốt lõi trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố sau này.

Thành phố Đà Nẵng đã và đang phát triển với sự năng động và bứt phá.  Trong ảnh: Đô thị Đà Nẵng không ngừng mở rộng theo hướng hiện đại, văn minh. Ảnh: Nguyễn TRÌNH
Thành phố Đà Nẵng đã và đang phát triển với sự năng động và bứt phá. TRONG ẢNH: Đô thị Đà Nẵng không ngừng mở rộng theo hướng hiện đại, văn minh. Ảnh: Nguyễn TRÌNH

* Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương năm 1997, theo đồng chí có ý nghĩa như thế nào?

- Ngày 6-11-1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX ra Nghị quyết chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, để tái lập tỉnh Quảng Nam và thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Đây được xem là bước ngoặt có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Đà Nẵng từng bước vươn lên với những nỗ lực không ngừng nghỉ, nhằm xây dựng một thành phố có vị trí quan trọng của khu vực và cả nước.

Trước hết, việc Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là một tất yếu khách quan trong lịch sử phát triển của đất nước nói chung và của thành phố Đà Nẵng nói riêng. Bởi lúc đó, Đà Nẵng chỉ là đơn vị hành chính loại 3 thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, với xuất phát điểm thấp, quy hoạch rời rạc, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, giao thông đi lại khó khăn, do vậy nếu muốn phát triển thì cần tạo cho Đà Nẵng một môi trường đồng bộ cả về đơn vị hành chính lẫn bố trí nguồn lực.

Thứ hai, đây là giai đoạn cả nước bắt đầu thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sẽ tạo ra động lực mới, nội lực mới cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững của cả thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Đối với Đà Nẵng do vị trí địa lý của mình nên việc xây dựng thành một đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung có ý nghĩa rất lớn. Như tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đề ra rằng: Đà Nẵng nhanh chóng xây dựng và phát triển thành trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính- ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.

Thứ ba, sự khát vọng lớn lao của các nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng làm sao để cho quê hương mình phát triển mạnh mẽ, khai thác nguồn lực sẵn có về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và đội ngũ cán bộ, cũng như nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân. Đây được xem vừa là nhân tố, vừa là động cơ có ý nghĩa lớn lao cho quá trình hình thành và phát triển đô thị Đà Nẵng cả trước mắt và lâu dài.

* Dấu ấn Đà Nẵng gần 30 năm qua là gì, thưa đồng chí Bí thư?

- Theo tôi nghĩ, dấu ấn lớn nhất qua gần 30 năm Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là câu chuyện về: Ý ĐẢNG VÀ LÒNG DÂN. Đối với Đà Nẵng, đây là dấu ấn sâu đậm nhất và được thể hiện trong thời điểm vô cùng ấn tượng mà mỗi người dân thành phố này đều hiểu rất rõ kể từ ngày 1-1-1997.

Trên chặng đường tiến về phía trước, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân Đà Nẵng luôn luôn có một khát vọng lớn lao là làm sao để cho thành phố ngày càng phát triển, làm cách nào để xứng với sự kỳ vọng của Trung ương, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố, cũng như bạn bè trong và ngoài nước. Với quyết tâm vươn lên mạnh mẽ, cùng tinh thần “biến không thành có, khó thành dễ, không thể thành có thể”, Đảng bộ và chính quyền và Nhân dân thành phố đã đoàn kết, thống nhất, không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển thành phố.

Sau gần 30 năm, Đà Nẵng nhanh chóng “thay da, đổi thịt”, tạo ra một đô thị mới, hiện đại và được xem là điểm nhấn trong tiến trình xây dựng và phát triển của miền Trung và cả nước. Những con số thống kê, những công trình thực tế, những thay đổi tích cực trong đời sống xã hội là minh chứng thuyết phục nhất cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của thành phố. Trong gần 30 năm qua, quy mô và trình độ nền kinh tế thành phố thuộc nhóm phát triển của cả nước, ước tính GRDP trung bình gần 30 năm tăng khoảng 9%/năm. Thương hiệu điểm đến du lịch Đà Nẵng từng bước được khẳng định và là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Một dấu ấn nổi bật, ấn tượng và đầy sức thuyết phục của thành phố đó là thực hiện hiệu quả việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian đô thị. Chính những quyết sách đúng đắn mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm đã giúp thành phố nhanh chóng thay đổi diện mạo đô thị với tốc độ rất nhanh và trên phạm vi rộng. Nếu sau ngày đầu chia tách, Đà Nẵng chỉ có khoảng 360 con đường thì đến nay đã có hơn 2.300 con đường, 412km đường bộ đến nay có trên 1.200km đường bộ; hình ảnh những chuyến phà nối liền hai bờ sông Hàn đã trở thành quá khứ và hiện tại những cây cầu hiện đại nối liền; những khu nhà chồ tạm bợ bây giờ là những công trình tầm cỡ, quy mô; hệ thống bệnh viện, trường học được đầu tư khang trang, hiện đại không chỉ đáp ứng cho người dân thành phố mà còn cho cả khu vực; những bãi biển hoang sơ, vắng vẻ nay đã được công nhận là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh... Đó là kết quả của những chủ trương, chính sách đúng đắn, vì lợi ích nhân dân, đúng với phương châm “Đảng nói dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động dân theo; chính quyền làm dân ủng hộ” mang bản sắc riêng của thành phố.

