Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với trọng tâm phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đến nay, Đà Nẵng có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 21 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 42 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và một sản phẩm tiềm năng 5 sao. Thành phố rất quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; qua đó đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường.
Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng khảo sát thực tế cho thấy, người tiêu dùng trên địa bàn vẫn chưa biết đến, chưa có nhiều cơ hội và sự lựa chọn thụ hưởng các sản phẩm OCOP. Đơn cử như tại chợ Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ), điểm bán sản phẩm OCOP được xây dựng ở vị trí đẹp, khang trang so với hạ tầng các lô, quầy hàng bên trong chợ và đã được hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, người tiêu dùng, thậm chí tiểu thương trong chợ lúng túng khi được hỏi về sản phẩm OCOP hay điểm bán OCOP tại chợ mình.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm OCOP trên thị trường hiện nay ở các trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng thực phẩm, chợ truyền thống… chưa thực sự nổi bật. Người tiêu dùng sau khi biết đến sản phẩm ở các hội chợ, chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm nhưng cũng rất khó để thường xuyên mua.
Nói như vậy để thấy, sau hơn 3 năm triển khai, các sản phẩm OCOP vẫn xa lạ với số đông người tiêu dùng. Đây là vấn đề nằm ở khâu tiếp thị sản phẩm. Trong bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP có thể thấy rằng, điểm dành cho tiếp thị chiếm đến 25% nhưng hiện nay tiêu chí này vẫn chưa thực sự được chú trọng đúng mức.
Trao đổi với một số chủ hộ kinh doanh sản phẩm được chứng nhận OCOP, được biết từ khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, số lượng hàng bán ra có tăng lên, tuy nhiên, chưa thực sự đột phá. Đa số các chủ thể tham gia OCOP là cơ sở nhỏ lẻ, thiếu kỹ năng tiếp thị như làm phóng sự ảnh, video clip về sản phẩm.
Những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được chính quyền thành phố, các sở, ban, ngành quan tâm và thực hiện. Nhiều chương trình tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp hưởng ứng cuộc vận động được đẩy mạnh; công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của thành phố được lan tỏa đến đông đảo nhân dân, người tiêu dùng thành phố thông qua các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại, hội thảo, tập huấn…
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố, trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện thường xuyên, thống nhất và tạo sự đồng thuận, hưởng ứng, góp phần nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi mua sắm, tiêu dùng; tạo sự chuyển biến tích cực đối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng Việt có chất lượng, nông sản địa phương được quan tâm tổ chức thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nỗ lực tạo ra những sản phẩm tạo được lòng tin của người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội…
Thiết nghĩ, để mang thương hiệu sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng, trước tiên các đơn vị sản xuất cần thực hiện các quy trình sản xuất tạo chất lượng sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn, mẫu mã sản phẩm hấp dẫn thị hiếu các đối tượng tiêu dùng và rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong công tác quảng bá, tuyên truyền nâng cao vị thế của sản phẩm địa phương.
Thời gian tới, các ngành chức năng cần tập trung công tác quảng bá, đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử cho các chủ thể OCOP tiếp cận bởi ngoài việc tạo ra sản phẩm thì việc tiếp thị sản phẩm, thương hiệu đóng một vai trò rất quan trọng.
HẢI ÂU