Đồng thuận, nhìn từ cuộc chiến chống Covid-19

.

Đến nay, sau gần 26 năm xây dựng và phát triển thành phố với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, có thể nói, dường như mỗi công trình, mỗi dự án phát triển ở Đà Nẵng đều mang dấu ấn về sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Hai chữ “đồng thuận” với mảnh đất này không còn là một từ ngữ khô khan mà ẩn chứa trong đó bao nhiêu sắc thái tình cảm, bao nhiêu cung bậc cảm xúc.

Các nhà ngôn ngữ học, xã hội học có thể duy danh định nghĩa hai từ này, nhưng trong ý nghĩ của một người dân bình thường, nó có thể được hiểu là sự thuận tình, sự đồng lòng thực hiện một chủ trương nào đó của Trung ương, của lãnh đạo thành phố ở một thời điểm nhất định, đáp ứng nguyện vọng của số đông, nhằm mục đích xây dựng quê hương văn minh, hiện đại và đem lại một cuộc sống an bình cho mọi người dân.

Nói “số đông”, vì chắc chắn trong quá trình triển khai thực hiện, sẽ có người bị thiệt thòi đôi chút về quyền lợi vật chất, hoặc đụng chạm đến tâm lý cố hữu, ngại đổi thay… nhưng cuối cùng, nhận thức về một thành phố phát triển, giàu mạnh trong an bình, văn minh, hiện đại đã giúp họ vượt qua những đắn đo, những suy tính cá nhân để thuận tình với chủ trương chung. Đó là cách định nghĩa về sự đồng thuận rất nôm na mà cũng rất …dễ thương của con người Đà Nẵng, nhìn từ những thành quả hiện hữu đấy ấn tượng có được ngày hôm nay.

Hai chữ “đồng thuận” trong bối cảnh nhiều thách thức trên từng chặng đường phát triển của Đà Nẵng mang trong mình nó những hàm nghĩa rất phong phú. Sự đồng thuận không chỉ gắn với những thành tựu về cơ sở hạ tầng, không chỉ xoay quanh câu chuyện đền bù, giải tỏa, mà ngay cả trước những thách thức vô hình, bài học về đồng thuận vẫn luôn là cẩm nang giúp thành phố vượt qua để ổn định và tiếp tục đi tới. Bước vào quý 4 của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 này, chúng ta có được độ lùi cần thiết để nhìn lại gần 3 năm cuộc đối đầu “sinh tử” của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng người dân thành phố trước đại dịch Covid-19, một hiểm nạn của nhân loại mà Việt Nam không là một ngoại lệ, trong đó, thành phố Đà Nẵng chúng ta là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, có lúc dồn dập, phải căng mình chống chịu và nỗ lực vượt qua.

Mặc dù diễn biến của Covid-19 vẫn đang rất phức tạp, khó lường, với nhiều biến thể mới, tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể khẳng định chúng ta đã đạt được những thành công rất cơ bản trong việc phòng chống, dập dịch, đẩy lùi sức tấn công của dịch bệnh, kiểm soát được tình hình, thực hiện mục tiêu “kép” đã đề ra. Một trong những nguyên nhân của thành công, phải kể đến sự nỗ lực của đảng bộ và chính quyền thành phố trong việc tạo ra được một sức mạnh đồng thuận, một không khí đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, biến nó thành vũ khí tinh thần sắc bén chống lại đại dịch.

Để tạo được đồng thuận, trước hết, về phía lãnh đạo, có chỉ đạo, có chủ trương và biện pháp chống dịch hiệu quả nhưng đồng thời phải phù hợp với tâm lý, tâm trạng, kỳ vọng của đông đảo người dân trước cơn lốc dịch bệnh chưa có tiền lệ mà ngay cả những nước có nền kinh tế, y tế mạnh cũng lúng túng trong xử lý ban đầu. Lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp của thành phố, trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, đã vận dụng những nội dung thích hợp, căn cứ diễn biến của dịch bệnh trong từng thời điểm, trên từng địa bàn cụ thể, với khả năng tiếp nhận cung ứng thuốc và vật tư y tế… , đã có những chỉ đạo sát sao, cập nhật, quyết liệt nhưng cũng mềm dẻo, cố gắng không làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, từ đó đã tạo niềm tin, sự hưởng ứng, sự hợp tác của người dân. Đương nhiên, vì một thử thách chưa có tiền lệ nên cũng phải có những điều chỉnh, cân nhắc sao cho đạt hiệu quả cao, giảm tối đa những hậu quả không mong muốn. Đã có lúc “bộ chỉ huy chiến dịch” phải đưa ra những quyết định cân não, những xử lý tình huống nhanh nhạy, vừa bảo đảm an dân vừa đạt mục tiêu kìm hãm đà lây lan dịch bệnh.

