Ứng phó ngập đô thị

.

Thành phố Đà Nẵng bị ngập nặng trong đợt mưa lịch sử cuối tuần qua, dù được quy hoạch thoát nước tốt, theo các chuyên gia,  là bởi cơn mưa vượt mức chịu đựng của cơ sở hạ tầng đô thị với lượng mưa lớn và liên tục như vậy, không chỉ Đà Nẵng mà bất cứ đô thị nào cũng vậy, thậm chí bị ngập nặng hơn.

Thật vậy, hệ thống thoát nước của thành phố có thể chịu đựng được những trận mưa có lượng mưa 30-40mm/giờ và không kéo dài lâu. Tuy nhiên, ngày 14-10, trên địa bàn thành phố đã có mưa to đến rất to từ 5 giờ sáng đến 13 giờ chiều. Từ 14 giờ đến 22 giờ xuất hiện mưa rất to với lượng mưa đo được tại nhiều nơi hơn 100mm/giờ. Thậm chí, tại một số nơi còn đo được lượng mưa trong 3 giờ liên tục đều hơn 100mm/giờ, trong đó, tại khu vực suối Đá (quận Sơn Trà) là 416mm/3 giờ, hồ Thạc Gián (quận Thanh Khê) 372mm/3 giờ, Khe Cạn (quận Thanh Khê) 390mm/3 giờ, kênh dọc đường Nguyễn Đình Tựu (quận Thanh Khê) 348,6mm/3 giờ; Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) 328mm/3 giờ...

Như vậy có thể thấy, với lượng mưa quá lớn kéo dài trong nhiều giờ, cao gấp 3-4 lần so với mức chịu đựng của cơ sở hạ tầng trong bối cảnh hệ thống cống, hồ đã đầy nước do đã mưa to đến rất to trong 9 giờ liên tục nên mưa lớn đổ xuống bao nhiêu thì nước dâng lên mặt đường bấy nhiêu. Mặt khác, ở đô thị, do nhiều công trình hạ tầng, nhà dân đều đổ bê-tông, mái không thấm nước... làm nước mưa xuống càng đổ ra đường. Những khu vực đồi núi đã “no” nước do mưa rất to trước đó cũng hạn chế thấm nước nên chảy tràn. Đây là những nguyên nhân chính gây ngập sâu ở nhiều khu vực và nước chảy xiết ở nhiều hướng thoát nước. Đồng thời, gây sạt lở đất ở nhiều nơi, nặng nề nhất là trước cửa hầm Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, tuyến đường ĐT.601, quốc lộ 14G... Mưa quá lớn cũng gây ra lũ quét trên sông Túy Loan và Cu Đê; lũ lên rất nhanh và dâng cao được so sánh với mức lũ lịch sử năm 1999.

TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam cho rằng, số liệu mưa thực tế từ các trạm đo mưa tại Đà Nẵng cho thấy khoảng thời gian mưa gây ra trận ngập lụt diện rộng này là từ 15 giờ đến 21 giờ (trong 6 giờ) ngày 14-10 với lượng mưa cao nhất ghi nhận ở trạm suối Đá, Sơn Trà là 637mm/6 giờ. Năng lực thoát nước ở các đô thị loại 1 ở Việt Nam nói chung đang ở mức đáp ứng được lượng mưa 70mm/2 giờ.

Trong trường hợp của Đà Nẵng, với lượng mưa như vậy, hệ thống phải giải quyết được lượng mưa 100mm/giờ. Đó là con số phi thực tế mà không một đô thị nào trên thế giới hướng đến bởi vì rất tốn tiền... Rủi ro ngập lụt được hạn chế bằng cách tăng không gian chứa, thấm nước, hạn chế phát triển đô thị kiểu be bờ xung quanh bờ biển, hạn chế lấn sông và dành không gian mặt thoáng cho nước tự chảy. Ở nông thôn, cần hạn chế bê-tông hóa mảnh vườn hoặc mảng sân trước, sau nhà. Các trường học, công sở không nên bít kín bằng bê-tông, vừa nóng vừa không thấm nước...

Còn TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng nhìn nhận, nguyên nhân ngập lụt là do mưa quá lớn, lại xảy ra vào đúng thời điểm triều cường với hạ tầng thoát nước hiện trạng thoát không kịp. Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 năm đã xảy ra trận mưa cực đoan, sau trận mưa năm 2018, cho thấy mức độ mưa cực đoan ngày càng tăng và tần suất dày hơn.

Để ứng phó với vấn đề này, cần xem xét đánh giá kỹ các công trình thoát nước hạ tầng khi xây dựng mới; đánh giá lại các hiện trạng và quy hoạch, thoát nước, thoát lũ. Ngoài việc xác định số điểm ngập sau mỗi lần mưa, cần đánh giá mức độ ngập và khả năng chịu đựng tối đa của các khu vực tương ứng với lượng mưa tối đa. Để tăng khả năng thoát nước thì cần đầu tư thêm các công trình thoát nước, xây dựng theo từng giai đoạn. Các thông tin cảnh báo thiên tai như: mưa, lũ và các vị trí nguy cơ cần được cập nhập liên tục trên các kênh thông tin để người dân có thể dễ dàng truy cập...

Bên cạnh những đề xuất của các chuyên gia, thiết nghĩ, trước mắt, các đơn vị, địa phương cần nghiên cứu, tính toán, xem xét lại các hướng thoát nước và có thể mở rộng khẩu độ cống, kênh, cầu... ở hạ lưu để thoát nước nhanh hơn, khắc phục tình trạng cản trở thoát lũ của các công trình, nhất là các tuyến đường giao thông.

Các khu vực dân cư quy hoạch “treo” kéo dài cần được sớm đầu tư quy hoạch. Các khu dân cư thấp trũng trong các kiệt, hẻm cần được đầu tư bổ sung hoặc mở rộng cống và vận động nhân dân chung tay tái thiết đô thị. Thành phố quan tâm bố trí kinh phí để thường xuyên nạo vét mương, hệ thống cống rảnh, bảo đảm khả năng thoát nước khi có mưa lớn. 

Từ trận mưa lũ lịch sử này, các cấp, ngành cũng cần nghiên cứu đầu tư, trang bị các phương tiện, kỹ năng ứng cứu nhân dân để sẵn sàng đối mặt với những trận ngập lụt diện rộng xảy ra trong tương lai do biến đổi khí hậu ngày càng xảy ra nhiều trận mưa cực đoan.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.