Ngày 26-5, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Tiếp đó, tối 5-6, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra trọng thể lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19.
Phát biểu tại sự kiện có ý nghĩa to lớn này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp của xã hội để chia sẻ với ngân sách Nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên nguyên tắc bảo đảm sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật, thuận lợi nhất cho việc đóng góp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, khi đất nước ta gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, sức dân là vũ khí tối tân nhất, sắc bén nhất để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và viết nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong cuộc chiến chống Covid-19, sự đồng lòng của nhân dân là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn.
Đến nay, đã có hơn 4.000 tỷ đồng của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Điều đó cho thấy sự đồng tình, ủng hộ của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19.
Nhưng kỳ lạ thay, trên một số trang mạng nước ngoài và các trang mạng xã hội lại không ngừng công kích vào sự ra đời của Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, họ tập trung vào hai khía cạnh sau đây nhằm chống phá, bôi nhọ và tạo sự hoài nghi của dư luận về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19.
Một là, cho rằng Đảng và Nhà nước ta không quan tâm đến công tác phòng, chống Covid-19, chậm trễ trong việc mua vắc-xin để phòng ngừa dịch bệnh. Chúng ta đều biết rằng, đại dịch Covid-19 là thảm họa mang tính toàn cầu. Trước nguy cơ đó, ngay từ đầu, Đảng và Nhà nước đã huy động sức người, sức của để ngăn chặn không cho dịch bệnh lây lan nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng và cuộc sống của người dân.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sau bốn lần nguy cơ dịch bệnh bùng phát, được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã ngăn chặn, kiềm hãm dịch bệnh và từng bước thực hiện hai mục tiêu kép là “sản xuất và ổn định cuộc sống của người dân”. Vì thế, Việt Nam được cộng đồng quốc tế thừa nhận là một số ít các quốc gia đã phòng, chống đại dịch Covid-19 tốt nhất.
Nhưng không chủ quan trước đại dịch, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những nhận định đánh giá sát đúng về dịch bệnh, nên cùng với việc ngăn chặn dịch bệnh không cho bùng phát, lây lan, tập trung dập dịch nhanh chóng, kịp thời là cổ vũ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19. Đồng thời, giao cho các cơ quan chuyên môn tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin các nước để mua…
Bằng những nỗ lực của mình, Việt Nam cũng đã có hàng triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 được đưa về nước tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu. Đồng thời, có những hợp đồng mới để trong năm 2021 có khoảng 150 liều vắc-xin phục vụ cho nhân dân.
Hai là, họ cho rằng sự hình thành Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 là vô trách nhiệm, mang hình thức ép buộc, bòn rút sức dân… Hiện nay, cả nước ta đang chung tay vào cuộc chống dịch bằng việc tích cực đóng góp để Chính phủ mua vắc-xin phòng Covid-19 tiêm chủng cho toàn dân. Đây là việc rất cần thiết, vừa hợp tình, vừa đúng thời điểm. Tuy nhiên, trên mạng xã hội những ngày qua, một số cá nhân, tổ chức chống phá liên tục dùng những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc về hành động thiết thực này.
Theo WHO, giải quyết tận gốc nguy cơ đại dịch Covid-19, số người dân được tiêm chủng phải đạt đến tỷ lệ 75%. Trong lúc nguồn ngân sách còn hạn chế, việc Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 là hoàn toàn phù hợp với Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chúng ta làm đúng luật, nhưng quan trọng hơn là đúng thời điểm và hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, việc huy động các nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận vắc-xin Covid-19 của Chính phủ Việt Nam rất kịp thời, phù hợp với sáng kiến vắc-xin toàn cầu. Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực để huy động nguồn lực từ ngân sách nhưng thực tế vẫn cần nhiều nguồn lực hơn nữa. Việc Chính phủ quản lý và sử dụng công bằng, hiệu quả nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại giá trị mới cho chiến lược ứng phó với Covid-19.
“Chính sự đoàn kết này sẽ giúp Việt Nam chấm dứt đại dịch. Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một ví dụ cho cách tiếp cận toàn dân trong việc kết thúc đại dịch”, TS Park nhấn mạnh.
Ngay những kẻ chống phá cũng chưa hiểu rõ một điều sơ đẳng đang diễn ra trên thực tế là nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế dồi dào nhưng không vì thế mà không dựa vào nguồn đóng góp của xã hội, của các doanh nghiệp, mạnh thường quân để mua vắc-xin. Hay như WHO cũng đã sớm hình thành Chương trình COVAX Facility nhằm huy động sự đóng góp của các nước, các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà hảo tâm… để có tiền mua vắc-xin trợ giúp cho các nước.
Truyền thống từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam là trước hiểm họa xâm lăng của kẻ thù, hay trước thảm họa của thiên tai, dịch bệnh thì tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của người dân nước Việt lại được nhân lên gấp vạn lần để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của Tổ quốc, cũng như giúp nhau vượt qua khó khăn, thử thách để cùng tồn tại trên mảnh đất thiêng liêng của bao thế hệ cha ông gây dựng nên.
Vì thế, chúng ta đều tin tưởng rằng, Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 là thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc, sẽ góp phần đắc lực để Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế giành chiến thắng trước đại dịch Covid-19 một cách sớm nhất, đưa cuộc sống và sản xuất của nước ta sớm trở lại bình thường.
TUYẾT MINH