Chẳng hạn thời điểm quy định cách ly y tế cả một địa bàn quận, hoặc quy định đợt phong tỏa nghiêm ngặt “ai ở đâu thì ở đó”, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, phường, xã cách ly nhau… phần nào ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, làm ăn, sinh sống, giao dịch của hàng vạn người dân thành phố. Những thời điểm như vậy, công tác tư tưởng phải rất khôn khéo nhằm tạo được trạng thái cân bằng, tạo tâm thái điềm tĩnh trong cách nhìn, cách hành xử trước diễn biến dịch bệnh, thông tin những kiến thức về dịch bệnh, hướng dẫn chấp hành những quy định do Bộ Y tế và UBND thành phố đề ra. Bên cạnh xây dựng và củng cố niềm tin chung vào sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, của thành phố trong phòng, chống, chữa trị bệnh, chống lại mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc... còn phải tuyên truyền giải thích và tạo niềm tin vào những điều rất cụ thể như tin vào hiệu quả của biện pháp 5K, sau này là 5K + vắc-xin; tin vào khả năng phòng ngừa của các loại vắc-xin để tự giác tiêm phòng khi có điều kiện.

Không chỉ là mệnh lệnh mà lãnh đạo các cấp của thành phố còn lắng nghe, thấu cảm để có những chỉ đạo sâu sát thực tế, từ việc đề ra phương án chi tiết cung ứng phân phối lương thực, thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong điều kiện khan hiếm cục bộ do phong tỏa, cho đến việc lập danh sách nhóm bác sĩ của thành phố tham gia tư vấn trực tuyến miễn phí cho bà con khi có vấn đề sức khỏe... 

Về phía người dân, sự đồng thuận được thể hiện rõ rệt nhất là tinh thần đồng lòng chống dịch, đồng lòng với những chủ trương và biện pháp do Ban Chỉ đạo Trung ương và các cấp ở thành phố đề ra. Đây không phải là thứ đồng thuận dễ dãi theo lối “dĩ hòa vi quý”, đồng tình cho “qua quận”, mà là sự đồng thuận sau khi đã có thông tin một cách khoa học, có phản biện. Đồng thuận trên cơ sở lợi ích chung của cộng đồng, trong đó có lợi ích của từng gia đình và của các cá nhân.

Tất nhiên đâu đó, ở những thời điểm diễn biến khác nhau, vẫn có những ý kiến cực đoan, không đồng tình với các biện pháp chống dịch. Đó là chưa kể các thế lực chống đối, có thời điểm lợi dụng tình hình dịch bệnh căng thẳng xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chăm lo cho người dân trong tâm dịch. Tuy nhiên đến nay, thời gian đã trả lời tất cả. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam trong những phát biểu của mình đã nhiều lần tỏ ý khâm phục ý thức của người dân Việt Nam trong việc hợp tác với chính quyền trong tham gia chống dịch kết hợp với ý thức bảo vệ bản thân.

Điều đáng nói là, qua đại dịch Covid-19, khái niệm “đồng thuận” còn mang thêm những ý nghĩa mới, những sắc thái mới đầy giá trị nhân văn. Đồng thuận còn hàm nghĩa “đồng cảm”, “đồng cam cộng khổ”, chia sẻ ngọt bùi trong điều kiện khó khăn của những ngày giãn cách nghiêm ngặt. Trong hoạn nạn chung, con người trở nên thông cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Không thể kể hết những nghĩa cử, những hành động tốt đẹp của những tổ chức, những cá nhân trong những ngày này.  Bên cạnh việc chia sẻ vất vả, khó khăn, thậm chí hiểm nguy với các lực lượng tuyến đầu - các bác sĩ, hộ lý, nhân viên y tế, các cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, các thanh niên tình nguyện - mà ngay cả trong từng thôn xóm, tổ dân phố, trong những khu chung cư… mọi người cũng cùng nhau sẻ chia những động viên tinh thần, những món quà vật chất nhỏ bé nhưng đầy tình nhân ái. Văn hóa ứng xử trong những ngày dịch bệnh cũng trở thành thước đo cho sự đồng thuận xã hội của người dân Đà Nẵng.

Nhìn ở góc độ đồng thuận xã hội, thành phố Đà Nẵng trong và sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát đã trở thành một khối liên kết bền vững, từ người lãnh đạo cao nhất đến mọi công dân thành phố, tất cả cùng chung một nhận thức, chung một quyết tâm, chung một chí hướng, chung một lợi ích: xây dựng và phát triển bền vững thành phố, đặc biệt tập trung bảo đảm cuộc sống ngày càng ấm no và an lành cho mỗi người dân. Trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều thách thức khó dự lường, trong đó có cả thách thức truyền thống và phi truyền thống.

Nhưng thực tế những trải nghiệm vừa qua trong cuộc đối đầu với Covid-19 giúp chúng ta hoàn toàn tin tưởng, với sự lãnh đạo thống nhất, tập trung của Đảng bộ thành phố, với sức mạnh đồng thuận của khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố và vun đắp, chắc chắn không trở lực vô hình, hữu hình nào có thể cản trở mục tiêu của chúng ta quyết tâm xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp và vững mạnh, bảo đảm an ninh xã hội, an toàn cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam - trong đó có con người Đà Nẵng - như định hướng được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.