Và một điều đã tạo nên thương hiệu “thành phố đáng sống”, chính là tôn chỉ phát triển kinh tế thành phố luôn gắn liền với phát triển văn hóa, xã hội một cách hài hòa, bền vững, trong đó người dân thành phố là chủ thể trung tâm, quyền lợi của người dân được đặt trên hết. Từ đó các chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn sâu sắc đã tạo những giá trị nền tảng trong đời sống xã hội thành phố, các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” là những chính sách cụ thể hóa, đồng hành và đảm bảo cuộc sống cho người dân thành phố suốt những năm qua. Chất lượng cuộc sống người dân thành phố không ngừng được nâng lên, chuẩn nghèo được nâng cao hơn mức quy định chung của cả nước và hướng đến giảm nghèo đa chiều, bền vững; thu nhập bình quân đầu người thành phố thuộc nhóm cao trên cả nước và nhiều năm đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Nhân tố quyết định cho thành quả tuyệt vời đó chính là “Ý Đảng, lòng dân” tạo nên một sức mạnh to lớn trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố qua các nhiệm kỳ, nhất là từ khi có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 3, bên phải sang) kiểm tra dự án Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở  hạ tầng dùng chung. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 3, bên phải sang) kiểm tra dự án Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Ảnh: HOÀNG HIỆP

* Theo đồng chí Bí thư, những thuận lợi và thách thức nào để Đà Nẵng trở thành đô thị trung tâm của khu vực?

- Chỉ trong vòng 26 năm, Bộ Chính trị đã dành cho thành phố sự quan tâm hết sức đặc biệt với hai Nghị quyết số 33-NQ/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW vô cùng quan trọng với mong muốn để Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Tiếp đến là Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây là bước thể chế hóa các chủ trương của Đảng để tạo cho Đà Nẵng các cơ sở pháp lý nhằm xây dựng mô hình chính quyền đô thị mạnh, gọn nhẹ, hiệu quả; kịp thời đề ra các quyết sách nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong giai đoạn mới.

Đồng thời Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Với quyết định này của Thủ tướng, sẽ gắn với thiết kế chiến lược phát triển kinh tế của thành phố đến năm 2030. Đặc biệt gần nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng, hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia, nhất là xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng.

Có thể nói các văn kiện kể trên của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ ban hành sẽ là tiền đề, cơ hội, động lực cả trước mắt và lâu dài cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các mục tiêu của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố trong thời gian đến.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực, hiện nay thành phố đang đối diện với không ít khó khăn, thách thức và trở lực. Dư địa để phát triển thành phố hiện nay không còn nhiều, quy mô nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và lợi thế cạnh tranh; cơ cấu kinh tế thành phố bộc lộ một số điểm chưa phù hợp thể hiện rõ qua tác động của đại dịch Covid-19, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, dễ bị tổn thương; đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ của thành phố hiện nay chưa đồng đều, thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực mũi nhọn.

Cùng một lúc thành phố phải thực hiện nhiều kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, bản án liên quan đến thành phố, trong khi một số vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm do vượt quá thẩm quyền của thành phố, đây là “điểm nghẽn” tồn tại, đã kéo dài nhiều năm, dẫn đến khó khăn trong huy động nguồn lực phát triển, phát sinh tâm lý dè chừng, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đó là những trở lực, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Đà Nẵng phải đoàn kết, bản lĩnh, phát huy truyền thống cách mạng để nhận diện, khắc phục và vượt qua trong thời gian đến.

Nhưng với truyền thống cách mạng hào hùng, các tầng lớp Nhân dân Đà Nẵng đã, đang và sẽ đồng hành cùng với Đảng bộ và chính quyền thành phố tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, không ngừng vươn lên, đưa thành phố hướng tới là một đô thị thông minh, năng động, sáng tạo đẳng cấp khu vực và quốc tế như yêu cầu của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã đề ra.

* Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!

LÊ MINH HÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.